Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Tìm cách duy trì xuất khẩu tôm năm 2018

Trung Chánh -

Kết thúc năm 2017, xuất khẩu tôm Việt Nam thu về 3,8 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 700 triệu đô la so với năm trước đó. Thế nhưng, những người trong ngành cho biết hiện vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết nếu muốn duy trì được tốc độ tăng trưởng này trong năm 2018.

Vượt chỉ tiêu cả năm

Đầu năm 2017, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã thông qua kế hoạch xuất khẩu cả năm và xác định “nhiệm vụ” của con tôm là phải mang về cho đất nước 3,4 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 300 triệu đô la so với năm 2016.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết tính đến hết tháng 11-2017, kim ngạch xuất khẩu tôm đã đạt 3,5 tỉ đô la và dự báo cả năm sẽ đạt khoảng 3,8 tỉ đô la. Như vậy, so với kế hoạch đưa ra hồi đầu năm, xuất khẩu tôm năm 2017 có thể vượt chỉ tiêu đến 400 triệu đô la và tăng đến khoảng 700 triệu đô la so với năm 2016.

Có được kết quả như trên, theo ông Hòe, là nhờ vào công tác triển khai kiểm soát hóa chất, kháng sinh hiệu quả. “Mấy năm qua, cái vướng lớn nhất của các thị trường đối với con tôm là vấn đề kháng sinh. Nhưng trong năm 2017, Việt Nam đã có sự cải thiện khá tốt, trong đó các yếu tố liên quan đến vấn đề kiểm soát kháng sinh được làm chặt chẽ hơn”, ông cho biết.

Công nhân chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Bên cạnh việc kiểm soát tốt kháng sinh, một số doanh nghiệp khi trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị cho biết việc nhận được ưu đãi thuế quan, chẳng hạn như trường hợp xuất khẩu tôm vào Liên minh châu Âu (EU) được hưởng chế độ thuế quan ưu đãi (GSP) đã giúp khả năng cạnh tranh tôm Việt Nam cao hơn hẳn so với Thái Lan. “Rõ ràng, đây cũng là một yếu tố làm cho những nhà nhập khẩu mạnh dạn nhập khẩu tôm Việt Nam hơn”, một doanh nghiệp cho biết.

Một lý do khác, theo VASEP, việc một số nước là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam bị vướng kháng sinh, chẳng hạn như trường hợp tôm Ấn Độ bị EU cảnh báo kháng sinh, tăng tầng suất kiểm soát, thậm chí có thể cấm nhập khẩu, đã khiến nhà nhập khẩu tìm các sản phẩm an toàn hơn, trong đó có sản phẩm của Việt Nam.

Theo ông Hòe, trong bối cảnh sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ bị cạnh tranh quyết liệt bởi Ấn Độ do quốc gia này có thuế suất bán vào Mỹ thấp hơn, Việt Nam vẫn kiêm trì và nỗ lực giữ được thị trường này nên cũng có tác dụng góp phần gia tăng xuất khẩu chung.

Ba lưu ý trong năm 2018

Trong năm 2018 cũng như những năm tiếp theo, theo ông Hòe, muốn giữ vững được thị trường cũng như duy trì được đà tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu tôm, ngành tôm có ba nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện.

Thứ nhất, là phải kiểm soát tốt vấn đề hóa chất, kháng sinh. “Đây là vấn đề gần như là yếu tố quyết định trong việc có chỗ đứng ở các thị trường hay không”, ông Hòe nhấn mạnh. Theo ông, với những thị trường lớn và quan trọng như Mỹ, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản, thì việc kiểm soát tốt hóa chất, kháng sinh có ý nghĩa quyết định cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2018.

Thứ hai là vấn đề truy xuất nguồn gốc, tức là câu chuyện liên kết chuỗi sản xuất. Thông qua hình thức này sẽ kiểm soát được quy trình sản xuất. Hay nói cách khác, trên cơ sở liên kết chuỗi sẽ kiểm soát được vấn đề hóa chất, kháng sinh.

Theo ông Hòe, trong bối cảnh Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, gia tăng sản lượng nuôi và kéo giảm giá thành sản xuất dẫn đến sản phẩm của họ có giá cạnh tranh, việc thực hiện quản lý tốt liên kết chuỗi, tức đảm bảo các yếu tố liên quan đến chất lượng sản phẩm, sẽ là biện pháp hỗ trợ, giúp tăng cạnh tranh cho tôm Việt Nam.

Vấn đề thứ ba cần tập trung để góp phần gia tăng xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2018 là gia tăng giá trị sản phẩm. Năm 2017, tôm thẻ chân trắng đã có sự tăng trưởng đáng kể nên cần tập trung đẩy mạnh vấn đề này trong năm 2018.

“Nếu chúng ta tổ chức tốt, đảm bảo vấn đề an toàn về mặt kháng sinh và sản xuất được sản phẩm giá trị gia tăng nữa thì chắc chắn thị trường sẽ đón nhận”, ông Hòe cho biết. Theo ông, lâu nay các sản phẩm có hàm lượng chế biến cao vốn là sở trường của doanh nghiệp Việt Nam, và đó cũng là lợi thế của Việt Nam so với các thị trường khác.

Một yếu tố khác, ông Hòe cho biết, đó là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có thể được phê chuẩn vào đầu năm 2018. Khi đó, nhiều mặt hàng tôm của Việt Nam xuất khẩu vào EU sẽ có mức thuế suất là 0%. “Chúng ta không phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường EU, nhưng đây sẽ là cơ hội tốt để chúng ta tiếp tục cũng cố và có được lợi thế về xuất khẩu”, ông Hòe cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối