Minh Hiếu-
Nếu gia đình bạn có người già hoặc trẻ nhỏ, hoặc bạn là người thích nấu nướng nhưng lại không có nhiều thời gian, thì loại nồi ủ chân không sẽ là một lựa chọn phù hợp. Với loại nồi này, bạn có thể nấu cháo hoặc các món hầm như canh sườn, thịt bò kho,... mau nhừ mà không cần mất nhiều thời gian nấu nướng.
Nồi ủ chân không có kích thước và hình dáng tương tự một chiếc nồi cơm điện. Thông thường, một bộ nồi ủ chân không bao gồm lồng ủ, nồi nấu và 2-4 ca nhôm/inox, 1 khay để hấp cách thủy, 1 vung thủy tinh. Nồi ủ chân không có dung tích phổ biến từ 5-7 lít, loại to từ 8-9 lít. Tùy thuộc vào số lượng người trong gia đình mà bạn chọn loại nồi ủ có kích cỡ phù hợp. Nếu gia đình có khoảng 6 người trở lên, bạn nên chọn loại nồi có dung tích 8 lít, gia đình 4-6 người loại nồi 4,5 lít-6 lít, hay nồi khoảng 2-3 lít là phù hợp cho gia đình ít hơn 4 người. Tuy nhiên, khi nấu ăn bạn không nên nấu lượng thức ăn quá 2/3 nồi, với những thực phẩm nhiều bọt thì nên nấu lượng thức ăn chỉ khoảng 1/2 nồi để tránh trào bọt.
Ưu điểm của nồi ủ chân không là tiết kiệm nhiên liệu, dùng cho các món hầm, cần ninh nhừ. Nồi ủ có chức năng gần giống như phích nước, không cần cắm điện hay tiêu thụ nhiều nhiên liệu như gas, điện…
Để đảm bảo sức khỏe, bạn nên chọn loại nồi có chất liệu inox 304. Chất liệu inox 201 rất độc hại khi đun nấu và dễ bị ăn mòn, hoen gỉ sau một thời gian sử dụng. Điểm dễ nhận biết của những nồi ủ dạng này là được đánh bóng hoặc phủ lớp sơn sáng bóng như gương.
Khi chọn mua nồi ủ chân không, bạn nên chọn loại đáy nồi dày 3 lớp, thành nồi chắc chắn, khi gõ vào nghe âm thanh đặc chứ không kêu to. Còn đối với đáy lồng ủ khi ấn vào đáy thấy chắc chắn, không kêu lộp bộp và không bị lõm xuống khi ấn mạnh. Với nồi nấu có đáy dày 3 lớp thì khả năng truyền và lan tỏa nhiệt sẽ tốt hơn.
Để an toàn cho người sử dụng, nồi ủ chân không cần có chốt khóa, 2 lớp nắp đậy, đồng thời có quai hoặc tay xách chống nóng, tiện cho việc di chuyển và thức ăn không bị sóng ra ngoài. Mặt trong của lồng ủ được làm bằng thép không gỉ, mặt ngoài làm bằng nhựa hoặc inox cao cấp, không lo dẫn nhiệt ra bên ngoài, hạn chế gây bỏng, an toàn cho người sử dụng.
Loại nồi ủ chân không thông dụng hiện nay là đáy có chứa cuộn dây hợp kim nên giữ nhiệt lâu khi chuyển sang chế độ ủ, nồi có thể tiếp tục sôi thêm 25 phút sau khi ngừng nấu. Ngoài ra, nồi có thể giữ nhiệt 70ºC trong vòng 4 giờ và giữ nhiệt 50ºC trong vòng 8 giờ. Vì thế, nó có thể tiết kiệm năng lượng hơn so với nồi thông thường.
Các mẫu nồi ủ chân không trên thị trường hiện nay có giá bán dao động từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng. Thời gian bảo hành tùy từng sản phẩm có thể từ 12-18 tháng. Bạn có thể chọn mua sản phẩm tại các siêu thị điện máy hay các cửa hàng bán đồ gia dụng.
[box] Giá tham khảo
l Nồi ủ Tiger NFIA600 6L: 5,119 triệu đồng.
l Nồi ủ Tiger NFH-G450: 4,59 triệu đồng.
l Nồi ủ Thermos 4,5L: 3,77 triệu đồng.
l Nồi ủ Pensonic PTC-50: 850.000 đồng.
l Nồi ủ Khaluck Home KL-710: 650.000 đồng. [/box]
Lưu ý khi sử dụng:
- Do thời gian ủ khá lâu, nên nếu bạn có ít thời gian nấu ăn và cần có thức ăn chín ngay thì không nên chọn nồi ủ. Nếu muốn chuẩn bị cho bữa sáng thì phải nấu sôi thức ăn và đặt vào nồi ủ từ tối hôm trước, hoặc nếu muốn có món hầm cho bữa chiều thì bạn cần chuẩn bị từ sáng, đặt vào nồi ủ và đi làm, chiều về nấu sôi lại một chút là có đồ ăn.
- Lưu ý sau khi nhấc nồi nấu ra khỏi bếp gas tuyệt đối không được để nồi lên mặt kính, gạch men, vì lúc này nhiệt độ của tấm hợp kim giữ nhiệt rất lớn. Tránh tuyệt đối đặt lồng ủ lên ngọn lửa bếp gas hoặc mâm nhiệt của bếp điện, điện từ. Chất lượng lồng ủ sẽ giảm nếu bị nung nóng bằng nguồn nhiệt trực tiếp.
- Tránh cọ rửa mặt trong của phần nồi nấu bằng bùi nhùi sắt sẽ làm giảm khả năng hấp thụ nhiệt từ nồi nấu vào thức ăn.