CHÁNH TÀI -
Tại cuộc đấu giá do hãng đấu giá Sotheby’s (Mỹ) tổ chức ở Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Hồng Kông vào ngày 5-4, bức tranh cuộn dài 2 m mang tên Peach Blossom Spring (Đào nguyên đồ) của danh họa Trung Quốc Trương Đại Thiên (1899-1983) đã được bán với giá kỷ lục 271 triệu đô la Hồng Kông (gần 35 triệu đô la Mỹ). Đào nguyên đồ là tác phẩm được Trương Đại Thiên vẽ trước khi mất một năm, lấy cảm hứng từ tác phẩm Đào hoa nguyên ký của Đào Tiềm, một danh sĩ trong lịch sử văn học Trung Quốc.
Đây cũng là bức tranh có giá bán cao nhất của một họa sĩ Trung Quốc từ trước đến nay. Bên thắng đấu giá là Bảo tàng Long Museum ở Thượng Hải. Long Museum là bảo tàng tư nhân lớn nhất Trung Quốc do đôi vợ chồng tỉ phú Lưu Ích Khiêm (Liu Yiqian) và Vương Vi (Wang Wei) thành lập.
Giới mê tranh choáng váng
Bức tranh cuộn Peach Blossom Spring (Đào nguyên đồ) được vợ chồng tỉ phú Lưu Ích Khiêm mua với giá 35 triệu đô la Mỹ. Ảnh: Reuters
Hãng tin AFP đưa tin cuộc đấu giá diễn ra sôi động và căng thẳng trong một căn phòng chật kín người với 100 lần ra giá trong vòng 55 phút. Đây là một trong những cuộc đấu giá tốn nhiều thời gian nhất do Sotheby’s tổ chức trong những năm gần đây. Mức giá bán trên cao gấp ba lần mức giá kỳ vọng của Sotheby’s.
Giám đốc điều hành phụ trách khu vực châu Á của Sotheby’s cho biết Đào nguyên đồ là một tác phẩm vĩ đại và xứng đáng với mức định giá trên.
Ông nói: “Màu sắc của bức tranh rất sinh động và nó có lẽ là một trong hai hoặc ba tác phẩm nghệ thuật quan trọng nhất thế giới còn nằm trong tay tư nhân”.
Tên tuổi của cặp vợ chồng Lưu Ích Khiêm và Vương Vi đang nổi như cồn trong giới nghệ thuật vì trong những năm gần đây, họ liên tiếp đặt giá cao ngất ngưỡng để mua những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của thế giới. Tháng 11-2015, ông Lưu Ích Khiêm đã khiến giới mê tranh choáng váng khi đặt giá 170,4 triệu đô la Mỹ để thu tóm tác phẩm vẽ một phụ nữ khỏa thân mang tên Nu couché của danh họa người Ý Amedeo Modigliani trong cuộc đấu giá do hãng đấu giá Christie’s (Anh) tổ chức ở thành phố New York.
Nu couché trở thành bức họa được bán với giá cao thứ hai thế giới, chỉ đứng sau tác phẩm Les Femmes d’Alger, phiên bản “O” của danh họa Picasso, được bán với giá gần 180 triệu đô la Mỹ vào năm ngoái.
Vào năm 2014, tại một cuộc đấu giá ở Hồng Kông cũng do hãng đấu giá Sotheby’s tổ chức, ông Lưu Ích Khiêm cũng gây sửng sốt khi mua một chén trà 500 tuổi có từ đời nhà Minh với giá 36,3 triệu đô la Mỹ và qua đó cũng lập kỷ lục về giá đối với một món đồ sứ của Trung Quốc. Chén trà này có họa tiết trang trí là hình ảnh những con gà.
Tỉ phú Lưu Ích Khiêm đã mua chén trà 500 tuổi có từ đời nhà Minh này với giá 36,3 triệu đô la Mỹ. Ảnh: AP
Mua để trưng bày ở bảo tàng
Trò chuyện với tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, bà Vương Vi cho biết: “Hơn một nửa gia tài của vợ chồng chúng tôi đã được chi cho các tác phẩm nghệ thuật vì chúng tôi yêu nghệ thuật. Chúng tôi mua các tác phẩm nghệ thuật và xây bảo tàng để trưng bày chúng cho công chúng thưởng lãm xuất phát từ tình yêu của chúng tôi đối với nghệ thuật”.
Nhiều nhà sưu tập tranh ngại bị chú ý nhưng vợ chồng ông Lưu Ích Khiêm cảm thấy hãnh diện khi được nổi tiếng trên toàn thế giới nhờ những vụ thắng đấu giá đình đám. “Chẳng có gì xấu khi để công chúng biết rằng chúng tôi yêu nghệ thuật”, bà Vương nói. Bà đang điều hành hai bảo tàng mang tên Long Museum ở Thượng Hải và dự định mở thêm một chi nhánh bảo tàng Long Museum nữa ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc.
Các bảo tàng của bà trưng bày các tác phẩm của các họa sĩ từ đời nhà Minh, nhà Thanh và các bức họa của các nghệ sĩ đương đại. Bà cho biết vợ chồng bà quan tâm đến nghệ thuật cách đây hơn 20 năm khi họ vẫn còn sống ở một căn nhà ọp ẹp và chật chội ở Thượng Hải. Phần lớn bộ sưu tập tranh của bà được mua vào giai đoạn 2008-2009 khi giá thị trường của tranh nghệ thuật giảm khoảng 30%. Bà quyết định mở bảo tàng nghệ thuật vì bà không muốn an phận làm người nội trợ và muốn “làm điều gì đó cho bản thân”.
Bà cho biết các bảo tàng không mang lại nguồn thu nhập đủ để trang trải chi phí vận hành hoạt động chúng. Tuy vậy, bà vẫn vui vẻ dành thời gian và nỗ lực để quản lý hai bảo tàng. “Giờ đây, tôi đang tận hưởng cuộc sống. Nhìn thấy khách viếng thăm bảo tàng mỗi ngày mỗi tăng giúp tôi thư giãn và bù đắp lại cho những tháng ngày gian khổ trong quá khứ”, bà nói.
Vợ chồng tỉ phú Lưu Ích Khiêm và Vương Vi. Ảnh: The Peek Magazine
Đi lên từ nghèo khó
Ông Lưu Ích Khiêm được biết đến như là một tỉ phú mê tranh nhưng ông không phải sinh ra trong một gia đình giàu có và có truyền thống nghệ thuật.
Ông bỏ học vào đầu thập niên 1980 khi đang là học sinh trung học cơ sở để mưu sinh. Ban đầu, ông mở xưởng sản xuất túi xách và bán chúng tại quầy hàng của mẹ ông tại một ngôi chợ ở Thượng Hải. Trong vòng năm năm sau đó, ông tích lũy đủ tiền để mua một chiếc xe và hành nghề lái taxi. Bước ngoặt đến với ông vào thập niên 1980 khi các công ty nhà nước phát hành cổ phiếu ra công chúng. Một người bạn rỉ tai ông về sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán mới đưa vào hoạt động. Ông đã bỏ ra khoảng gần 15.000 đô la Mỹ để mua cổ phiếu của một công ty nhà nước. Chỉ một năm sau, giá trị của cổ phiếu này đã tăng 50 lần. Sau đó, ông tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu, chủ yếu là cổ phiếu ngành bất động sản và dược phẩm.
Hiện nay ông là Chủ tịch Công ty Đầu tư Sunline Group có trụ sở đặt ở Thượng Hải. Công ty của ông đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau từ hóa chất, dược phẩm cho đến tài chính. Theo tạp chí Forbes, tổng tài sản của ông hiện nay có giá trị khoảng 3,2 tỉ đô la Mỹ.
Ông nói rằng mình sẽ không bao giờ bán các bức tranh trong bộ sưu tập của vợ chồng. “Tôi không bán vì muốn giúp những người Trung Quốc yêu nghệ thuật có cơ hội thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng mà không cần phải đi ra nước ngoài và đó là một trong những lý do chúng tôi thành lập bảo tàng”, ông nói.