Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Tìm cách đối phó đường Thái Lan

NGỌC HÙNG - 

Năm 2016, các nhà máy đường và doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu đường trong nước thua lỗ hay có lợi nhuận sẽ phụ thuộc vào những biện pháp đối phó với đường nhập lậu từ Thái Lan, theo nhận định của các doanh nghiệp trong ngành này.

Áp lực ngày càng lớn

13

Trong những năm qua ngành đường trong nước gặp nhiều khó khăn bởi đường nhập lậu từ Thái Lan. Trong ảnh, công nhân làm việc tại một nhà máy đường ở miền Trung. Ảnh: NH

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), năm 2015, các doanh nghiệp thương mại ngành đường đều tiêu thụ sản phẩm tốt nhưng hiệu quả kinh doanh kém, hầu hết đều lãi rất thấp, thậm chí có doanh nghiệp lỗ. Nguyên nhân là đường trong nước bị cạnh tranh rất mạnh bởi đường nhập lậu từ Thái Lan.

Cũng theo VSSA, thường thì sau Tết Nguyên đán nhu cầu sử dụng đường để sản xuất bánh kẹo, nước giải khát giảm nhiều. Do đó, doanh thu chủ yếu của các doanh nghiệp là từ việc bán lẻ cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc người Thái mua lại một số hệ thống bán lẻ tại Việt Nam khiến không ít doanh nghiệp lo lắng và đặt câu hỏi về tương lai của các doanh nghiệp đường trong nước.

Hiệp hội Mía đường nhận định, với những động thái mua lại hệ thống bán lẻ tại Việt Nam, đường Thái Lan sẽ càng có điều kiện lấn áp đường nội địa. Theo hiệp hội này, trung bình có khoảng 300.000-400.000 tấn đường Thái Lan nhập lậu mỗi năm và con số này có thể cao hơn trong thời gian tới bởi những lý do đã nói ở trên.

Giám đốc một nhà máy đường ở miền Trung cho biết, trong những năm qua ngành đường trong nước gặp nhiều khó khăn bởi đường nhập lậu từ Thái Lan qua các tỉnh biên giới phía Nam. Nay còn có thêm việc những tập đoàn Thái Lan sở hữu một số hệ thống bán lẻ tại Việt Nam thì chắc chắn sản phẩm đường của họ sẽ sớm có mặt tại những hệ thống bán lẻ này. Doanh nghiệp mía đường lo lắng khả năng thị phần trong nước sẽ dần thu hẹp.

Theo VSSA, thời gian qua đường từ Thái Lan đưa vào Việt Nam tạo ra tình trạng dư cung, và để tạo cân bằng cung cầu, Việt Nam phải tìm cách xuất khẩu đường, chủ yếu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu sang nước này luôn gặp khó khăn vì xuất tiểu ngạch, giá rẻ và thường xuyên bị cấm biên. Vì thế, giá đường bán lẻ trên thị trường liên tiếp giảm. Nếu so với thời điểm đầu năm 2015 và đầu năm 2016, giá đường bán lẻ trên thị trường giảm khoảng 1.000 đồng/kg.

Giữ ổn định giá,  không đầu cơ

Làm sao để đường nội địa không bị thua trên sân nhà là câu hỏi làm đau đầu khá nhiều giám đốc nhà máy đường. VSSA đã có những cuộc họp với các nhà máy, doanh nghiệp hội viên để tìm cách giải câu hỏi khó này.

Trên cơ sở thống nhất ý kiến của các hội viên, VSSA cho rằng chỉ còn cách cố gắng giữ giá đường ổn định, kiềm chế việc tăng giá vì như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho đường Thái Lan vào Việt Nam nhiều hơn.

Theo VSSA, giá đường bán trên thị trường trong tháng 1-2016 khoảng 14.300-14.700 đồng/kg. Trong khi đó, đường nhập lậu Thái Lan được bán với giá 13.000-14.000 đồng/kg. Tính ra, giá đường nhập lậu Thái Lan thấp hơn giá đường trong nước, vì thế, nếu các doanh nghiệp trong nước đẩy giá đường lên thì thương lái sẽ tìm cách nhập lậu đường, còn những ông chủ người Thái sẽ tạo điều kiện đưa đường Thái Lan vào các hệ thống siêu thị mà họ vừa sở hữu ở Việt Nam.

Theo các nhà máy đường, để đối phó với đường Thái Lan, vốn có giá rẻ hơn đường sản xuất trong nước, các nhà máy đường và doanh nghiệp tránh “đầu cơ” để đẩy giá đường lên, thay vào đó phải cùng hợp tác để ổn định giá đường, tạo mức giá có tính cạnh tranh với giá đường nước ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối