Một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra đang chuyển hướng, đầu tư vào công nghệ để gia tăng giá trị cho sản phẩm. Thế nhưng, muốn thành công, hướng đi mới phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường.
Chọn hướng đi khác
Câu chuyện doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra phile đông lạnh bị kiện chống bán phá giá ở một số quốc gia đã diễn ra trong những năm gần đây. Và cứ với đà đó, tiềm năng mở rộng thị trường tiêu thụ loại sản phẩm này không còn nhiều, bởi hiện nay có đến 90% sản lượng cá tra trong nước được xuất khẩu dưới dạng phile đông lạnh.
Chính những lý do trên, một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã chuyển hướng đầu tư vào công nghệ, đẩy mạnh sản xuất theo lối đi riêng. Ví dụ, Công ty cổ phần Gò Đàng Tiền Giang (Godaco) đã lên kế hoạch chi khoảng 20 triệu đô la Mỹ để đầu tư, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Godaco, cho biết sở dĩ công ty quyết định đầu tư sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng đơn giản là vì khó có thể tăng kim ngạch xuất khẩu bằng việc đẩy mạnh bán sản phẩm thô (phile). Trong khi đó, tiềm năng tăng kim ngạch ở phân khúc sản phẩm giá trị gia tăng vẫn còn rất lớn. Với định hướng đầu tư đã vạch ra, Godaco đặt mục tiêu trong ba năm tới sản phẩm giá trị gia tăng phải chiếm 30-40% tổng khối lượng sản phẩm xuất khẩu hàng năm của công ty, thay vì chỉ chiếm khoảng 5% như hiện nay.
Không chỉ có Godaco, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sao Mai (Sao Mai Group) cũng vừa ra mắt sản phẩm dầu cá Ranee sản xuất từ mỡ cá tra để đi theo xu hướng này. Sao Mai Goup dự kiến sản lượng dầu cá của đơn vị này có thể đạt 100 tấn/ngày vào năm 2015, và sẽ tăng lên 300 tấn/ngày kể từ năm 2016.
Phát biểu tại một hội thảo gần đây, ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Sao Mai Group, cho biết mỗi năm các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL cung cấp cho thị trường khoảng 140.000 tấn mỡ cá nguyên liệu, phục vụ chủ yếu cho ngành công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, có giá trị kinh tế thấp. Thế nhưng, Việt Nam hiện cũng phải chi một khoản tiền không nhỏ để nhập dầu thực vật phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, “cho nên sự ra đời của sản phẩm này vừa giải quyết được bài toán nhập dầu vừa giúp tăng giá trị sản phẩm của con cá tra”, ông nói.
Cung-cầu phải gặp nhau
Việc một số doanh nghiệp xuất khẩu chuyển hướng đầu tư sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, giảm tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm thô đang được kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị cho con cá tra ở ĐBSCL. Thế nhưng, theo khuyến cáo của một số nhà chuyên môn, muốn thành công, hướng đi mới này phải đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu của thị trường.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hội nghề cá An Giang (AFA), cho rằng khi phát triển sản phẩm, điều trước tiên doanh nghiệp cần làm là phải có nghiên cứu, phải hiểu được khẩu vị, thị hiếu của thị trường. Chẳng hạn, đối với cá tẩm bột, mỗi thị trường có khẩu vị khác nhau, nơi thì thích mặn, nơi ưa ngọt, nơi thích cay.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius), cho rằng việc nghiên cứu, nắm được thị hiếu, hành vi tiêu dùng của khách hàng là một vấn đề hết sức khó khăn. “Thứ nhất, chúng ta không phải là người sở tại để có thể hiểu sâu sắc về hành vi tiêu dùng của họ (nước nhập khẩu). Thứ hai, chúng ta là quốc gia có trình độ kinh tế kém nên muốn tìm hiểu hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng hạn chế rất nhiều, nhất là về kinh phí, cách thức để đo lường, đánh giá”, ông Dũng nhận định.
Theo ông Dũng, trong trường hợp có đo lường, đánh giá và biết được thị hiếu, hành vi của khách hàng, thì doanh nghiệp cũng khó đáp ứng được nhu cầu của họ vì các nhà máy chế tạo thiết bị trong nước hiện khó có khả năng cung cấp hoặc không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của nước nhập khẩu.
Cách nhanh nhất để khắc phục nhược điểm này, theo ông Dũng, là nhập khẩu và sử dụng thiết bị máy móc của các nước nhập khẩu sản phẩm (châu Âu, Mỹ, Nhật...). Đây là cách gián tiếp để biết được thị hiếu, hành vi tiêu dùng của họ vì các nhà cung cấp thiết bị, trước khi sản xuất máy móc, đã có những nghiên cứu, đánh giá về hành vi, thị hiếu tiêu dùng của chính quốc gia họ.
“Khi chúng ta tiếp cận được với các doanh nghiệp cung cấp máy móc, chúng ta hoàn toàn có quyền thương lượng và có thể đặt vấn đề phối hợp với họ để thực hiện những chiến dịch để quảng bá, vì chúng ta bán được hàng cũng đồng nghĩa họ sẽ bán được máy móc”, ông Dũng nhận xét.
Còn ông Bình của AFA thì cho rằng, ban đầu doanh nghiệp có thể chọn cách cung ứng sản phẩm giá trị gia tăng cho hệ thống các nhà hàng, khách sạn trong nước để phục vụ cho khách du lịch nước ngoài khi họ đến Việt Nam. Cách này phần nào sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được thị hiếu, nhu cầu của khách hàng trước khi triển khai sản xuất, xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường đó.
Trung Chánh