TUỆ NHÃ -
Tối ngày 23-4, lụa Lãnh Mỹ A nổi tiếng mở màn Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (VIFW Xuân Hè 2016) dưới ánh mắt ngưỡng mộ của giới mộ điệu trong và ngoài nước. Thời hoàng kim đã đi qua, nhưng những người cuối cùng nâng niu Lãnh Mỹ A vẫn tiếp nối gìn giữ hồn lụa và giúp Lãnh Mỹ A thăng hoa, dù đó là việc chẳng hề dễ dàng.
Dưới bàn tay NTK Công Trí, lãnh-lụa từ màu đen đơn điệu biến hóa đầy sức sống.
Hồn lụa, hồn lúa thấm đẫm trong các thiết kế công phu cầu kỳ, đòi hỏi kỹ thuật thủ công đắp, đính, smocking tay nghề cao lẫn sức sáng tạo mới mẻ trên những chất liệu “khó tính” như lãnh, lụa, đũi… của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí. Anh chẳng phải là người đầu tiên hứng thú với Lãnh Mỹ A, nhưng có thể nói anh đã nâng chất liệu này lên một tầng bậc mới cho những người yêu thời trang, bằng một bộ sưu tập (BST) đương đại đa sắc.
Lãnh Mỹ A là loại vải khó làm, giá thành cao, khó may, khi may phải dùng chỉ tơ xâu qua loại kim thật nhỏ, chỉ may một lần duy nhất vì tháo chỉ may để chỉnh sửa sẽ để lại vết kim rõ rệt. Vải lại chỉ tuyền một màu đen bóng loáng, kén người mặc, khó kết hợp với các chất liệu khác… Chính vì thế chẳng mấy nhà thiết kế (NTK) mặn mà với việc thiết kế để bán, có chăng chỉ để thỏa giấc mơ “vị nghệ thuật” của người nghệ sĩ đam mê sáng tạo tìm tòi. Và Lãnh Mỹ A cũng chẳng phụ lòng người, nhà thiết kế nào đến với lãnh, cũng được đền đáp những sự tưởng thưởng nhất định. Từ Võ Việt Chung cho đến Công Trí, dù chưa có ai đủ sức hứa hẹn cho Lãnh Mỹ A một tương lai chẳng lụi tàn, nhưng chí ít cũng tạo nên một cơn sốt truyền thông nhất định để nhắc nhớ công chúng về một chất liệu đã từng là huyền thoại.
Bà Nguyễn Thị Lan nhà ở đường Mạc Đĩnh Chi, TPHCM kể: “Lãnh Mỹ A một thời là một biểu trưng giàu có của các bà các cô miền Tây. Ngay cả ở Sài Gòn, những người phụ nữ giàu có, trí thức lâu lâu vẫn diện những chiếc quần lãnh đen óng, với tiếng sột soạt theo từng bước chân, dù thời ấy với điều kiện kinh tế khá giả, họ dư tiền mua các loại vải xoa (soi) nhập khẩu từ Pháp và đặt thêu rồng phượng ở những tiệm như Nguyệt Cung đường Catina (nay là Đồng Khởi) với giá tính theo đơn vị là chỉ vàng. Thứ vải màu đen tuyền bóng lưỡng không chỉ có mặt ở Sài Gòn mà bôn ba khắp xứ Đông Dương, thậm chí theo cả những chuyến tàu vượt biển sang Pháp”.
Nhưng đó chỉ là chuyện quá khứ. Hôm nay, từ Châu Đốc đi phà Châu Giang qua thị xã Tân Châu, xưởng dệt nho nhỏ của ông Tám Lăng (tên thật là ông Long) – người được xem là cuối cùng dệt Lãnh Mỹ A, vẫn rầm rập vang lên tiếng 12 khuôn dệt trong cái nắng tháng 4 nhức người của miền biên giới, nhưng là dệt gấm giá rẻ. Còn Lãnh Mỹ A chỉ có hai khuôn dệt, cho ra cầm chừng khoảng hơn 3.000 m mỗi năm, được một đơn vị nước ngoài độc quyền bao tiêu đầu ra. Nếu đối tác không mua nữa, thì xưởng vẫn làm với số lượng rất nhỏ để giữ nghề, nhưng tương lai của Lãnh Mỹ A đi về đâu sẽ là một câu hỏi lớn không lời đáp.
Chị Hằng, con gái ông Tám Lăng, lo phụ trách coi sóc việc dệt Lãnh Mỹ A để em trai tên Trí lo việc thương mại và phát triển dòng lãnh màu (còn gọi là satin màu). Cũng là nhuộm từ các loại trái, vỏ cây thiên nhiên, nhưng nếu như việc làm lãnh màu nhẹ nhàng đơn giản hơn, thì việc làm ra một thước vải Lãnh Mỹ A (giá khoảng hơn ba trăm ngàn đồng) lại cực khó trăm bề, đỏi hỏi người thợ cả ở tình yêu với nghề nghiệp lẫn đức tính kiên trì tỉ mẩn phải ở mức cực đoan.
Chị Hằng, người tiếp nối giữ nghề Lãnh Mỹ A Tân Châu.
Mùa mưa, khoảng tháng 5 tháng 6, khi trái mặc nưa bắt đầu cho thu hoạch thì cũng bắt đầu vào mùa làm lãnh, bằng những cuộn tơ thô loại tốt nhất mua từ Bảo Lộc, Lâm Đồng. Trái mặc nưa đỏng đảnh lúc thừa đổ đi lúc kiếm khắp vùng không đủ, mưa không ưa nắng không chịu, trái chín thì hết nhựa mà đập dập ra rồi gặp mưa dầm chừng ba ngày thì đổ đi cả mẻ. Bàn tay người thợ qua trăm lần nhuộm và các công đoạn tách, xe, luộc, đập, phơi, ủi… suốt bốn tháng ròng bị nhựa “ăn” màu, lúc nào trông cũng lấm đen nhưng không phải ai trong vùng cũng có cơ hội “lấm màu mặc nưa” như thế nữa, vì sản xuất Lãnh Mỹ A giờ đây đã thu hẹp với số nhân công chỉ vài người làm việc theo mùa.
Loại Lãnh Mỹ A nức tiếng một thời nay cũng có chút khác trước. Thay vì mặt phải đen bóng được giữ kỹ, ngửa lên trên khi phơi thì nay, khách hàng chọn loại mặt lì ít bóng hơn để may ra ngoài, nên mặt phải bóng như nylon được úp xuống dưới, kéo phơi trên mặt cỏ. Công đoạn “hồ” vải (phủ các vết xước và giữ vải bền đẹp hơn, dày hơn, chính là lý do tạo nên tiếng sột soạt đẳng cấp của bước chân quý bà quý cô một thời) cũng được lược bỏ, vì Lãnh Mỹ A nay đã được hoàn thiện đẹp đẽ hơn với những lỗi rất nhỏ cũng được hạn chế khe khắt nhất.
Trải cây lãnh đen óng ả trong cái nóng hầm hập, chị Hằng đặt tay tôi lên mặt vải mát lạnh và trơn láng, đẹp như một giấc mơ của người nghệ sĩ thiết kế. Màu đen huyền ấy sẽ bền bỉ không phai cho đến khi vải rách bục, thủy chung như tấm lòng những người thợ làm lãnh yêu nghề.