Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Tiếng cười từ phim quảng cáo

(SGTT) - Những đoạn phim ra đời với mục đích quảng cáo sản phẩm, dịch vụ... giờ đây không chỉ là hình thức quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp mà còn là xu hướng giải trí của nhiều người.

Phim quảng cáo hài phục vụ nhu cầu giải trí của nhiều người.

Ra mắt vào cuối năm 2018, những phim ngắn quảng cáo mang tố yếu gây cười của nhóm diễn viên Huỳnh Lập đã trở nên quen thuộc với khán giả. Thông điệp của các nhãn hàng được lồng ghép khéo léo và hài hước, khiến phim quảng cáo dần trở thành sự lựa chọn để giải trí, thư giãn của nhiều người, nhất là giới trẻ.

Đầu tư nghiêm túc

Nếu như trước đây, khán giả thường ngán ngẩm với các đoạn quảng cáo chen ngang trong chương trình đang phát thì phim quảng cáo hài ngày nay lại thường thu hút người xem đến tận phút cuối. Lý do là các phim này được đầu tư ngày càng nghiêm túc, có tình tiết gần gũi nhưng bất ngờ, đặc biệt là yếu tố gây cười khá duyên.

Hoàng Hậu Họ Huỳnh (chuỗi phim quảng cáo cho GrabBike), Sao Lại Ăn Tết? (quảng cáo nhãn hàng Omo), hay Yêu em, anh không còn gì? (quảng cáo gói cước Internet của Viettel)… đều là những tập phim đạt bốn đến năm triệu lượt xem chỉ trong vài tháng trên kênh Huỳnh Lập Official (17 Production).

Nội dung phim thường bắt đầu bằng cảnh nhân vật chính đang trong các tình huống dở khóc dở cười và tìm được giải pháp từ những nhãn hàng được quảng cáo. Điển hình là chuỗi phim quảng cáo Hoàng Hậu Họ Huỳnh với câu chuyện của vị hoàng hậu thường xuyên gặp phải rắc rối trong việc di chuyển hay vận chuyển đồ đạc nên cần đến sự hỗ trợ của GrabBike. Hay trong một tập phim quảng cáo dịch vụ thể thao, nhân vật nam chính khi đến phòng tập gym mới có thể “nhặt được bí kíp” chinh phục người yêu sau nhiều lần thất bại.

Việc nâng tầm các phim quảng cáo hài còn nằm ở chất lượng hình ảnh và bối cảnh phim. Đặc biệt, màu sắc nhận diện thương hiệu của nhãn hàng được lồng ghép ý nhị theo nhiều dạng thức khác nhau như: màu rèm cửa, màu quần áo nhân vật chính hay màu những đồ vật nhân vật sử dụng… khiến người xem không quá khó chịu vì quảng cáo khiên cưỡng.

Thông điệp của nhãn hàng thường được đặt vào cuối phim, do chính nhân vật lên tiếng với vai trò là người trải nghiệm. Cách thức này được xem là vừa đạt được mục đích của quảng cáo, vừa là cái kết trọn vẹn cho người xem khi các tình huống đặt ra đã được giải quyết.

“Ghi điểm” nhờ sự sáng tạo

Không giống như những quảng cáo trên ti vi thông thường, các phim quảng cáo hài hiện nay thường có thời lượng dài nhưng vẫn đạt được lượt xem cao cùng những bình luận khen ngợi.

Yếu tố hài hước được thể hiện qua lối diễn xuất tự nhiên của diễn viên và lời thoại. Những cái tên Huỳnh Lập, Quang Trung, Vy Vân, Lê Nhân… dường như không còn xa lạ với khán giả giải trí bằng các video trên YouTube. Với lối diễn xuất hóm hỉnh và sáng tạo, các diễn viên của 17 Production là yếu tố thu hút của các quảng cáo hài, bên cạnh kịch bản tốt. Nhiều câu thoại hài hước được cư dân mạng truyền nhau và trở thành trào lưu trên mạng xã hội một thời gian dài.

Bên cạnh đó, ê kíp 17 Production còn sáng tạo nội dung theo thời sự để phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả. Trong dịp cận Tết Nguyên đán, trào lưu “Những câu hỏi vô duyên nhất dịp Tết” lan truyền trên mạng xã hội cùng với sự ra đời của dòng điện thoại Samsung mới. Ngay sau đó, phim quảng cáo có tựa đề “Tuyệt chiêu né những câu hỏi bất hủ ngày Tết” kết hợp giới thiệu các ứng dụng mới của Samsung thành “Tuyệt chiêu né câu hỏi vô duyên” đã mang đến những tràng cười sảng khoái cho người xem.

Có thể nói, với trào lưu phim quảng cáo hài hiện nay, không ít thương hiệu đã nhờ đến cách thức này để tiếp cận khách hàng. Và không chỉ dừng lại ở việc quảng bá thương hiệu, phim quảng cáo hài còn thuyết phục khán giả chấp nhận đây là các sản phẩm có tính sáng tạo và giải trí cao.

Vũ Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối