Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Tìm cách đẩy lui bò nhập khẩu

Gần đây, nhiều công ty trong nước công bố các dự án hợp tác đầu tư nuôi bò sữa và bò thịt với quy mô lớn như Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG), Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)... Liệu trong thời gian tới, nguồn sữa nguyên liệu và thịt bò trong nước có đẩy lui được sản phẩm nhập khẩu?

Quy mô lớn mới sống được

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện cả nước có khoảng 180.000 con bò sữa, nhưng trong đó chỉ có một số công ty nuôi ở quy mô công nghiệp như TH True milk, Vinamilk; còn lại là khoảng 20.000 hộ gia đình tại 32 tỉnh, thành. Quy mô chăn nuôi của các gia đình này trung bình là 5 con/hộ. Năng suất cho sữa bình quân của đàn bò Việt Nam hiện nay đạt trên 4.600 kg/con/chu kỳ. Mô hình nuôi bò nông hộ này nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đặc biệt ở những địa phương xem việc hỗ trợ nông dân nuôi bò sữa như một cách để thoát nghèo.

Tuy nhiên, Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng trích dẫn số liệu từ Chương trình phát triển ngành sữa của Công ty FrieslandCampina cho biết, trong chi phí nuôi bò sữa thì thức ăn chiếm tỷ trọng cao nhất (60-70%). Để tiết kiệm chi phí, các hộ dân phải nuôi ít nhất từ 30 con bò sữa trở lên. Vì thế, về lâu dài, người dân phải đầu tư với quy mô lớn cũng như chủ động nguồn thức ăn mới có thể sống được với nghề nuôi bò sữa.

Nuôi bò sữa với quy mô gia đình sẽ khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn trong thời gian tới. Ảnh: Ngọc Hùng
Nuôi bò sữa với quy mô gia đình sẽ khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn trong thời gian tới. Ảnh: Ngọc Hùng

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, dẫn chứng, nhờ nuôi bò sữa theo quy mô công nghiệp của TH True milk, Vinamilk, chỉ sau hai năm, mặt hàng sữa đã đáp ứng 28% nhu cầu tiêu thụ nội địa, so với mức 22% trong thời gian trước đó. “Những công ty có tài chính mạnh như HAGL, DLG đầu tư trang trại nuôi bò là điều đáng mừng cho ngành sản xuất sữa nội địa, giúp giảm dần lượng sữa nhập khẩu”, ông Vang nói.

Theo ông Bùi Pháp, Chủ tịch Hội đồng quản trị DLG, hiện công ty này đang có gần 20.000 ha đất và dự kiến từ quí 1-2015 sẽ bắt đầu nuôi 20.000 con bò thịt, đến quí 2-2015 tiếp tục nuôi thêm 40.000 con bò sữa. Qua giai đoạn hai, trang trại nuôi bò của DLG sẽ có 80.000 bò sữa và 45.000 con bò thịt. Trong khi đó, HAGL ước tính sẽ nuôi 120.000 con bò sữa và bò thịt là 116.000 con. Hai tập đoàn này đều cho biết sẽ cung cấp sữa nguyên liệu cho Vinamilk.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành chuỗi cung ứng của Vinamilk, cho biết do tất cả mới chỉ là dự án nên chưa thể biết giá bán sữa của hai công ty này sẽ như thế nào. Mặt khác, nguồn cung trong thời gian đầu chắc chắn chưa nhiều, nên các công ty sản xuất sữa như Vinamilk vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Trước mắt, vẫn phải nhập khẩu

Theo trang web www.sieuthithitbo.vn của Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ du lịch Gia Định (TPHCM), giá thịt bò Úc hiện nay dao động trong khoảng 185.000-400.000 đồng/kg, còn thịt bò Việt Nam có giá 147.000-259.000 đồng/kg.

Một số ý kiến cho rằng, về lâu dài, đầu tư nuôi bò sữa vẫn còn khoảng trống cho các doanh nghiệp khác tham gia. Nhưng với bò thịt, chưa có gì đảm bảo là Việt Nam sẽ hoàn toàn dùng nguồn cung trong nước thay thế nhập khẩu.

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, năm 2014, Việt Nam dự kiến sẽ nhập khẩu hơn 150.000 gia súc (gồm bò, trâu) từ Úc để đáp ứng nhu cầu nội địa. Những năm tới, con số này sẽ vẫn tiếp tục được giữ ổn định. Còn theo con số của HAGL và DLG công bố, thời gian tới sẽ có thêm 161.000 con bò thịt, đủ cung cấp cho thị trường nội địa mà không cần phải nhập khẩu.

Tuy nhiên, giám đốc một doanh nghiệp đang cung cấp thịt bò Úc cho thị trường phía Nam nói rằng, việc các doanh nghiệp như HAGL, DLG nuôi bò thịt không hẳn sẽ ảnh hưởng đến việc nhập bò nguyên con. “Sở dĩ chúng tôi ưu tiên nhập bò nguyên con từ Úc là do giá chỉ chưa đến 3 đô la Mỹ/kg. Sau này chúng tôi có mua bò nguyên con từ hai doanh nghiệp nói trên hay không thì phải chờ xem họ chào bán giá cao hay thấp hơn so với giá bò nhập khẩu”, ông nói.

Ngọc Hùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối