CHÁNH TÀI -
Tại Mỹ, xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ (được sản xuất bằng phương thức và tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ) ngày càng gia tăng.
Theo một báo cáo vào ngày 19-5 vừa qua của Hiệp hội Kinh doanh hữu cơ (OTA) có trụ sở tại Washington D.C., trong năm 2015, tổng doanh thu các sản phẩm hữu cơ ở Mỹ tăng 11%, lên mức kỷ lục 43,3 tỉ đô la. Năm 2015 đánh dấu năm thứ tư liên tiếp tổng doanh thu của sản phẩm hữu cơ tăng trưởng ở mức hai con số liên tục. OTA thực hiện báo cáo dựa trên cuộc khảo sát đối với hơn 200 công ty trong ngành này.
Thị trường mở rộng
Biểu đồ tăng trưởng doanh thu sản phẩm hữu cơ (tính theo đơn vị tỉ đô la Mỹ) từ năm 2006 đến 2015, trong đó phần màu xanh dương biểu thị doanh thu thực phẩm hữu cơ. Ảnh: OTA
Báo cáo của OTA cho biết doanh thu của nông sản hữu cơ (rau củ quả sạch), phân khúc lớn nhất của thực phẩm hữu cơ, đạt 14,4 tỉ đô la Mỹ vào năm 2015, tăng 10,6% so với năm trước. Phân khúc lớn thứ hai là bơ sữa hữu cơ, có mức doanh thu 6 tỉ đô la Mỹ, tăng 10% so với năm trước đó.
Phân khúc có mức tăng trưởng mạnh nhất là đồ uống và nước ép hữu cơ với mức tăng 33,5% vào năm ngoái. Xếp ở vị trí thứ hai là trứng hữu cơ với mức tăng trưởng 32%. Trứng hữu cơ là các sản phẩm của gà đẻ được nuôi trong môi trường tự nhiên và được cho ăn bằng các thức ăn hữu cơ đồng thời không được tiêm các loại thuốc kháng sinh trừ phi có đại dịch. Trong khi đó, doanh thu gia vị hữu cơ tăng 18,5% và lần đầu tiên vượt mốc một tỉ đô la vào năm ngoái.
Bên cạnh đó, doanh thu của hạng mục thức ăn nhẹ hữu cơ (organic snack food) cũng đạt 2,3 tỉ đô la, tăng gần 14% so với năm 2014 và gấp ba lần so với cách đây 10 năm.
Nhờ nhu cầu gia tăng, sự hiện diện của thực phẩm hữu cơ trên thị trường ngày càng được mở rộng, đặc biệt tại nhiều siêu thị, cửa hàng lớn. Bà Laura Batcha, Giám đốc điều hành của OTA, cho biết: “Thực phẩm toàn phần (không sử dụng chất phụ gia và giảm thiểu chế biến) bao gồm nông sản và bơ sữa đang thúc đẩy thị trường. Cả hai phân khúc thực phẩm này chiếm hơn 50% tổng doanh thu của thực phẩm hữu cơ”.
Bà Batcha ghi nhận thực phẩm hữu cơ ngày càng được quan tâm nhờ các đòi hỏi của người tiêu dùng muốn minh bạch về nguồn cung và muốn biết thực phẩm họ sử dụng đến từ đâu. Bà nói: “Điều này có nghĩa là người tiêu dùng đang tìm các nhãn hiệu thực phẩm sạch có danh sách thành phần đơn giản trên các kệ hàng”. Bà cho biết, nhiều công ty kinh doanh thực phẩm hữu cơ đang đầu tư xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng để bảo đảm dòng chảy thực phẩm hữu cơ đến người tiêu dùng.
[box] Quy trình canh tác hữu cơ đòi hỏi hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón tổng hợp. Canh tác hữu cơ chủ yếu dựa vào phân bón có nguồn gốc hữu cơ như phân từ gia súc gia cầm, phân xanh, phân trộn… và tăng độ phì cho đất bằng nhóm cây trồng có tác dụng cải tạo đất. Canh tác hữu cơ nhấn mạnh vào các kỹ thuật luân canh giống cây trồng, kiểm soát dịch hại sinh học, sử dụng xen canh cây trồng khắc chế dịch hại hoặc khuyến khích sự tồn tại động vật là thiên địch của sâu bệnh, dịch hại. Thực phẩm hữu cơ cũng không được phép xử lý bằng chiếu xạ, dung môi công nghiệp hoặc các chất phụ gia thực phẩm tổng hợp. (Theo Wikipedia)[/box]
Nông dân tăng thu nhập
Gà được nuôi theo tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ tại một trang trại gia đình ở làng Sheffield, hạt Bureau, bang Illinois, Mỹ. Ảnh: Bloomberg
Theo một nghiên cứu của Đại học Pennsylvania (Mỹ) công bố ngày 25-5, sản xuất hữu cơ đang giúp giảm nghèo và tăng thu nhập các hộ gia đình ở vùng nông thôn của nước Mỹ.
Nghiên cứu, do giáo sư kinh tế Ted Jaenicke thực hiện, phát hiện ra rằng tại các khu vực có hoạt động sản xuất thực phẩm hữu cao ở Mỹ, thu nhập trung bình của các hộ gia đình tăng 2.000 đô la/năm.
Giáo sư Ted Jaenicke cho biết ông nghiên cứu thực phẩm hữu cơ vì muốn làm rõ tác động của nó đối với các nền kinh tế địa phương. Ông ghi nhận tác động của thực phẩm hữu cơ đối với kinh tế mạnh mẽ hơn nhiều so với suy nghĩ của ông trước đây.
Ông cho rằng lý do thực phẩm hữu cơ mang lại tác động tích cực là vì nó thúc đẩy nhu cầu sử dụng lao động và nguyên liệu sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Bên cạnh đó, nông dân cũng được hưởng lợi nhờ giá của thực phẩm hữu cơ cao hơn các thực phẩm sản xuất theo phương thức truyền thống.
Bà Laura Batcha, Giám đốc điều hành của OTA, nói: “Chúng ta đã biết rằng nông nghiệp hữu cơ mang lại các lợi ích cho môi trường và sức khỏe. Nghiên cứu quan trọng này còn cho thấy nông nghiệp hữu cơ giúp cải thiện đời sống và giúp bảo đảm tương lai tài chính của chúng ta. Nông nghiệp hữu cơ có thể được sử dụng như một công cụ phát triển kinh tế hiệu quả đặc biệt ở vùng nông thôn”.
Bà Batcha hy vọng kết quả nghiên cứu trên sẽ thúc giục các nhà hoạch định chính sách, bao gồm các quan chức bang và các nghị sĩ quốc hội Mỹ chú ý nhiều hơn đến các biện pháp khuyến khích đầu tư vào ngành nông nghiệp hữu cơ khi họ soạn thảo các dự luật về nông nghiệp.