(SGTT) - Trong tháng 5 vừa qua, người tiêu dùng xuống tiền mua ô tô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) nhiều hơn là xe lắp ráp trong nước (CKD), trở thành tháng thứ 2 liên tiếp lượng ô tô nhập khẩu tiêu thụ vượt xe CKD.
- Việt Nam vào top 10 điểm đến nhất định phải ghé thăm ở Đông Á
- Đề xuất gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố ngày 11-6, lượng bán hàng của toàn thị trường trong tháng 5 vừa qua đạt 25.794 xe, bao gồm xe 18.235 du lịch; 7.292 xe thương mại và 267 xe chuyên dụng, tương ứng tăng 6%, 7% và giảm 4% so với tháng trước đó.
Điểm đáng chú ý trong báo cáo bán hàng tháng 5 của VAMA là lượng bán của xe lắp ráp trong nước đạt 11.985 xe, chỉ tăng 0,02% so với tháng trước, trong khi lượng bán hàng của xe nhập khẩu nguyên chiếc là 13.809 xe, tăng 12% so với tháng trước, tức lượng xe nhập khẩu cao hơn 1.822 xe.
Đây là tháng thứ 2 liên tiếp lượng ô tô nhập khẩu tiêu thụ "vượt mặt" ô tô lắp ráp trong nước. Trong tháng trước đó, thống kê của VAMA cho thấy lượng bán hàng xe lắp ráp trong nước chỉ đạt 11.983 xe, trong khi lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc thì đạt 12.367 xe, tức xe nhập khẩu nguyên chiếc tiêu thụ cao hơn 384 xe.
Điều này được xem là khác lạ tại thị trường xe trong nước, nơi ô tô lắp ráp thường xuyên áp đảo nhóm xe nhập khẩu về lượng bán ra qua từng kỳ báo cáo. Dữ liệu bán hàng của VAMA cho thấy suốt từ đầu năm 2021 đến nay, chỉ có 5 lần khách hàng Việt Nam mua nhiều xe CBU hơn xe CKD trong một kỳ báo cáo.
Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu mua sắm ô tô của người Việt vẫn đang chậm lại, tuy nhiên cuộc đua giảm giá diễn ra rầm rộ trên thị trường cùng với thông tin về những ưu đãi từ chính sách… khiến cho xu hướng lựa chọn ô tô đang có sự thay đổi.
Điều này xuất phát từ việc nhiều mẫu mã ô tô nhập khẩu được nhà phân phối ưu đãi, giảm giá bán hấp dẫn hơn so với xe lắp ráp trong nước.
Trong khi đó, xe lắp ráp cũng được nhà sản xuất, đại lý áp dụng ưu đãi thông qua nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên thông tin về việc Chính phủ đang xem xét áp dụng ưu đãi giảm lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước cũng phần nào khiến khách hàng có nhu cầu mua xe mang tâm lý chờ đợi.
Vào cuối tháng 4-2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất phương án gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ (LPTB) đối với các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Nhiều khách hàng kỳ vọng, trong bối cảnh sức mua cũng như lượng bán ô tô sụt giảm, đề xuất này nếu được xem xét áp dụng, mua ô tô trong nước sẽ được hưởng ưu đãi kép. Tức vừa được được hưởng ưu đãi từ chính sách giảm lệ phí trước bạ, vừa được đại lý giảm giá bán.
Nếu được thông qua, các nhà kinh doanh hy vọng sẽ được áp dụng từ ngày 1-7 tới và kéo dài đến hết năm 2024. Đây được cho sẽ là một “cú hích” lớn dành cho các mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo tính toán của các đại lý ô tô, khi giảm 50% LPTB, khách hàng mua ô tô dưới 10 chỗ sản xuất lắp ráp trong nước sẽ tiết kiệm được khoản tiền từ 15 đến hàng trăm triệu đồng, tùy từng mẫu xe.
Tiêu thụ xe nhập nguyên chiếc tăng, xe lắp ráp giảmTheo VAMA, tính chung trong năm tháng 2024, tổng lượng bán hàng của toàn thị trường đạt 108.308 xe, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ô tô du lịch đạt 77.351 xe, giảm 7%; xe thương mại đạt 30.022 xe, giảm 2%, và xe chuyên dụng là 936 xe, giảm 13%.Tính đến hết tháng 5, lượng bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 14%, đạt 54.887 xe; trong khi xe nhập khẩu đạt 53.422 xe, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.