Thuỳ Dung -
Trước việc người dân đổ xô mua bitcoin đầu tư, các cơ quan chức năng và nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ đổ vỡ của đồng tiền mã hoá này. Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành liên quan nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý để quản lý đồng tiền điện tử vốn hấp dẫn nhưng cũng đầy rủi ro.
Số người chơi tăng nhanh
Khoảng một năm trở lại đây, số lượng người tham gia mua bán bitcoin ngày càng đông. Riêng số người có tài khoản trên bitcoin.vn đã lên 60.000 người, tăng gấp đôi so với năm 2016. Bên cạnh đó, trên cộng đồng Facebook có nhiều nhóm mua bán tiền ảo với thành viên tham gia lên tới cả chục ngàn người mỗi nhóm.
Hiện nay vẫn chưa có một báo cáo chính thức nào nghiên cứu về thị trường bitcoin tại Việt Nam, nhưng theo tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, ông Nguyễn Việt Bách, đồng sáng lập trang web bitcoin.vn, cho hay tổng giá trị giao dịch bitcoin mỗi ngày của Việt Nam lên tới con số 100 triệu đô la Mỹ.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho hay bitcoin được nhắc đến mọi nơi mọi lúc, số lượng người mở tài khoản tăng nhanh. Tốc độ kiếm tiền do tăng giá nhanh đã hấp dẫn những người đầu cơ.
Dưới góc nhìn dân tài chính, ông Hưng cho rằng hiện nay bitcoin vẫn chưa thể coi là tiền, vì tiền thì cần có sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, được các nước công nhận và có tỷ giá hối đoái. Với bitcoin, những quy định trên hiện nay vẫn chưa có. Do đó, tới thời điểm này, phần lớn mọi người đang coi đây là sản phẩm đầu cơ. Mà gắn với đầu cơ là rủi ro lớn, ai là người cầm cục than nóng cuối cùng là người chịu thiệt nhất.
Để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư, hiện nay đã có nhiều quy định, thậm chí là hình sự hoá hành vi phát hành, cung ứng và thanh toán hàng hoá bằng bitcoin.
Khoảng cuối tháng 10-2017, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi cơ quan báo chí khẳng định bitcoin và các loại tiền ảo khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Nếu thanh toán mà không dùng tiền mặt, khoản 6 điều 4 Nghị định 101 năm 2012 quy định các phương tiện thanh toán gồm séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, các phương tiện thanh toán không hợp pháp là các thanh toán không thuộc những loại hình đã liệt kê ở trên.
Tiếp đến là chế tài xử phạt hành chính, khoản 6 Điều 27 Nghị định 96 năm 2014 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng quy định các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.
Đặc biệt, quy định mới nhất không chỉ phạt hành chính mà còn hình sự hoá các hành vi trên. Cụ thể, từ ngày 1-1-2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Còn nhiều băn khoăn về tính pháp lý
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, cho biết khoản 1, Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: người nào trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, trong đó có hoạt động phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ông Đức cũng cho hay, Luật hình sự cấm hoạt động thanh toán bitcoin nhưng giữa vi phạm và không vi phạm thì ranh giới rất mong manh. Ông Đức nói các hoạt động khác như đào, mua bán, trao đổi, tặng cho... bitcoin là không sai, không vi phạm pháp luật.
Còn ông Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, Thành viên Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng Điều 206 của Luật Hình sự sửa đổi năm 2017 có đối tượng điều chỉnh rộng hơn, không chỉ giới hạn là các tổ chức tín dụng như Điều 206 của Luật Hình sự 2015 nữa mà còn bao gồm đối tượng là các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Do đó, điểm h, khoản 1, Điều 206 Luật Hình sự sửa đổi 2017 liên quan tới các chủ thể khác, trong đó có cá nhân trong hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp khác.
“Cần lưu ý là hành vi sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp, nếu gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu tới 300 triệu đồng thì mới xử lý hình sự, còn nếu không gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại dưới 100 triệu đồng thì chỉ xử phạt hành chính”, ông Tín nói.
Về thanh toán hay trao đổi bitcoin để lấy hàng hoá, theo ông Tín, đều vi phạm quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 206 ở trên. Ví dụ, anh A dùng bitcoin để đổi lấy ô tô của chị B, tức anh A thực hiện cung ứng cho chị B. Anh A đang cung (bitcoin) và chị B thì ứng (ô tô). Như vậy, các chủ thể trong hoạt động cung ứng, gồm cả người mua và người bán, kể cả môi giới thì đều vi phạm quy định trong điểm h, khoản 1, Điều 206 của Bộ Luật hình sự mới.
Thực tế đây là một vấn đề mới và còn nhiều quan điểm khác nhau. Ngày 5-1 vừa qua, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao các bộ, ngành của Chính phủ nhanh chóng rà soát, đề xuất phương án quản lý kinh tế trên một số lĩnh vực ngay trong tháng 1-2018. Trong đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền điện tử như bitcoin tại Việt Nam theo chỉ đạo tại Quyết định số 1255/QĐ-TTG ngày 21-8-2017.