Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Tiết kiệm nước: Còn nhiều việc phải làm

Mạnh Tùng

Câu chuyện về ý thức tiết kiệm nước sinh hoạt không mới, song nó sẽ chẳng bao giờ cũ trong bối cảnh nhiều nơi không có nước sử dụng nhưng lại có nơi đang lãng phí nguồn nước. Những biến đổi của môi trường đang giúp nhiều người nhận ra rằng, tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận.

Vô tư lãng phí

Đang là nhân viên của một phòng mạch tư ở quận Bình Thạnh, chị Y. thuê một căn phòng trọ tại ngã tư Bình Phước, quận Thủ Đức, TPHCM để ở trong những ngày làm việc, và đến cuối tuần chị về nhà ba mẹ ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho tiện. Phòng trọ nằm trong khu nhà ở tập thể của một công ty may, có giá cho thuê vừa phải và tiền điện nước cũng khá mềm, khoảng 3.000 đồng/kWh điện và 10.000 đồng/m3 nước sinh hoạt. Tính ra mỗi tháng, chị chỉ tốn tổng cộng khoảng 1,5 triệu đồng, bao gồm cả tiền thuê phòng trọ.

Số tiền trên khá nhỏ so với mức thu nhập, nên mỗi khi dùng điện và nước, chị nhân viên 24 tuổi này gần như không đắn đo, suy nghĩ đến việc phải tiết kiệm. Rửa một rổ rau cải bé xíu, chị cũng xả đủ ba chậu nước loại 15 lít, nước rửa xong cũng đổ ào đi. Chuyện giặt đồ của chị còn phí phạm nước hơn khi xả xà bông từng chiếc áo dưới vòi nước được vặn hết cỡ. “Tôi cũng từng thử xài nước tiết kiệm trong vòng một tháng, tiết kiệm được chừng 1-2 khối nước là cùng. Mà mỗi khối có 10.000 đồng thôi, nên cứ xài cho thoải mái, đắn đo tiết kiệm chi cho mệt”, chị Y. nói.

Tương tự, anh N., nhà ở đường Phan Văn Hớn, huyện Hóc Môn, cũng vô tư xả nước ào ào mỗi khi rửa xe máy, cho rằng tiền xăng hàng tháng mới đáng kể, chứ tiền nước “có đáng bao nhiêu, tiết kiệm làm chi cho… bức bối”.

Ở các hộ gia đình còn vậy, khi người dân phải bỏ tiền túi để trả tiền nước không thấy xót thì ở các công sở, trường học, nơi tiền nước được trả bằng “của công” thì chuyện phung phí càng nhiều hơn. Một chị lao công ở một trường đại học lớn tại quận 1, TPHCM cho biết tình trạng vòi nước trong nhà vệ sinh chảy tự do trong lúc chẳng có ai sử dụng diễn ra khá thường xuyên. Mỗi lần thấy cảnh đó, chị chỉ biết lắc đầu ngao ngán rồi khóa vòi nước lại chứ không biết sinh viên nào vô ý làm vậy để nhắc nhở.

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Anh Thi, chuyên gia tư vấn năng lượng và môi trường, người từng làm nhiều dự án môi trường cho các tổ chức quốc tế, nhận xét nhiều người dân quan niệm nước là thứ có sẵn, cứ xài thoải mái mà không nghĩ rằng, trên bình diện tổng thể, nếu ai đó sử dụng lãng phí thì cơ hội được sử dụng nước sạch của người khác sẽ ít đi.

Ông Thi trích dẫn số liệu của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) công bố hồi tháng 2-2015, cho biết tổng công suất cấp nước sạch của Sawaco là 1,7 triệu m3/ngày, và tỷ lệ thất thoát là 33%. Như vậy, trên thực tế lượng nước sạch được cung cấp đến người dân TPHCM chỉ khoảng 1,17 triệu m3/ngày. “Rõ ràng nếu ai đó dùng nước nhiều hơn thì những người còn lại trên hệ thống đường ống cấp nước sẽ phải dùng nước ít đi. Chưa kể hiện nay còn khoảng hơn 300.000 hộ dân tại thành phố chưa có cơ hội được tiếp cận nguồn nước sạch”, ông Thi nói.

IMG_3842

[box type="bio"] Theo đề xuất của Sawaco, giá nước bình quân đối với định mức sử dụng thấp nhất sẽ tăng từ mức hiện nay là 5.300 đồng/m3 lên 7.900 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế) vào năm 2019. Sawaco cho rằng tăng giá nước để phát triển ngành nước thành phố bởi chi phí đầu tư chiếm khoảng 72% giá thành nước sạch trong giai đoạn năm năm tới.

Quyết định cuối cùng về giá nước sạch tại TPHCM sẽ do UBND thành phố xem xét và ban hành trong thời gian tới sau khi có ý kiến của HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TPHCM.[/box]

Hành động thiết thực

Hiện một số khách sạn đang khuyến khích khách hàng sử dụng tiết kiệm nước bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Ông Hồ Anh Vũ, Trưởng phòng truyền thông của khách sạn InterContinential Nha Trang, cho biết ngay khi đưa vào sử dụng, khách sạn đã có chương trình tặng điểm cho các thẻ dịch vụ của khách hàng nếu họ dùng nước tiết kiệm.

Cụ thể, với những chiếc khăn tắm mà có thể sử dụng được nhiều lần, khách chưa có nhu cầu giặt thì có thể để riêng tại một ngăn trong phòng. Khi dọn phòng, nhân viên sẽ thống kê số khăn tắm mà khách hàng “tiết kiệm” để tặng điểm tích lũy cho khách. Ông Vũ cho biết, để giặt một chiếc khăn tắm phải sử dụng khá nhiều nước sạch, và với quy mô của một khách sạn lớn việc tiết kiệm này mang lại hiệu quả trông thấy.

Ông Thi cho rằng, những biện pháp tuyên truyền để người dân sử dụng nước tiết kiệm, mặc dù đã cũ nhưng vẫn có hiệu quả thực sự nếu có phương pháp trực quan, sinh động và không sa vào việc hô hào khẩu hiệu. Thực tế cho thấy, nhiều trường học hiện đang triển khai mạnh các chương trình giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, trong đó có nước sinh hoạt cho học sinh.

Cô Lê Thị Thiếu Hoa, Hiệu trưởng trường Mầm non 14, quận Tân Bình, TPHCM, cho biết ngay trong mỗi buổi học hay các buổi sinh hoạt, các cô giáo của trường chỉ dạy cặn kẽ cho các bé cách sử dụng nước ở nhà vệ sinh, bồn rửa sao cho đúng cách, tiết kiệm. Theo cô Hoa, ở tuổi còn ham chơi, ít tập trung nên các bé có thể mau “quên bài”, nhưng chịu khó uốn nắn từ từ, lâu ngày sẽ hình thành được thói quen tốt.

Thầy Nguyễn Ngọc Hổ, giáo viên khối lớp 4 của trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận 1, cho biết trường đã triển khai các bài học về tiết kiệm nước, tiết kiệm điện cho học sinh theo các chương trình, chủ đề sinh hoạt tập thể. Bằng những bài học trực quan, cặn kẽ ở từng hành vi sử dụng nước, ý thức của các học sinh đã được cải thiện rất nhiều. Các bài tập tiết kiệm nước cũng được các thầy cô giao cho học sinh bằng cách về nhà nhắc nhở ba mẹ hay người thân sử dụng nước tiết kiệm, rồi làm các “báo cáo” nho nhỏ để các em nhớ bài lâu hơn.

Nói về ý thức sử dụng nước tiết kiệm, PGS.TS. Lê Quốc Tuấn, Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên của trường Đại học Nông lâm TPHCM, cho rằng không quá khó để hình thành được thói quen tốt này bởi những hành động nhỏ tạo nên thói quen sẽ mang lại hiệu quả rất lớn.

Ông Tuấn nêu ví dụ, khi đánh răng, người dân nên dùng các cốc đựng nước để súc miệng, thay vì dùng nước xả trực tiếp từ vòi. Hay khi tắm thì nên sử dụng vòi sen thay vì dùng bồn tắm. Việc kiểm tra thường xuyên hệ thống ống nước, vòi nước trong nhà xem có bị rò rỉ hay không để kịp thời khắc phục cũng là việc nên làm.

Còn theo ông Thi, việc khuyến khích người dân tiết kiệm nước cần được hành động từ chính các doanh nghiệp cung cấp nước. Hiện nay, hầu như không có đối thoại giữa người dân và công ty cấp nước, mà chỉ là “giao tiếp” mỗi tháng một lần thông qua việc ghi hóa đơn và thu tiền nước. “Người sử dụng nước hiện nay có vẻ như chưa thực sự là khách hàng khi người bán hàng chưa thực sự lắng nghe, chia sẻ các kinh nghiệm sử dụng sản phẩm”, ông Thi nhận xét.

Ngoài ý thức sử dụng nước tiết kiệm, các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ khi sử dụng các thiết bị có khả năng tiết kiệm nước cũng mang lại nhiều hiệu quả. Đại diện Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM (ECC HCMC), cho biết năm 2013, bằng việc thay thế vòi sen hiện có thành vòi sen tiết kiệm nước và thay thế bàn cầu hiện có thành bàn cầu tiết kiệm nước cho 150 phòng, khách sạn Renaissance Riverside Saigon đã giảm đến 30% lượng nước sử dụng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối