Thứ bảy, Tháng Một 11, 2025

Tìm cách ổn định thị trường thịt heo

Vũ Yến-

Thông tin về việc tiêm thuốc an thần cho khoảng 4.000 con heo tại lò mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TPHCM) đã ít nhiều tác động lên thị trường. Tại một số chợ, tiểu thương ghi nhận sức mua giảm; còn tại các trang trại, những người nuôi cũng đang chứng kiến giá heo hơi giảm khi thương lái giảm mua.

Lượng tiêu thụ giảm

Bà L., tiểu thương ở chợ Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, TPHCM cho biết sau khi báo chí đăng tải thông tin lò mổ Xuyên Á tiêm thuốc an thần cho khoảng 4.000 con heo, người mua đến sạp thịt heo của bà giảm đáng kể. Trước đây, mỗi ngày bà bán được khoảng 50kg thịt, nay bà chỉ bán được khoảng 30kg.

Tại chợ Hiệp Bình, một tiểu thương tên Sơn cho biết, giá thịt heo mua vào và bán ra trong những ngày qua tăng từ 10-20% so với trước. Theo ông Sơn, giá tăng là do lò mổ Xuyên Á bị đình chỉ hoạt động, các thương lái phải đi tìm lò mổ khác nên nguồn hàng trong một vài ngày bị thiếu hụt. Người tiêu dùng dè dặt, cộng với giá tăng khiến lượng thịt heo bán ra giảm phân nửa, ông Sơn cho biết.

Trong khi đó, tại chợ Bình Triệu, quận Thủ Đức, một số tiểu thương cho biết, lượng thịt heo về chợ lại tương đối ổn định, và giá bán không khác trước đó.

Tại khu chợ này, một tiểu thương tên Châu cho biết bà có nghe thông tin bắt quả tang lượng heo lớn bị tiêm thuốc an thần ở lò mổ lớn nhất nhì thành phố. Nhưng do nguồn hàng bà lấy ở lò mổ khác nên không bị ảnh hưởng số lượng cũng như giá cả. “Ban đầu tôi cũng sợ người tiêu dùng lo lắng, giảm lượng tiêu thụ nhưng những ngày qua vẫn thấy bình thường”, bà Châu cho biết.

Trong khi giá heo ở chợ có sự biến động thì tại hệ thống các siêu thị và cửa hàng thực phẩm tiện lợi, giá bán vẫn ổn định. Thậm chí, tại hệ thống cửa hàng của Vissan, giá bán các loại thịt heo lại giảm do nằm trong thời gian khuyến mãi.

Ông  Lê Văn Tiển, Phó giám đốc Công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết ngay đêm 28-9 lúc lực lượng chức năng bắt quả tang việc tiêm thuốc an thần cho heo tại lò mổ Xuyên Á, lượng heo về chợ giảm mạnh. Nếu như ngày thường, tổng số heo về chợ khoảng 5.700 con thì đêm đó lượng heo về chỉ còn 2.300 con, dẫn tới việc giá heo mảnh loại 1 tăng vọt lên 70.000 đồng/kg và 60.000-65.000 đồng/kg loại 2. Thông thường, giá của hai loại này chỉ ở mức 40.000-46.000 đồng/kg.

Tuy vậy, theo ông Tiển, tình trạng trên chỉ diễn ra trong một một ngày. Từ ngày 29-9 đến nay, lượng heo về chợ đã tăng lên, trung bình 4.300-4.500 con/đêm. Giá heo mảnh loại 1 đã giảm về mức 50.000 đồng/kg. Heo về chợ Hóc Môn hiện từ các lò mổ ở Long An, Bình Dương và Đồng Nai.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết thông tin heo bị tiêm thuốc an thần đã ảnh hưởng đến những người chăn nuôi tỉnh này. Giá heo hơi đã giảm từ 30.000-32.000 đồng/kg xuống còn 26.000-29.000 đồng/kg tuỳ loại heo. Giá giảm là do lượng tiêu thụ giảm, thuơng lái giảm thu mua.

Ông Đoán cho rằng, ngoài sự thiệt hại về kinh tế trước mắt, sự việc còn tiềm ẩn những mối lo về sau, khi người tiêu dùng mất niềm tin vào nguồn cung ứng heo, lò mổ heo, sẽ khiến ngành chăn nuôi trong nước gặp khó khăn.

 thitheoHoạt động của lò mổ Xuyên Á trước khi phát hiện sai phạm.

Đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá

Trước những biến động của thị trường, chiều ngày 3-10, Sở Công Thương TPHCM đã có văn bản gửi UBND TPHCM, trong đó nêu các phương án bình ổn thị trường, không để tình trạng khan hiếm, nâng giá thịt heo trong thời gian cơ sở giết mổ Xuyên Á tạm dừng hoạt động.

Cụ thể, Sở Công Thương đã làm việc với các cơ sở, trang trại chăn nuôi heo có quy mô lớn trên địa bàn thành phố và các tỉnh. Một số đơn vị cam kết trong trường hợp thành phố yêu cầu sẽ đảm bảo nguồn cung, sẵn sàng cung cấp heo đến tận cơ sở giết mổ, không để tình trạng khan hiếm, thiếu hàng xảy ra.

Các cơ sở khác cũng đảm bảo năng lực giết mổ thay thế cho cơ sở giết mổ Xuyên Á (khoảng 5.000 con/ngày). Cụ thể, cơ sở giết mổ Anh Hoàng Thy tại Đồng Nai có khả năng tăng thêm 700 con/ngày, Công ty Vissan có thể tăng công suất giết mổ thêm 1.300 con/ngày, các cơ sở khác trên địa bàn có khả năng bổ sung 1.500 con/ngày. Như vậy, tổng công suất tăng thêm từ các cơ sở giết mổ có khả năng kiểm soát là 3.500 con/ngày, thiếu khoảng 1.500 con. Số lượng này phải nhập từ cơ sở giết mổ của các tỉnh lân cận, chủ yếu là Long An.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương, cho biết để không xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa và biến động giá cả, sở đã làm việc với hệ thống các siêu thị để xây dựng kế hoạch, tăng sản lượng cung ứng nhằm bình ổn thị trường.

Đối với hệ thống phân phối truyền thống (chợ), ông Hòa cho biết sở cũng đã yêu cầu Công ty Vissan chỉ đạo các trung tâm kinh doanh, phân phối sỉ thịt heo của công ty có kế hoạch bổ sung, đảm bảo nguồn cung cho tất cả 147 quầy sạp, điểm bán của đơn vị tại 23 chợ truyền thống trên toàn thành phố.

Bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vissan, cho biết thời gian vừa qua, một số thương lái đã tìm đến Vissan đề nghị được giết mổ tại lò. Tuy nhiên, theo quy trình giết mổ của Vissan, muốn đưa heo đến giết mổ tại đây phải có hợp đồng giữa hai bên, kèm theo đó là những quy định về đảm bảo nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, cho tới nay lò mổ của Vissan cũng vẫn chỉ giết mổ heo của Vissan.

Bà Ninh cho biết, ngoài 1.000 con heo hàng ngày cung ứng ra thị trường, Vissan có thể cung ứng thêm 1.300 con heo nếu thị trường cần.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối