Thứ ba, Tháng hai 11, 2025

Tìm chỗ mua thực phẩm sạch

VŨ YẾN - 

Tình trạng thực phẩm thiếu an toàn không phải đến bây giờ mới gây bức xúc, nhưng nỗi bất an ngày càng lớn khi tình trạng này ngày càng tràn lan. Bên cạnh những lời hứa quyết tâm ngăn chặn thực phẩm bẩn của các cơ quan quản lý như được báo chí thông tin những ngày qua, thì một mong mỏi khác của người tiêu dùng là có thật nhiều điểm bán thực phẩm sạch để không phải tâm tư rằng “không biết ăn gì”.

Tự tìm thực phẩm sạch

Gian-hang-san-pham-VietGap-tai-Co Gian hàng thực phẩm đạt chuẩn VietGAP tại siêu thị Co.opMart.

Chị Hồng Phương ở quận Tân Bình, TPHCM, cho biết khoảng hai tháng nay chị chuyển hẳn qua dùng rau, củ, gạo hữu cơ do người nhà của một đồng nghiệp bán. Mặc dù giá đắt gấp 2-3 lần so với thực phẩm cùng loại mua ở chợ nhưng chị tin tưởng nó sẽ an toàn.

Chị Hồng Trang ở quận Thủ Đức thì cho biết đã từ khá lâu chị chỉ mua thực phẩm trong siêu thị chứ không mua ở ngoài. Theo chị, trong ma trận thực phẩm không an toàn được báo chí thông tin hàng ngày, hàng giờ như hiện nay thì có lẽ việc mua sắm thực phẩm có gắn nhãn VietGAP, GlobalGAP tại hệ thống các siêu thị uy tín là lựa chọn đảm bảo.

“Mình mua ở địa chỉ có uy tín, mua sản phẩm có nhãn mác, tên tuổi, ít ra đã có sự kiểm tra, kiểm soát phần nào của cơ quan chức năng. Lỡ có ngộ độc thì cũng có địa chỉ để khiếu nại, phản ánh”, chị Trang nói.

Gia đình chị Nhung ở quận 3 lại chọn thực phẩm từ vườn nhà, ao nhà của những người bạn, người quen. Chị cho biết hiện có nhiều người đầu tư trang trại, nuôi bò, nuôi heo, trồng rau, thả cá... Họ vừa sử dụng vừa bán cho bạn bè, người quen.

“Thực phẩm nào mua được của người quen là tôi mua hết, ngoài ra thì đi siêu thị. Thực ra đặt mỗi nơi một loại thực phẩm khá tốn thời gian, có khi phiền phức trong giao hàng, nhưng vì muốn sử dụng càng nhiều càng tốt thực phẩm an toàn, tin cậy, nên tôi chấp nhận”, chị Nhung nói.

Cần nhiều điểm bán thực phẩm an toàn

Nhưng những trường hợp “tự cứu mình” như những người tiêu dùng nói trên sẽ chỉ là số ít, và đồng thời mức sống tương đối khá. Vấn đề được kỳ vọng là mọi người đều phải dễ dàng tiếp cận thực phẩm an toàn, ít ra những điểm bán thực phẩm sạch phải trở nên phổ biến để có sự lựa chọn. Tại TPHCM, một chương trình đang được thành phố cố gắng đẩy mạnh là tổ chức nhiều điểm bán thực phẩm đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn.

Theo đại diện Sở Công Thương TPHCM, tính tới thời điểm hiện tại, Sở Công Thương, Sở Y tế cùng các cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho 308 địa điểm bán hàng đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP.

Ngoài các điểm bán thực phẩm an toàn nói trên, tại TPHCM hiện cũng xuất hiện nhiều hơn các cửa hàng, điểm bán được giới thiệu là thực phẩm đạt các tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP), hoặc sản xuất theo tiêu chí thực phẩm hữu cơ (organic), chủ yếu bán rau, củ, quả, thịt gà, thịt heo, gạo… Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị tại một số cửa hàng này, lượng khách hàng của họ khá đông, đặc biệt vào buổi chiều.

Mới đây, hôm 12-4, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), cũng cho biết bắt đầu từ ngày 15-4 tất cả các điểm bán thịt heo của Vissan gồm 146 điểm nằm trong các chợ truyền thống, 309 điểm thuộc các hệ thống siêu thị ở TPHCM và các tỉnh lân cận sẽ chỉ cung cấp thịt heo nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng cung ứng mỗi ngày là khoảng 70 tấn thịt tươi và thêm khoảng 20-30 tấn/ngày để sản xuất sản phẩm chế biến. Như vậy, so với thời điểm công bố ban đầu ngày 7-12-2015, tới nay số điểm bán thịt heo VietGAP của Vissan đã tăng thêm 88 điểm.

Theo ông Nguyễn Hải Bình, Giám đốc điều hành Công ty TNHH thực phẩm sạch Dalat G.A.P, người tiêu dùng ngày càng quan tâm và lựa chọn thực phẩm an toàn, thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Theo ông Bình, hiện tại mỗi ngày Dalat G.A.P tiêu thụ đến hơn 1 tấn rau, củ, quả. “Chúng tôi dự kiến mở rộng gấp đôi diện tích canh tác, tăng thêm 15 ha đất trồng rau, củ, quả an toàn”, ông nói.

Tương tự, bà Đào Thị Ngọc Ánh, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thực phẩm Ánh Nhi (Trảng Bom, Đồng Nai), chuyên sản xuất một số sản phẩm nấm tươi theo tiêu chuẩn VietGAP, nói rằng sản lượng nấm tươi công ty cung ứng cho hệ thống siêu thị Co.opMart tăng nhanh qua hai năm, cho thấy sự quan tâm của người tiêu dùng đối với sản phẩm sạch. Nếu vào năm 2014, lượng cung ứng chỉ khoảng 50-60 kg/ngày thì nay số lượng này tăng lên gấp 10 lần.

Mặc dù ghi nhận những nỗ lực mở rộng mạng lưới điểm bán thực phẩm đạt chuẩn  an toàn vệ sinh thực phẩm (như VietGAP, GlobalGAP, HACCP) tại TPHCM nhưng một số ý kiến từ người tiêu dùng cũng cho rằng giá các loại thực phẩm này đương nhiên sẽ cao hơn so với thực phẩm cùng loại được nuôi trồng theo cách thông thường. Như chị Phạm Phương Thảo, chủ của hệ thống hai cửa hàng thực phẩm hữu cơ có tên Organica tại TPHCM, nói: “Bao giờ thực phẩm organic cũng có giá cao hơn, bởi để tạo ra chúng người sản xuất phải tốn rất nhiều chi phí đầu tư, công sức”. Có lẽ, bên cạnh phân khúc thị trường dành cho các loại thực phẩm đạt chuẩn nói trên thì việc ngăn chặn thực phẩm bẩn, thực phẩm ngâm tẩm hóa chất vẫn vô cùng quan trọng, để hầu hết người tiêu dùng đều được tiếp cận với thực phẩm an toàn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối