Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Tiêm phòng Covid-19 nhưng đừng chủ quan với cúm mùa

(SGTT) - Hiện nay nhiều người có tâm lý chủ quan, xem nhẹ việc tiêm vắc-xin ngừa cúm mùa, bởi ai cũng có thể nhiễm cúm và biến chứng do cúm mùa gây ra có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào.

Theo các chuyên gia y tế, tiêm ngừa cúm hằng năm được coi là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa nhiễm bệnh và các biến chứng của bệnh. Đặc biệt, tiêm vắc-xin cúm ngay sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, hoàn toàn không ảnh hưởng đến hiệu quả của hai loại vắc-xin.

Ngày 17-2, tại buổi tọa đàm về chủ đề “Cúm mùa và tầm quan trọng của việc tiêm ngừa cúm trong bối cảnh Covid-19” do Hội Y học Dự phòng Việt Nam tổ chức, PGS. TS. BS. Cao Hữu Nghĩa, Giảng viên Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur TPHCM, cho biết hiện nay, nhiều người có tâm lý chủ quan, xem nhẹ việc tiêm vắc-xin ngừa cúm, bởi ai cũng có thể nhiễm cúm và biến chứng do cúm mùa gây ra có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào.

Biến chứng cúm mùa có thể gây ra tình trạng viêm phổi, viêm tai giữa, viêm cơ tim, làm trầm trọng hơn bệnh lý đang có ở trẻ em và góp phần làm suy giảm chức năng hoặc khiến cho người lớn tuổi không thể hồi phục trở lại với đủ chức năng trước đó khi đã qua khỏi nhiễm trùng. Ngoài ra, cúm mùa có thể thúc đẩy, châm ngòi cho các đợt nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ở những bệnh nhân đã có tình trạng xơ vữa động mạch.

Buổi tọa đàm “Cúm mùa và tầm quan trọng của việc tiêm ngừa cúm trong bối cảnh Covid-19” có sự tham gia của PGS.TS.BS. Cao Hữu Nghĩa, Giảng viên Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur TPHCM và BS. CKI. Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC.

Theo BS. CKI. Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC, người xưa thường gộp chung thành cụm từ “cảm cúm”. Tuy nhiên, hai bệnh này là do hai tác nhân gây bệnh khác nhau, ví dụ như cúm A, cúm B, cúm C, cúm H1N1, cúm B/Victoria….

Nhắc đến cảm, nhiều người có suy nghĩ không cần điều trị, vẫn có thể điều trị khỏi. Tuy nhiên, "chúng ta phải lưu ý rằng bệnh cúm nhẹ rất khó phân biệt với bệnh cảm", BS Chính nhấn mạnh.

Trường hợp bị cảm nhẹ, có thể tự khỏi sau một tuần nhưng khi mắc cúm, bệnh nhân vẫn có nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, với người có bệnh lý nền sẽ gặp tình trạng tăng nặng, tỷ lệ nhập viện và tử vong cao hơn.

Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC cho biết trước đây, quá trình tiêm vắc-xin phòng Covid-19 rất được cẩn trọng. Tuy nhiên, giờ đây, việc tiêm vắc-xin cúm và vắc-xin phòng Covid-19 không cần giữ khoảng cách giữa các mũi tiêm. Cụ thể, một người tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại một cơ sở y tế; ngay trong buổi chiều cùng ngày, người dân vẫn có thể đi tiêm vắc-xin cúm.

Như vậy, việc tiêm vắc-xin cúm ngay sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, hoàn toàn không ảnh hưởng đến hiệu quả của hai loại vắc-xin.

Minh Thảo

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối