Vũ Yến
Từ cái nôi là dàn nhạc VNHO (Vietnam Harmonica Orchestra), quy tụ gần 50 cây kèn harmonica, hoạt động theo phong cách thính phòng, mà nhiều khóa đào tạo harmonica bài bản đã ra đời và đưa tiếng kèn harmonica vào con đường chuyên nghiệp.
Thành lập được hơn hai năm, VNHO đã có nhiều chương trình biểu diễn trên sóng VTV, HTV, tham gia nhiều chương trình như Piano Sings do Hội nhạc sĩ Việt Nam và trường Âm nhạc B.A.C.H tổ chức tại Đà Lạt, biểu diễn tại trường Đại học Hoa Sen... Mới đây, ngày 20-5, một sự kiện khá đình đám mà VNHO cùng với trường Âm nhạc B.A.C.H (đơn vị chủ quản) đứng ra tổ chức là mời nghệ sĩ harmonica Ben Hewlett – Chủ tịch Liên đoàn Harmonica Vương quốc Anh sang giao lưu. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển, kết nối “tiếng kèn” trong nước với thế giới.
Hơn hai năm đóng cửa “luyện công”
Cho đến khi diễn ra sự kiện nghệ sĩ Ben Hewlett sang Việt Nam giao lưu, nhiều người mới biết đến VNHO. Theo ông Hoàng Mạnh Hà, Giám đốc dàn nhạc VNHO đồng thời là thành viên sáng lập, VNHO chưa được nhiều người biết đến bởi nó mới được thành lập chưa lâu. Hoạt động còn quá mới mẻ nên VNHO chủ yếu vẫn đóng cửa “luyện công”, chưa dám xuất hiện trước công chúng nhiều. “Năm đầu tiên chúng tôi đóng kín cửa để tập luyện, củng cố đội hình. Năm thứ hai trở đi chúng tôi bắt đầu xuất hiện trong một số chương trình, nhưng vẫn dành phần lớn thời gian để nâng cao trình độ cho các thành viên và mở các lớp đào tạo để phát triển thành viên mới”, ông Hà nói.
Hiện VNHO đang tập nước rút để ghi hình cho chương trình Gõ cửa âm nhạc của đài HTV. Nhớ về giai đoạn chuẩn bị thành lập, ông Hà tâm sự: “Ý tưởng về việc thành lập một dàn nhạc chơi toàn bằng kèn harmonica thì tôi ấp ủ từ lâu khi tìm hiểu phong trào thế giới. Nhưng tới Giáng sinh năm 2013, được sự khích lệ của nhạc trưởng Nguyễn Bách – Chủ tịch trường Âm nhạc B.A.C.H, tôi mới tự tin bắt tay vào xây dựng”. Trong đợt vận động thành lập, có khoảng 50 người đăng ký tham dự và đến buổi lễ ra mắt thì chính thức có 30 thành viên, chủ yếu là học sinh, sinh viên.
Theo ông Hà, VNHO đã bắt đầu hầu như từ con số không. Vì trước đó các thành viên chủ yếu chơi loại kèn tremolo. Đây là loại kèn rẻ tiền, nghèo nàn kỹ thuật và chỉ thổi được những bản nhạc giản đơn như nhạc sinh hoạt, picnic... Đó cũng là bối cảnh chung của harmonica Việt Nam. Trong khi đó, yêu cầu của một dàn nhạc là phải có những cây kèn harmonica chromatic chuyên nghiệp. Tuy nhiên, dòng kèn này vượt quá túi tiền sinh viên! Nếu cứ sử dụng loại kèn tremolo, nhạc sĩ cũng khó lòng làm bài phối khí được.
Thế rồi thế bí đó cũng được tháo gỡ khi ông Hà đem chuyện này tâm sự với ông Vũ Văn Mười – Giám đốc Công ty Gado. Ngay sau đó, ông Mười đã tài trợ cho VNHO đủ tiền để sắm một loạt kèn thuộc dòng chromatic hiệu Hohner của Đức để trang bị cho các thành viên. Trong đó, có hai cây kèn “độc” mà Việt Nam hiện chưa có, đó là cây bass harmonica và chord harmonica, giá trị mỗi cây ngang ngửa với một cây piano.
[box type="bio"]Nghệ sĩ Ben Hewlett, Chủ tịch Liên đoàn Harmonica Vương quốc Anh cho rằng: “Harmonica Việt Nam đã tách ra khỏi nhóm những nước ngủ đông”. Tại khu vực châu Á phong trào harmonica đã phát triển rầm rộ từ vài chục năm trước. Điển hình như Singapore có hẳn một dàn nhạc harmonica lên đến hàng trăm thành viên, thành lập cách đây 30 năm. Các nước khác cũng có rất nhiều dàn nhạc harmonica hoạt động chuyên nghiệp, có các hiệp hội và có nhiều festival harmonica quốc tế như Hàn Quốc, Đài Loan... Trong khi đó, phong trào harmonica ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar vẫn đang “ngủ đông”.
“Riêng Việt Nam, từ khi có hoạt động của VNHO đã chính thức tách ra khỏi nhóm những nước “ngủ đông” này. Các bạn đi sau, nhưng có định hướng phát triển bài bản để đi lên chuyên nghiệp. Cá nhân tôi và Liên đoàn Harmonica Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ hết mình để phong trào của các bạn phát triển hơn nữa”, nghệ sĩ Ben Hewlett nói.[/box]
Có kẻ theo chồng bỏ... dàn nhạc
Ông Hà cho biết, ban đầu mơ ước quy mô dàn nhạc sau một năm phải lên đến con số 100 người nhưng thực tế để duy trì số thành viên 30-50 người cũng đã rất khó. “Có cô đang tập kèn hăng say thì đùng một cái đến ngày đẹp trời đem kèn đến trả: Thưa thầy em đi lấy chồng. Có bạn đang luyện tập thì nghỉ để đi du học, có em học sinh mê lắm nhưng gia đình lại không cho phép vì sợ lơ là việc học ở trường… Cứ thế, tập luyện, đào tạo được một thời gian, các em biết một chút thì ngưng, em khác bổ sung lại phải tập luyện từ đầu. Khó khăn nhiều lúc muốn buông”, ông Hà trăn trở.
Do vậy, một mặt duy trì hoạt động của VNHO, một mặt ông Hà phải xây dựng giáo trình và liên tục mở các lớp dạy harmonica. Từ các lớp này, lại tuyển chọn người bổ sung cho VNHO.
Thời gian qua, ngoài các lớp đào tạo harmonica tại trường Âm nhạc B.A.C.H, ông Mạnh Hà đã mở rất nhiều khóa dạy harmonica miễn phí tại các quán cà phê trong thành phố. Từ đó, các bạn trẻ được tiếp cận với harmonica bài bản theo các kỹ thuật hiện đại của thế giới. Ông Hà cho biết: “Số học viên từ các lớp này chuyển qua tham gia dàn nhạc VNHO không nhiều, vì phần lớn các bạn không sắp xếp được thời gian. Tuy nhiên, chúng tôi rất vui vì có một chút đóng góp cho phong trào harmonica chung. Thời gian qua đã có khoảng hơn 200 học viên ra lò từ đây”.
Quan sát từ buổi giao lưu harmonica với nghệ sĩ Ben Hewlett, cho thấy phong trào harmonica ở Sài Gòn giờ đã lan tỏa ra đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp. Trước đây, sân chơi này dường như chỉ có học sinh, sinh viên độc diễn. Nhưng theo định hướng mới của VNHO, ngọn lửa đam mê harmonica đã lan tỏa đến giới công chức văn phòng. Trong VNHO hiện nay không thiếu những tay kèn là doanh nhân, kỹ sư, nhân viên ngân hàng, kiến trúc sư, nhà báo…
“Nhìn vào VNHO người ta sẽ thấy đó như một gia đình, có trẻ em, người lớn cùng gắn kết với nhau trong giai điệu du dương của cây kèn harmonica”, ông Hà tâm sự.