(SGTT) - Dần về cuối năm, thời gian có vẻ gấp gáp. Tôi đi qua vườn cây cao su của miền Đông, còn lưu lại dư âm của hơn trăm năm trước được ghi dấu trên tấm bảng của đồn điền Suzannah ở gần ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai). Thoảng nghe tiếng lá rụng, lại một mùa qua…
- Hai thầy giáo nước ngoài đi bộ 2.000km để thay đổi cuộc sống của trẻ em thiệt thòi
- Đến Huế, trải nghiệm cuộc sống ngư dân trên đầm Chuồn
Đó là vườn cây cao su nằm bên con đường gần căn nhà cũ của tôi, lúc rời Buôn Ma Thuột về Đồng Nai cư ngụ mấy chục năm trước. Lạ kỳ là trên mảnh đất hơn 8 héc ta rào khoanh lại ấy, vườn cây lúc nào cũng xanh ngút mắt, trừ mùa lá rụng. Tên của đồn điền được đặt theo tên thánh của người con gái ông chủ người Pháp đến đây tạo lập 117 năm trước, nơi khởi lập và bắt đầu một miền Đông ngút ngàn cây cao su trải dài qua các tỉnh, sau này. Mỗi khi dạy học về, trong tiếng chuông giáo đường của ngôi nhà thờ mỗi chiều thong thả gõ, tôi lại ngẫm về dấu ấn thời gian in hằn trên mỗi thân cây xù xì, gồ ghề rắn rỏi.
Rồi một hôm, tạm gác giáo án dịp cuối tuần năm 1995, tôi nhảy xe khách lên Sài Gòn, cất công đi tìm tư liệu về những đồn điền thuở xa xưa. Sự du nhập các giống cây cao su, phát triển các đồn điền trồng cam, mía đầu thế kỷ 20 ở miền Đông, bất ngờ tìm thấy trong cuốn sách ghi chép khá bài bản của một kỹ sư người Pháp, là ông Arnaud de Vogué, tôi mừng như vớ được vàng. Cuốn sách có tựa đề “Công ty SIPH ra đời như thế đó” (1905-1939), và tác giả là con trai của bá tước Robert de Vogué. Sách được xuất bản theo chương trình thuộc Hội Ái hữu những nhà trồng tỉa cao su cũ – Nhà in S.Gourci – tựa sách của Gerard de Laboulaye.
Đọc từng trang vàng ố màu thời gian, tôi hình dung ra lịch sử của giống cây cao su quý giá được trồng ở đồn điền Suzanne (trong sách ghi tên đồn điền như vậy, khác với tấm bảng treo ở vườn cao su tại nông trường Dầu Giây). Biết được thêm về sự hình thành con đường sắt xuyên Việt đầu tiên, Sài Gòn – Hà Nội ghi lại trong sách, mà đoạn thi công trước hết là vào khoảng 70 ki lô mét từ Sài Gòn đến ga Dầu Giây, với những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn và sông Đồng Nai được làm từ loại thép trứ danh của công ty EIFFEL chuyển từ Pháp qua. Đặc biệt hơn là mô tả sinh hoạt của người Pháp trăm năm trước, khi đặt chân đến một nước thuộc địa ở Đông Dương.
Và không chỉ có thế, tôi biết thêm được câu chuyện ra đời của đồn điền mía Cam Tiêm thuở ấy, với việc trồng mía xen lẫn cam, mà sau đó bị thất bại vì không hợp thổ nhưỡng. Mãi sau tìm hiểu tôi được biết vùng đất này được chuyển sang trồng cao su, bây giờ là một nông trường cao su thuộc huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Một đoạn khúc lịch sử khai phá, thử nghiệm khá gian nan về nghề trồng trọt trong những năm đầu thế kỷ 20.
Cho đến một ngày, khi đọc quyển tiểu thuyết Chị Đào chị Lý của cụ Hồ Biểu Chánh viết năm 1957, một năm trước khi tiểu thuyết gia Nam bộ này mất (1958), tôi bắt gặp một đoạn khá thú vị mô tả về nghề trồng mía thời thuộc Pháp. Cụ tỏ ra thông hiểu, tinh tường như sau: “Trồng mía hễ tới mùa thì phải đốn. Nếu để quá kỳ bị nắng mía mất nước. Nếu phải đốn chất ở vựa rồi chở đi lần lần, mía đốn lâu để nó hôi rượu, mà qua mùa mía tỉnh nào cũng đốn chở đi nườm nượp, vì vậy hãng định giá nào dân cũng phải bán, chớ chê rẻ rồi chở bán cho ai được…” (trang 140-NXB Văn hóa Sài Gòn, in năm 2009). Câu chuyện ông Cả Hớn, được mệnh danh là “vua đường”, bị Pháp mở lò đường cạnh tranh, phải kiện tụng suốt một thời gian dài, rồi sau đó vì thua kiện uất ức mà chết…
Cứ thế, khi lật giở từng trang ký ức được dung chứa trong sách vở, tôi chợt liên tưởng đến dòng chảy thời gian và những biến thiên lịch sử. Lại miên man nghĩ rằng, trên tàn cây ở khu vườn cao su ấy đã bao mùa lá xanh rồi lại vàng, dường như nghe thoảng tiếng thời gian xào xạc.
Những chiếc lá đếm từng năm tháng đi qua!
Trần Thanh Bình