Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Tiết kiệm năng lượng vẫn ì ạch

Tiết kiệm năng lượng được xem là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Thế nhưng, việc thực hiện yêu cầu này ở một số lĩnh vực vẫn còn diễn ra khá chậm chạp.

Tăng sức cạnh tranh

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị bên lề hội nghị “Tiết kiệm năng lượng toàn quốc lần VII” tổ chức tại Tiền Giang cuối tuần qua, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM, cho biết nếu bỏ qua những thủ thuật trong kinh doanh như dùng chính sách hay công cụ thuế quan để tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, thì đổi mới khoa học công nghệ để tiết kiệm năng lượng sẽ tạo ra sức cạnh tranh rất tốt cho doanh nghiệp.

Theo ông Tước, tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh mà còn có ý nghĩa cho doanh nghiệp trong nâng cao năng suất, tăng tỷ lệ sản phẩm chính. Chẳng hạn, với doanh nghiệp sắt thép hay xi măng, chỉ cần tiết kiệm được khoảng 10.000 đồng/tấn sản phẩm cũng là một điều có ý nghĩa giữa thời buổi khó khăn hiện nay.

Nhân viên của một doanh nghiệp giới thiệu thiết bị tiết kiệm năng lượng của mình tại hội nghị ở Tiền Giang cuối tuần qua. Ảnh: Trung Chánh
Nhân viên của một doanh nghiệp giới thiệu thiết bị tiết kiệm năng lượng của mình tại hội nghị ở Tiền Giang cuối tuần qua. Ảnh: Trung Chánh

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đồi, Giám đốc chi nhánh Tiền Giang của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, cho biết khi doanh nghiệp áp dụng các tiêu chí tiết kiệm năng lượng vào quy trình sản xuất sẽ góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí sản xuất, hoạt động. “Từ đó, góp phần làm giảm giá thành sản phẩm, tăng được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đó cũng là mục tiêu của giải pháp tiết kiệm năng lượng”, ông Đồi nói.

Theo ông Đồi, ở một số lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực có chi phí đầu tư thấp, mức độ quan tâm của doanh nghiệp vào công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng là rất lớn. “Đây là xu hướng tất yếu bắt buộc doanh nghiệp phải theo vì có một bộ phận khách hàng, đặc biệt là ở châu Âu, Mỹ đang có nhu cầu sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng hoặc các sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền thiết bị đó”, ông Đồi nhận xét.

[box type="download"] Theo Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), mục tiêu tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2012-2015 của Việt Nam là 5,8%/năm so với tổng mức tiêu thụ năng lượng cả nước.[/box]

...nhưng thiếu đủ thứ

Mặc dù được xác định là chìa khóa giúp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhưng việc đưa các giải pháp, thiết bị tiết kiệm năng lượng vào sản xuất kinh doanh hiện nay diễn ra khá chậm chạp. Lý giải vấn đề này, ông Tước cho rằng có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan tạo nên rào cản khiến doanh nghiệp ngại đổi mới khoa học công nghệ để tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, nhìn chung có ba rào cản cơ bản, đó là nhận thức của lãnh đạo, rào cản về tài chính và tư vấn.

Theo ông Tước, nếu cách đây 5-10 năm, giới lãnh đạo quan tâm hơn đến câu chuyện tiết kiệm năng lượng thì cục diện được cải thiện hơn rất nhiều, nghĩa là mục tiêu tiết kiệm năng lượng sẽ có kết quả tốt hơn bây giờ. Nhiều nhà máy xi măng, sắt thép cũng muốn thực hiện tiết kiệm năng lượng, nhưng hiện tài chính của họ đều có vấn đề nên cản trở sự quyết tâm đổi mới.

Ngoài ra, cũng theo ông Tước, thiếu lực lượng tư vấn có trình độ cũng là nguyên nhân khiến việc tiết kiệm năng lượng diễn ra chậm chạp. “Đây là yếu điểm của mình, tức các trung tâm tư vấn tiết kiệm năng lượng của mình chưa đủ độ sâu về công nghệ nên khó có sự phân tích, đánh giá và chọn được công nghệ phù hợp”, ông nói. Hiện cả nước có 14 trung tâm tư vấn tiết kiệm năng lượng.

Cùng nhận định, ông Nguyễn Tiến Long, một chuyên gia độc lập về năng lượng, cho rằng yếu tố tài chính là rào cản lớn nhất khiến doanh nghiệp không muốn đổi mới khoa học công nghệ. “Vốn bỏ ra lớn, trong khi khả năng thu hồi lợi nhuận đạt thấp, dĩ nhiên họ phải dè chừng”, ông nhận xét.

Số liệu nghiên cứu của một số dự án cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở một số lĩnh vực hiện còn rất lớn. Cụ thể, trong công nghiệp có thể đạt trên 20%, trong lĩnh vực xây dựng, nhà cao tầng, giao thông vận tải là 25-35% và trong khu vực sinh hoạt, hoạt động dịch vụ là 15-30%.

Được biết, trong năm 2010, lượng điện tiêu thụ ở lĩnh vực công nghiệp chiếm 39,9% tổng lượng điện tiêu thụ cả nước; lĩnh vực dân dụng là 33,4%; lĩnh vực giao thông vận tải là 22%; thương mại dịch vụ và nông nghiệp lần lượt là 3,5% và 1,2% so với tổng lượng điện tiêu thụ cả nước.

Muốn hiện thực hóa tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở một số lĩnh vực như đã nêu ở trên, theo ông Tước, Nhà nước và các trung tâm tiết kiệm năng lượng phải xây dựng môi trường, thể chế chính sách để mọi người cùng thực hiện. “Trước đây, máy nước nóng năng lượng mặt trời không ai kinh doanh, không ai phát triển. Thế nhưng, từ khi trung tâm tiết kiệm năng lượng khởi động phong trào hỗ trợ một triệu đồng/thiết bị đã kích thích được người tiêu dùng, giúp phát triển mạnh lên”, ông Tước dẫn chứng.

Với cách làm như trên, Nhà nước cần đóng vai trò kích thích, dẫn dắt và tạo tâm lý tự ý thức tiết kiệm năng lượng ở nhiều lĩnh vực khác. Khi doanh nghiệp, người dân quen dần thì tiết kiệm năng lượng tự động sẽ theo đà phát triển. “Đó mới là cái quan trọng mà chúng ta cần phải làm. Có như vậy, mục tiêu tiết kiệm năng lượng mới từng bước phát triển được”, ông Tước khẳng định.

Trung Chánh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối