Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Tiêm chất làm đầy coi chừng tiền mất tật mang

Nhiều người có nhu cầu cắt mí, bơm môi, nâng mũi, độn cằm… bằng cách tiêm chất làm đầy (filler) nhưng lại tìm đến những cơ sở làm đẹp không đảm bảo chất lượng. Đây là nguy cơ dẫn đến tình trạng hoại tử, nhiễm trùng, thậm chí tử vong.

Tiền mất tật mang

Gõ Google để tìm hiểu dịch vụ tiêm chất làm đầy, kết quả cho ra vô số nội dung quảng cáo từ các spa, cơ sở làm đẹp với các dịch vụ: độn cằm, nhấn mí filler, tạo hình khuôn mặt v-line, nâng mũi, tiêm gọn hàm. Gần đây còn có nâng mũi cao kiểu người Tây, tiêm má bầu bĩnh như em bé mà không đau đớn, không cần phẫu thuật…

Trường hợp biến chứng vì tiêm filler gần đây là vào ngày 19/11 khi một nữ bệnh nhân 18 tuổi (ngụ tại TPHCM) bị đau nhức, sưng tím vùng da quanh trán, mắt phải mờ dần sau khi được người thân tiêm filler tại nhà. Kết quả thăm khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch trung tâm võng mạc gây mù mắt phải.

Cũng trong đầu tháng 11, Khoa phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Trưng Vương cấp cứu cho một nữ sinh viên bị nhiễm trùng hoại tử vùng mũi do nâng mũi. Bệnh nhân này trước đó được bạn bè giới thiệu tới cơ sở thẩm mỹ ở quận 4 thực hiện nâng mũi với giá 2,3 triệu đồng và bị hoại tử vùng mũi sau khi tiêm chất làm đầy ba ngày.

Đó chỉ là hai trong số các ca biến chứng vì tiêm chất làm đầy ở các cơ sở làm đẹp không đảm bảo chuyên môn. Theo Thông tư 41 năm 2011 của Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Sở Y tế chỉ cấp giấy phép hoạt động cho các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ thực hiện các dịch vụ: tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, vùng cổ, tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai…

Đồng thời theo thông tư này, cơ sở thực hiện dịch vụ làm đẹp phải đảm bảo về điều kiện thiết bị y tế, cơ sở vật chất. Ngay cả các dịch vụ tiêm chất làm đầy hoặc các dịch vụ xâm lấn như điều trị da, tạo hình thẩm mỹ… đều phải có giấy phép. Riêng các cơ sở làm đẹp đơn thuần chỉ thực hiện việc chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc da, thẩm mỹ không dùng phương pháp phẫu thuật, không gây chảy máu, phải có giấy phép do UBND quận - huyện cấp.

Mối nguy hiểm khôn lường

Theo PGS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Giảng viên Khoa Dược, Trường Đại học Y dược TPHCM, nếu tiêm filler không rõ nguồn gốc, tiêm không đúng chỗ, tiêm nhầm mạch máu hay sử dụng quá số lượng… sẽ trở thành mối nguy hiểm khôn lường.

PGS Đức cho biết, filler được dùng có thể là acid hyaluronic, collagen dạng tiêm, acid poly-L-lactic (Sculptra), calci hydroxylapatit (Radiesse). Riêng acid hyaluronic (dùng ở dạng muối có tên hyaluronat) là chất tự nhiên trong cơ thể người, có nồng độ cao trong mô khớp và dịch khớp với vai trò bôi trơn, giảm xóc, bảo vệ khớp. Vì vậy, bác sĩ khoa cơ-xương-khớp có khi dùng acid hyaluronic tiêm vào khớp người bệnh để ức chế thoái hóa khớp, thúc đẩy tổng hợp tế bào sụn khớp.

Các filler vừa kể được gọi là chất làm đầy không vĩnh viễn vì chỉ có hiệu quả từ 4-18 tháng. Sau thời gian này chất làm đầy sẽ tiêu biến, người có nhu cầu sẽ được tiêm filler tiếp tục.
Mục đích của tiêm filler không vĩnh viễn là làm tăng thể tích của một bộ phận nào đó trong thời gian ngắn. Filler thường được dùng để nâng mũi, độn cằm, tiêm môi hình trái tim, tạo hình dạng tai lớn, làm hở cánh mũi… Chất làm đầy này sẽ tạo thành một khối mô nhầy nằm dưới những nếp nhăn, giúp da căng hơn như ở khóe miệng, vùng trán, đuôi mắt.

Ngoài chất làm đầy kể trên, còn có chất làm đầy vĩnh viễn là silicon dạng lỏng. Tuy nhiên filler loại này có để lại di chứng nên đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, dù đã được cảnh báo về tác hại nhưng nhiều người vẫn sử dụng dịch vụ làm đẹp liên quan đến silicon. Thực tế, không ít trường hợp đã bị tai biến sau khi nâng mũi bằng silicon làm mặt biến dạng, tiêm silicon lỏng vào ngực dẫn đến hoại tử vùng ngực...

PGS Nguyễn Hữu Đức lưu ý, thủ thuật tiêm filler có vẻ đơn giản nên nhiều cơ sở không giấy phép cũng thực hiện, đôi khi người thực hiện chỉ là người hành nghề cắt tóc, làm móng... Quy định của các tổ chức y tế trên thế giới đều bắt buộc người thực hiện việc tiêm filler phải là bác sĩ được cấp giấy phép. Biến chứng của filler tuy hiếm gặp nhưng nếu có sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của những cơ sở làm đẹp không có chuyên môn hoặc không có giấy phép.

Filler có chất lượng cũng ẩn chứa hiểm họaTheo khuyến cáo của các chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ, ngoài việc sử dụng filler không rõ nguồn gốc tại các cơ sở “chui”, bác sĩ không có tay nghề thì việc sử dụng filler có chất lượng cũng ẩn chứa hiểm họa như làm liệt cơ mặt và gây nên những biến chứng khó lường. Một trong những biến chứng là gây tắc mạch vùng tiêm, dẫn đến mù mắt, hoại tử, liệt một phần cơ thể...

Anh Minh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối