Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Tiếp tục đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu

Thùy Dung -

Dù đã nhiều lần được đề xuất trong những lần xây dựng luật, nhưng việc tăng tuổi nghỉ hưu chưa được Quốc hội thông qua. Lần gần đây nhất là cuối năm 2017, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tiếp tục đưa phương án tăng tuổi nghỉ hưu vào dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động 2012. Liệu đề xuất lần này có khả thi?

Bốn năm tăng hai tuổi

Trong dự thảo mới, Bộ LĐTB&XH đưa ra hai phương án tuổi nghỉ hưu. Thứ nhất là giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Thứ hai là tuổi nghỉ hưu của nam tăng lên 62 và nữ 60 tuổi.

Đối với phương án 2, thời điểm áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu sẽ từ năm 2021 và mỗi năm tăng 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Như vậy, đến năm 2024, nam nghỉ hưu ở tuổi 62 và đến năm 2026 nữ sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60, kết thúc lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu.

Giải thích về việc đưa ra đề xuất này, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng các chuyên gia thế giới đều nhận định cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cần thời gian dài từ 50-70 năm. Trong khi đó tại Việt Nam, không lâu nữa số lượng người bước vào độ tuổi lao động sẽ bằng số người ra khỏi độ tuổi lao động (nghỉ hưu), câu chuyện nâng dần tuổi nghỉ hưu là không tránh khỏi đối với mọi quốc gia. “Nâng chậm quá thì sẽ phá sản”, ông Diệp nói.

Lao động nữ ngoài 35 tuổi có nguy cơ cao bị sa thải. Ảnh: Thuỳ Dung

Cũng theo Bộ LĐTB&XH, nâng tuổi nghỉ hưu là một giải pháp nhằm bảo đảm cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định hiện nay thì quỹ này sẽ mất cân đối trong dài hạn. Theo tính toán của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), từ năm 2023, tức chỉ còn hơn 5 năm nữa, Quỹ hưu trí và tử tuất sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi trong năm, bắt đầu trích từ phần quỹ kết dư để chi trả; từ năm 2034, phần quỹ kết dư sẽ không còn.

Bên cạnh đó, tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2016 là 73,4 năm, trong khi tuổi hưu trung bình của nam là 54,2 tuổi và nữ là 52,6 tuổi. Có nghĩa là, thời gian hưởng lương hưu còn rất dài (trung bình là của nam là 16,6 năm và nữ là 23,5 năm). Trong thực tế, nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm, và họ vẫn có đủ sức khỏe tham gia lao động tiếp.

Ngoài ra, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi hưu để ứng phó với xu hướng già hóa dân số và thiếu hụt lao động, có nước lên tới 67 tuổi.

Ông William Price, chuyên gia tài chính cao cấp của nhóm Ngân hàng thế giới (World Bank Group),  cho hay nếu cải cách không được thực hiện từ từ và ngay bây giờ thì những cải cách sau này sẽ rất khốc liệt và người lao động sẽ khó thích ứng hơn. Trên thế giới đã có nhiều nước chậm trễ trong việc cải cách hệ thống BHXH và sau này phải chịu hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ như tại Hy Lạp, lương hưu đã giảm tới 40% sau cuộc khủng hoảng tài chính. Hay như Ý, tuổi nghỉ hưu của nữ đã phải điều chỉnh tăng đột ngột từ 62 tuổi năm 2010 lên 66 tuổi năm 2018 và 67 tuổi năm 2020.

Tác động tới thị trường lao động?

Quyết định tăng tuổi nghỉ hưu luôn vấp phải sự phản ứng của dư luận mà vấn đề lo ngại nhất mà các chuyên gia đưa ra là: tăng tuổi nghỉ hưu sẽ “cướp mất” cơ hội việc làm của giới trẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước ta trong những năm vừa qua luôn cao hơn khoảng ba lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung toàn quốc. Cơ cấu dân số của nước ta hiện đang trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" và thời kỳ này còn kéo dài trên một thập kỷ nữa. Do đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tạo áp lực cho lao động trẻ, những người chưa có mối quan hệ và kinh nghiệm để tìm kiếm một công việc tốt.

Tuy nhiên, theo giải thích từ phía Bộ LĐTB&XH, bằng chứng thực tế từ nhiều quốc gia như Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh, và Mỹ cho thấy việc làm của công nhân lớn tuổi và trẻ tuổi di chuyển cùng nhau, chứ không phải là ở phía đối diện.

Tài liệu cũng chỉ ra những nỗ lực mà Chính phủ Đan Mạch thực hiện nhằm tăng việc làm cho lao động trẻ bằng cách khuyến khích người lao động lớn tuổi nghỉ hưu. Nhưng kết quả thực tế lại đi ngược lại ý muốn, lao động trẻ giảm và thất nghiệp trong giới trẻ tăng. Điều này cũng phù hợp với ví dụ của Trung Quốc khi mà dữ liệu được công bố vào năm 2012 cho thấy tỷ lệ việc làm của lao động trẻ tỷ lệ thuận với việc làm của công nhân lớn tuổi.

Tuy nhiên, lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhanh có thể gây ra một cú sốc về tình trạng thất nghiệp cho cả người già và người trẻ. Do đó, tác động này sẽ được hạn chế nếu việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu được thực hiện một cách từ từ.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc nâng tuổi nghỉ hưu không có ý nghĩa gì khi người lao động nhận BHXH một lần. Trên thực tế, tại nhiều khu công nghiệp đang có tình trạng sa thải lao động nữ ở độ tuổi ngoài 35. Ở độ tuổi này, lao động không có tay nghề sẽ khó chuyển đổi công việc, những việc sau đó của họ thường là làm ở khu vực phi chính thức như bán hàng rong, về quê làm ruộng hoặc đi học nghề làm đầu, cắt may... Do đó, họ thường có nhu cầu nhận BHXH một lần để chuyển đổi nghề nghiệp hoặc mua sắm phương tiện lao động như máy may, vốn mua hàng bán hàng rong, hay mở tiệm gội đầu…

Tuy nhiên, theo ông Diệp, nhằm hạn chế việc người lao động hưởng BHXH một lần, giúp họ có tích luỹ lâu dài để sau này có lương hưu, bộ đang tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong việc cải cách hệ thống BHXH, trong đó có hệ thống của Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, hiện nay tỷ lệ đóng bảo hiểm hưu trí tử tuất khoảng 28%, người lao động đóng 8%, doanh nghiệp đóng 20%, phần đóng của doanh nghiệp hòa vào mức chung để điều tiết đảm bảo không chênh lệch nhiều giữa những người lao động.

Khoản đóng 8% được hoạch toán vào tài khoản cá nhân. Khi muốn rời khỏi hệ thống và nhận BHXH một lần thì người lao động chỉ nhận 8% này, 20% là quỹ chung để người có lương cao chia sẻ với người có lương thấp, vì thế mức độ chênh lệch lương hưu của người lao động không nhiều.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối