Minh Duy -
Hàn Quốc là thị trường du lịch lớn thứ hai của Việt Nam, thế nhưng doanh nghiệp trong nước gần như không tiếp cận được. Trong lúc nhiều doanh nghiệp đứng ngoài cuộc chơi, một số công ty lữ hành đang tìm cách chen chân vào thị trường này.
Nhiều doanh nghiệp chào thua
Du khách Hàn Quốc chụp hình lưu niệm trước cổng dinh Thống Nhất, quận 1, TPHCM. Ảnh: Đào Loan
Hàn Quốc là một thị trường đặc biệt nhất của ngành du lịch. Thị trường này tăng đều đặn trong nhiều năm qua và đã đạt hơn 1,54 triệu lượt khách vào năm ngoái. Thế nhưng có rất ít công ty lữ hành trong nước khai thác được lượng khách này, kể cả những công ty được cơ quan quản lý xếp vào danh sách tốp 10 của cả nước cũng không có hoặc có rất ít du khách Hàn Quốc.
Nguồn nhân lực để phục vụ du khách, đặc biệt là lực lượng hướng dẫn viên nói tiếng Hàn cũng không thể so sánh với những thị trường khác, kể cả những nơi chỉ có vài trăm ngàn lượt du khách mỗi năm. Cả nước chỉ có hơn 120 hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Hàn Quốc. Trong đó, TPHCM, nơi đón hàng trăm ngàn lượt khách từ xứ sở kim chi mỗi năm, cũng chỉ có khoảng 20 người.
Nhiều ý kiến cho rằng, thiếu nguồn nhân lực là nguyên nhân đầu tiên khiến các công ty du lịch trong nước không thể tiếp cận được với khách hàng. Kế đến, đây là một thị trường rất đặc thù, gần như thuộc về doanh nghiệp Hàn Quốc.
Nhiều công ty Hàn Quốc làm ăn không đàng hoàng, chỉ cần đối tác tại Việt Nam cung cấp dịch vụ trong thời gian đầu, sau khi đã rành rẽ mọi dịch vụ và tour tuyến thì tự khai thác, thậm chí còn đưa cả nhân viên vào hướng dẫn khách đi tour trái với Luật Du lịch. Một số doanh nghiệp có hẳn vòng tròn dịch vụ, từ bán tour tại Hàn Quốc, dịch vụ tham quan, ăn uống tại điểm đến để đưa khách sang nên doanh nghiệp trong nước không thể chen vào.
Trước đây, cơ quan quản lý phạt khá nhiều văn phòng du lịch do người Hàn Quốc lập ở Phú Mỹ Hưng (quận 7, TPHCM) vi phạm những quy định về kinh doanh lữ hành. Sau đó, các văn phòng này xuất hiện nhiều ở khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất ở quận Tân Bình và hiện tại bắt đầu có nhiều ở quận Tân Phú.
Tình trạng vi phạm quy định cho người nước ngoài hướng dẫn du khách quốc tế tham quan tại Việt Nam cũng xảy ra liên tục. Hàn Quốc cũng là thị trường có số lượng vụ việc bị phạt nhiều nhất.
Ông Nguyễn Đức Chí, Phó phòng Lữ hành thuộc Sở Du lịch TPHCM, cho biết có trường hợp vừa thấy đoàn khách lớn đổ xuống trước mắt với hướng dẫn viên là người Hàn Quốc, nhưng những người có chức trách cũng không thể phạt được, vì khi thấy bị để ý thì nhân viên du lịch kêu khách tản ra. Việc phạt hướng dẫn viên người Hàn Quốc cũng khó vì những người này thường chối vì biết người phạt không thể nói ngôn ngữ này.
“Thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng hướng dẫn viên là nguyên nhân đầu tiên khiến doanh nghiệp không thể khai thác thị trường này. Du khách Hàn Quốc ít nói tiếng Anh nên từ khâu tiếp thị, bán tour là doanh nghiệp đã khó kết nối dẫn đến doanh nghiệp Hàn Quốc ngày càng đi sâu vào khai thác thị trường”, ông Chí nhận định.
Ông cho biết thêm, TPHCM chỉ có hơn 20 người có thẻ hướng dẫn tiếng Hàn nhưng năm ngoái, Đà Lạt còn liên hệ để xin số liên lạc, định sẽ mời về địa phương để phục vụ lượng khách đang tăng trưởng mạnh mẽ ở đó.
Tìm cách khai thác
Mặc dù nói rằng rất khó để thâm nhập thị trường Hàn Quốc, nhưng nhiều doanh nghiệp và chuyên gia du lịch cho rằng nếu cơ quan quản lý và doanh nghiệp thực sự quyết tâm thì vẫn có kẽ hở để chen chân vào thị trường này.
Trước hết, cơ quan quản lý cần có chương trình đào tạo nguồn nhân lực, gồm nhân viên bán hàng, phục vụ khách có thể nói lưu loát ngôn ngữ này. Kế đến, cần tăng cường xử lý những trường hợp vi phạm kinh doanh và phải tạo những kênh kết nối giữa doanh nghiệp hai nước để tăng cường trao nổi khách hai bên.
Các công ty du lịch cũng phải tự tìm những kênh mới, khai thác nguồn khách đa dạng hơn, tập trung vào một số thị trường đang tăng trưởng cao, lại không đòi hỏi quá nhiều nhân viên phải giỏi tiếng Hàn mới tiếp cận được. Trong đó, thị trường khách lẻ, khách du lịch tự do trẻ tuổi được nhắc đến như một lượng khách hàng quan trọng vì đang tăng trưởng khá nhanh. Nhóm khách này có thể tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn qua Internet bằng tiếng Anh và được nhắc đến như một thị trường tiềm năng.
“Đào tạo nguồn nhân lực là quan trọng, kế đến là phải thúc đẩy trao đổi khách hai chiều. Doanh nghiệp Hàn Quốc không dễ gì chia sẻ lợi nhuận với người khác cho nên việc trao đổi khách, đặt ra việc hợp tác để doanh nghiệp trong nước phục vụ khách Hàn Quốc tại Việt Nam và gửi khách Việt sang cho đối tác là một hướng làm ăn cần tham khảo”, ông Nguyễn Văn Trấn, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch TPHCM nói.
Hiện tại, lượng khách Việt Nam sang Hàn Quốc cũng tăng trưởng mạnh, có thể lên đến hơn 300.000 lượt vào năm nay.
Ông Chí của Sở Du lịch TPHCM cũng cho rằng, đây là một cách hay vì nhiều doanh nghiệp trong nước có mối quan hệ chặt chẽ với phía Hàn Quốc nhưng hiện chỉ mới khai thác tốt mảng đưa khách Việt Nam và chưa kết nối chiều ngược lại. Thêm vào đó, cơ quan quản lý du lịch của địa phương cũng nên đẩy mạnh việc tiếp thị điểm đến tại Hàn Quốc và tạo các kênh kết nối doanh nghiệp hai bên như cách mà Tổng cục Du lịch đang thực hiện với thị trường Trung Quốc. Cách này sẽ giúp đối tác tìm được những đơn vị cung ứng dịch vụ có uy tín và tăng sự hiện diện tại thị trường.
Trong chương trình của TPHCM tại Hàn Quốc vào tuần rồi, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đã ký bản hợp tác phát triển du lịch với du lịch lớn của nước này Hanatour. Hai bên sẽ hợp tác trong nhiều lĩnh vực như lữ hành, lưu trú, ẩm thực, vui chơi giải trí để thúc đẩy du lịch. Hai công ty cũng cam kết sẽ hợp tác tăng cường quảng bá tiếp thị, bán và phân phối các sản phẩm, dịch vụ chính của Saigontourist.
Hiện nay, Saigontourist và Hanatour đã có một số chương trình hợp tác ban đầu, thông qua việc tổ chức các tour du lịch, các chuyến bay thuê bao nguyên chuyến đưa du khách Việt Nam sang Hàn Quốc và ngược lại.
Theo ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc của Saigontourist, sự hợp tác này giúp gia tăng sự hiện diện thương hiệu Saigontourist tại thị trường Hàn Quốc và thu hút thêm nhiều khách hàng Hàn Quốc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thuộc hệ thống của công ty. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc nhằm bàn bạc cách làm cụ thể cùng các biện pháp để khai thác nguồn khách, dịch vụ của nhau. Thị trường Hàn Quốc khó nhưng sẽ có biện pháp để khai thác”, ông Tài nói.