TRẦN THU -
Từ khoảng cuối tháng 5 đến nay, một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất ở một số kỳ hạn, đồng thời tung ra một số chương trình khuyến mãi, tùy theo nhu cầu vốn cũng như diễn biến trên thị trường. Theo đó, lãi suất của một số ngân hàng chênh lệch nhau khá lớn, do đó người gửi tiền tiết kiệm nên tìm hiểu để có thể hưởng lãi suất tiền gửi có lợi nhất.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tại các ngân hàng, hiện mặt bằng lãi suất huy động bằng tiền đồng (VND) phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ sáu tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Căn cứ vào lãi suất được khoảng 10 ngân hàng công bố trên trang web chính thức (bao gồm ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần trong nước), có một số ngân hàng nổi bật hơn với lãi suất huy động cao hơn mặt bằng chung khoảng 1-1,4 điểm phần trăm, tùy từng kỳ hạn. Trong đó, ngân hàng có lãi suất khá thấp là Vietcombank và Techcombank, và cao nhất (ở tất cả các kỳ hạn gửi tiền) là Ngân hàng Xây dựng (CB). Một số ngân hàng khác cũng đang có mức lãi suất huy động cao hơn mặt bằng chung, như HDBank và SCB.
Tại các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, Sacombank, Techcombank, tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng có lãi suất dao động từ 4% đến 4,5%/năm, và từ sáu tháng đến dưới 12 tháng dao động trong khoảng 5-6%/năm.
Với tiền gửi kỳ hạn ngắn (1-2 tháng) CB đưa ra mức lãi suất khá cao, từ 5,4% đến 5,5%/năm, HDBank đưa ra mức 5%, và tại SCB là 5-5,3%/năm. Với tiền gửi từ sáu tháng đến dưới 12 tháng, CB vẫn là ngân hàng có mức lãi suất cao nhất, 6,55%/năm, và tại SCB là 6,1-6,35%/năm. Trong khi đó, với những kỳ hạn này, tại HDBank, lãi suất chỉ 5,7%/năm, không cao hơn nhiều so với một số ngân hàng có vốn nhà nước như BIDV.
Với tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng, lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước như Vietcombank, BIDV, VietinBank nằm ở mức 6-6,5%/năm, nhưng tại CB là 7,2%/năm, tại HDBank là 7%. Riêng đối với kỳ hạn 13 tháng, Sacombank lại là ngân hàng có lãi suất huy động khá cao – 7,55%/năm.
Bên cạnh lãi suất, hiện một số ngân hàng cũng đang có một số chương trình khuyến mãi mà người gửi tiền cũng có thể tìm hiểu để có lợi hơn. Chẳng hạn như, tại VietABank, khách hàng trên 45 tuổi gửi tiền kỳ hạn từ 13 tháng trở lên được hưởng lãi suất cộng thêm 0,2%/năm so với biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm thông thường. Hay, từ ngày 1-7 đến 15-8, tại CB, người gửi tiền tiết kiệm từ 30 triệu đồng hoặc 1.500 đô la Mỹ trở lên với kỳ hạn 1-13 tháng được nhận quà, như nồi cơm điện Happy Cook, bình đun siêu tốc Happy Cook hoặc chảo chống dính Happy Cook. Khách hàng có số giao dịch là 6, 8, 16, 18… còn được nhận thêm quà tặng Lộc Phát với giá trị từ 60.000 đồng đến 268.000 đồng.
Ngoài ra, người gửi tiền tiết kiệm cũng nên cân nhắc nhu cầu sử dụng tiền để chọn kỳ hạn gửi, vì sẽ chịu lãi suất không kỳ hạn nếu rút trước hạn. Tại một số ngân hàng như Agribank, CB, SCB, lãi suất không kỳ hạn hiện là 1%/năm, nhưng tại Vietcombank, BIDV chỉ 0,5%/năm, và tại Techcombank chỉ 0,3%/năm.
Một điều cũng khiến không ít người gửi tiền băn khoăn là liệu gửi tại ngân hàng nhỏ hay những ngân hàng đang có vấn đề (chủ yếu do tỷ lệ nợ xấu cao có nguy mất vốn) có an toàn bằng những ngân hàng có vốn nhà nước hay không. Tuy nhiên, trên thực tế, tính đến nay chưa có ngân hàng nào của Việt Nam bị cho phá sản mặc dù rơi vào tình trạng mất hết toàn bộ vốn chủ sở hữu.
Theo ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc NHNN tại buổi công bố NHNN trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam vào tháng 3 vừa qua, việc NHNN mua lại những ngân hàng yếu kém, bị mất vốn chủ sở hữu, nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, để tránh sự xáo trộn, bất ổn xã hội cũng như giữ ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng.