Chánh Tài-
Tiêu thụ thịt heo ở Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm 2017 sau khi đã giảm liên tục trong hai năm trước đó do người tiêu dùng ở nước này hướng đến khẩu phần ăn lành mạnh, nhiều rau, ít thịt.
Giới trẻ chuộng món ăn lành mạnh
Theo hãng tin Reuters, các nhà sản xuất bánh bao đông lạnh ở Trung Quốc đã tìm ra cách thức mới để tăng doanh thu bằng cách tăng lượng rau và giảm thịt heo trong nhân bánh. Sự thay đổi này xuất phát từ việc giới trẻ ở đô thị chuyển sang lựa chọn các loại thức ăn nhanh ít thịt trong chế độ ăn hàng ngày.
“Họ thích thử những món ăn lành mạnh hơn một tuần hoặc hai tuần một lần. Đây là một xu hướng mạnh mẽ ở người tiêu dùng Trung Quốc đại lục, đặc biệt là những người ở độ tuổi 20-35”, Ellis Wang, một giám đốc tiếp thị của chi nhánh Công ty Thực phẩm General Mills (Mỹ) ở Thượng Hải cho biết. General Mills đang nắm giữ thương hiệu bánh bao đông lạnh số một Trung Quốc là Wanchai Ferry.
Đối với người chăn nuôi heo ở Trung Quốc và nước ngoài, đây là tin không vui. Các doanh nghiệp chăn nuôi heo ở Trung Quốc đang ồ ạt xây dựng các hệ thống chuồng trại hiện đại, khổng lồ với tham vọng chiếm lĩnh thị phần lớn hơn trên thị trường thịt heo thế giới.
Trung Quốc vẫn là nước tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, quốc gia đông dân nhất thế giới này tiêu thụ khoảng 74 triệu tấn thịt heo, bò và gia cầm mỗi năm, cao gấp đôi so với Mỹ. Các nhà sản xuất thịt heo nước ngoài vẫn xem Trung Quốc là thị trường tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là đối với các sản phẩm thịt heo đóng gói theo kiểu của phương Tây như xúc xích, thịt xông khói.
Song thực tế cho thấy nhu cầu thịt heo ở Trung Quốc đã chạm đỉnh vì doanh số thịt heo giảm liên tục trong hai năm qua, theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor. Năm ngoái, doanh số thịt heo ở Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong ba năm qua, chỉ còn 40,85 triệu tấn so với mức 42,49 triệu tấn vào năm 2014. Euromonitor dự báo doanh số thịt heo ở Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2017. Tính từ đầu năm đến nay, giá thịt heo ở Trung Quốc giảm 25% dù các số liệu thống kê cho thấy nguồn cung thịt heo thấp hơn so với năm ngoái.
Dãy gian hàng thịt heo ở một khu chợ tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Tăng rau, giảm thịt
Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa vào cuối thập niên 1970 cho đến năm 2014, nhu cầu thịt heo tăng trung bình 5,7% mỗi năm nhờ nền kinh tế bùng nổ, kéo theo thu nhập của người dân tăng, cho phép hàng trăm triệu người ăn thịt heo thường xuyên hơn.
Giờ đây, những lo ngại ngày càng tăng về bệnh béo phì và bệnh tim đã làm thay đổi thói quen ăn uống của người dân Trung Quốc khi họ chú trọng đến rau quả và nước trái cây nhiều hơn.
“Nhu cầu thị trường vẫn còn rất yếu. Tôi nghĩ nguyên nhân chính là do người dân tin rằng ăn ít thịt sẽ tốt cho sức khỏe hơn. Đây là một xu hướng mới”, Pan Chenjun, giám đốc phụ trách nghiên cứu thực phẩm và nông nghiệp ở chi nhánh Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) ở Hồng Kông nhận định.
Doanh số bánh bao nhân rau ở Trung Quốc tăng trưởng 30% vào năm ngoái, so với mức tăng trưởng 7% của tất cả bánh bao đông lạnh, theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen.
“Nhu cầu các sản phẩm chứa rau tiếp tục tăng, tạo cho chúng tôi dư địa tăng trưởng lớn”, Zhou Wei, Giám đốc sản phẩm ở công ty sản xuất bánh bao đông lạnh lớn thứ hai Trung Quốc Synear Food cho biết.
Công ty dịch vụ ăn uống Harmony Catering có trụ sở ở thành phố Quảng Châu cho biết sức khỏe là yếu tố mấu chốt khiến Harmony Catering quyết định giảm khẩu phần thịt trong các suất ăn phục vụ gần một triệu người ăn uống ở 300 căn tin của công ty mỗi ngày.
Ông Li Huang, Phó chủ tịch của Harmony Catering cho biết các khách hàng của Harmony Catering bao gồm nhân viên ở các công ty công nghệ, ngân hàng các công ty dầu khí lớn sẽ ăn phần thịt ít hơn 10% so với cách đây năm năm nhưng lượng rau sẽ tăng thêm 10%. “Nhờ báo chí tuyên truyền, khái niệm ăn uống lành mạnh đã trở thành nhận thức phổ biến của người dân”, ông nói.
Công ty Harmony Catering cho biết mặc dù khẩu phần thịt heo giảm xuống trong các suất ăn nhưng công ty đang tăng thêm lượng thịt bò và thịt cừu.
Hiện nay, phần lớn người dân đô thị và các nhân viên cổ cồn trắng ở Trung Quốc đều quan tâm đến chế độ ăn lành mạnh. Xung quanh các khu đại học ở Trung Quốc, số quán phục vụ các món chay tăng nhanh chóng.
Chính phủ vận động ăn uống lành mạnh
Năm ngoái, các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard (Mỹ) cảnh báo tình trạng béo phì ở trẻ em Trung Quốc đang ngày càng trầm trọng và Trung Quốc đang đối mặt với “đại dịch” bệnh tim. Các nhà nghiên cứu cho rằng tiêu thụ thịt đỏ và hàm lượng muối ngày càng lớn là một trong số các nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh này.
Tháng 4-2017, Bộ Y tế Trung Quốc đã phát động cuộc vận động lối sống lành mạnh 10 năm lần thứ hai, kêu gọi người dân tiêu thụ ít mỡ, muối và đường nhằm hướng đến “một chế độ ăn lành mạnh, một cân nặng lành mạnh và xương chắc khỏe”.
Một số nhà sản xuất thịt heo ở Trung Quốc cho rằng mức sụt giảm trong tiêu thụ thịt heo gần đây một phần là do sản lượng thịt heo giảm mạnh. Trải qua một thời kỳ thua lỗ kéo dài từ năm 2013 đến 2015, người chăn nuôi heo ở Trung Quốc buộc phải cắt giảm đàn heo lên đến hàng triệu con, khiến nguồn cung khan hiếm, đẩy giá thịt heo lên mức cao kỷ lục vào năm 2016.
Tuy nhiên, đối với một bộ phận lớn người tiêu dùng Trung Quốc, giá thực phẩm ngày càng trở nên ít quan trọng. Một loạt các vụ bê bối về an toàn thực phẩm trong những năm gần đây, trong đó có nhiều vụ liên quan đến thịt, khiến người dân đô thị ở Trung Quốc rất nhạy cảm với vấn đề an toàn thực phẩm.
Theo kết quả khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen vào năm ngoái, hơn 80% số người được hỏi ở Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng trả giá cao hơn để mua thực phẩm không có các thành phần có hại cho sức khỏe.
“Trung Quốc đang bước vào một thời kỳ mới khi tiêu thụ thịt heo và nhiều loại thực phẩm khác không còn được xem “ăn nhiều là tốt””, Fred Gale, nhà kinh tế cấp cao ở Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết.