Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Tìm cách thoát ngập

Văn Nam

Tình trạng ngập úng ngày càng nặng ở TPHCM khiến các cơ quan chức năng đau đầu tìm cách giải quyết, từng được đưa ra mổ xẻ tại kỳ họp HĐND vừa qua. Hiện tại, một trong những giải pháp đã có trong kế hoạch là sẽ xây dựng thật nhiều hồ điều tiết phân tán trong khu vực nội thành nhằm giảm ngập khi có mưa lớn.

Sẽ đào 30 hồ điều tiết

Thời gian qua, các cơ quan về chống ngập tại TPHCM vẫn loay hoay với các giải pháp chống ngập nước. Số liệu được Trung tâm Chống ngập nước TPHCM công bố mới đây cho thấy nếu như năm 2011 thành phố có 58 điểm ngập do mưa thì đến cuối năm 2014 mặc dù đã xóa được 47/58 điểm ngập do mưa nhưng lại có 33 điểm tái ngập và đến 29 điểm ngập mới phát sinh. Người dân vẫn lội bì bõm trên nhiều tuyến đường khi có mưa, triều cường. Giải pháp được đưa ra, theo ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng, là khơi thông dòng chảy kênh rạch để tăng khả năng tiêu thoát nước. Nếu kênh rạch bị lấn chiếm thì sẽ đào hồ điều tiết nước bù lại, số lượng hồ điều tiết chuẩn bị xây dựng sắp tới sẽ là 30 hồ lớn nhỏ, nằm rải rác khắp nơi trong thành phố.

Hồ nước trong công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), một trong những hồ điều tiết của TPHCM. Ảnh:Thành Hoa
Hồ nước trong công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), một trong những hồ điều tiết của TPHCM. Ảnh:Thành Hoa

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, cho biết hiện đã chọn được địa điểm có thể xây hồ điều tiết. Theo đó, trước mắt là hồ Khánh hội ở quận 4 (diện tích 4,8 ha) với tổng mức đầu tư 304 tỉ đồng. Hiện UBND quận 4 đang đề xuất ghi vốn để triển khai trong năm 2015. Một số hồ khác dự kiến triển khai trong năm 2015 như hồ Thủ Thiêm (thuộc quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2), hồ Gò Dưa (quận Thủ Đức), hồ Bàu Cát (quận Tân Phú)...

Ông Long cho hay, ngoài các hồ điều tiết được lên kế hoạch sẽ xây dựng trong năm 2015 thì trung tâm cũng khảo sát một số hồ cảnh quan khác có khả năng mở rộng, gia cố chuyển thành hồ điều tiết nước như hồ công viên Linh Đông (quận Thủ Đức) với diện tích hiện có khoảng 8 ha, thêm 2 ha tại khu 87 ha trên địa bàn phường An Phú (quận 2), 1,4 ha tại công viên phường An Lạc (quận Bình Tân)... Tất cả những vị trí xây hồ điều tiết nói trên được đưa vào “Quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán để giảm ngập úng tại TPHCM” dự kiến sẽ được Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định để trình UBND thành phố phê duyệt cuối tháng 12-2014 này.

Ông Hồ Long Phi, Phó ban điều phối chương trình chống ngập thành phố cho biết, nếu triển khai đồng bộ việc xây các hồ điều tiết, lượng nước mưa tích trữ sẽ lên đến hàng chục triệu mét khối và theo đó sẽ giúp giảm được 30% tình trạng ngập úng cho thành phố so với hiện nay. Theo phân tích của ông Long, với tác động biến đổi khí hậu, lượng mưa ngày một tăng thì xây hồ điều tiết là giải pháp khả thi, giúp giảm quá tải cho hệ thống cống thoát nước mỗi khi gặp mưa lớn kết hợp với triều cường. Lâu nay đây là hai nguyên nhân gây ngập úng triền miên cho thành phố.

Ông Long cho biết, ngoài việc xây dựng các hồ điều tiết lớn bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, thành phố còn huy động nguồn lực từ người dân để xây dựng thêm các hồ chứa nước nhỏ. Thêm vào đó, thành phố cũng tận dụng các hồ chứa nước hiện hữu.

Chuyên gia băn khoăn

Nói về việc đào hồ điều tiết, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM), tỏ ra băn khoăn khi quỹ đất trống khu vực nội thành đã không còn, hoặc có còn thì địa hình cao, địa chất yếu không phù hợp với việc đào hồ điều tiết nước và kết quả là các công viên được chọn để làm nơi đào hồ chứa nước, giảm ngập. Mặt khác, khả năng giảm ngập bằng hồ điều tiết là biện pháp tạm thời, có tính chất hỗ trợ thoát nước nhanh khi có mưa lớn chứ không phải là giải pháp chống ngập căn cơ.

Ông Hùng cũng cho rằng nếu buộc phải lấy đất công viên đào hồ điều tiết lớn thì cần đặc biệt lưu ý đến tính an toàn của hồ chứa trong công viên, nơi có nhiều trẻ em vui chơi.

Còn theo phân tích của một chuyên gia đầu ngành về thủy lợi tại TPHCM, các vị trí ngập nước hiện rải rác ở các quận, nếu phân vùng xây các hồ điều tiết kết hợp với hệ thống tiêu thoát nước mưa không hợp lý thì việc xây hồ sẽ trở nên lãng phí, không phát huy hiệu quả chống ngập.

Trước đó tại kỳ họp HĐND TPHCM giữa tháng 12-2014, trả lời chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Nguyễn Thành Chung nhận định: “Đến cuối năm 2015 sẽ giải quyết 80% trong tổng số 58 điểm ngập và các điểm phát sinh hiện nay, số còn lại sẽ giải quyết sau năm 2015, 2016”. Bao giờ thành phố hết ngập? Mục tiêu mà cơ quan chức năng thành phố đưa ra mới đây nhất là đến hết năm 2020.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối