Vũ Yến-
Hàng hóa phải chất lượng, độc đáo, có sự khác biệt. Nhà sản xuất cần hiểu rõ đối tượng khách hàng cũng như chiến lược kinh doanh của kênh phân phối hiện đại… Đó là những chia sẻ của nhà sản xuất, của đại diện hệ thống siêu thị tại buổi tọa đàm “Đưa hàng vào kênh bán lẻ hiện đại, cách nào?” do báo Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp với Câu lạc bộ Thị trường thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) tổ chức ngày 30-6 vừa qua.
Hợp tác với siêu thị
Ông Trần Văn Liêng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ca cao Việt Nam (Vinacacao), đơn vị đã có một số sản phẩm hiện diện cả chục năm tại nhiều hệ thống siêu thị, cho biết theo kinh nghiệm của ông, để hàng hóa vào được kênh bán lẻ hiện đại thì trước tiên mặt hàng đó phải có sự sáng tạo, phải độc đáo, phải mới, không lặp lại sản phẩm của nhà sản xuất khác, phải có lý do để người tiêu dùng phải chọn lựa, phải mua mình cho dù đối tượng mua sản phẩm đó chưa phổ biến.
Ngoài sự độc đáo, sự khác biệt trong sản phẩm, theo ông Liêng, nhà sản xuất cần cố gắng, trở thành đồng thương hiệu, cùng đứng tên trên bao bì sản xuất với hệ thống siêu thị. Hay nói cách khác, nhà sản xuất cần hợp tác với siêu thị để sản xuất cung ứng hàng nhãn riêng (hàng mang thương hiệu siêu thị nhưng được gia công bởi doanh nghiệp sản xuất).
Theo ông Liêng, đây chính là mảnh đất màu mỡ, là cách “đứng trên vai người khổng lồ” mà các đơn vị sản xuất cần tận dụng, để từ đó lớn lên và tự đứng vững trên thị trường bằng chính những sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình.
“Bạn là người chịu trách nhiệm pháp lý cuối cùng với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Vậy bạn phải được người tiêu dùng biết tới, phải được đứng tên trên bao bì sản xuất, cùng xuất hiện trên bao bì sản phẩm với siêu thị”, ông Liêng nói thêm.
Ông Liêng cũng chia sẻ thêm, hiện nay sản phẩm organic đang là xu hướng tiêu dùng của thời đại. Vì vậy, các đơn vị sản xuất cũng nên tập trung để sản xuất sản phẩm này.
Bà Trần Lê Thùy Trang, phụ trách công tác thương mại hóa các sản phẩm từ nghiên cứu khoa học của sinh viên của trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cho rằng trên thực tế, để hàng hóa vào được kênh bán lẻ hiện đại, chính bản thân người sản xuất cũng cần phải thay đổi cách nhìn, cách nghĩ.
Bà kể, trường sản xuất được hai loại nấm đó là nấm ngọc thạch và nấm mèo. Tuy nhiên, thời gian đầu, do chưa tự tin, nghĩ quy mô sản xuất nhỏ, lo lắng sản lượng chưa cao, chưa ổn định, lại lo ngại thời gian thanh toán kéo dài nên chỉ dám đưa vào một số cửa hàng thực phẩm sạch và nhỏ, chưa dám mạnh dạn tiếp thị ở hệ thống siêu thị lớn.
Đến nay, do được kết nối, giới thiệu, hai sản phẩm nấm của trường đã vào được hệ thống Vineco thuộc chuỗi cửa hàng tiện lợi VinMart. Khi tham gia vào được hệ thống Vineco, bà thấy suy nghĩ lâu nay của đơn vị thực ra là do định kiến chứ hệ thống siêu thị hỗ trợ trường hoàn thiện sản phẩm, thời gian thanh toán hợp lý, quy trình làm việc nhanh gọn, rõ ràng.
Ông Trần Nguyên Chí, Giám đốc tiếp thị của Công ty Nông sản bền vững Sinh Lộc, cho biết hiện nay công ty có khoảng 50 sản phẩm nông sản đang được phân phối sỉ tại một số cửa hàng. Ông cho biết, muốn được vào hệ thống các siêu thị, chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu. Công ty ông đang hoàn thiện quy trình sản xuất, hướng dẫn, tư vấn để người nông dân sản xuất theo hướng tự giác, bền vững, đạt chất lượng ngay từ đầu.
Tọa đàm “Đưa hàng vào kênh bán lẻ hiện đại, cách nào?” do báo Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp với Câu lạc bộ Thị trường thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) tổ chức ngày 30-6.
Sản phẩm tốt không phải “lót tay”
Tại buổi tọa đàm, một trong những vấn đề nhạy cảm, tế nhị được các doanh nghiệp sản xuất quan tâm, đó là sự lo ngại về chuyện, để hàng được lên quầy kệ thì phải chi những khoản tiền nằm ngoài hợp đồng, nói cách khác là phải “lót tay” cho một ai đó của siêu thị.
Về vấn đề này, ông Liêng của Vinacacao cho biết, trên thực tế, một số bạn bè của ông cũng như chính ông đã một vài lần đưa phong bì lót tay cho người của siêu thị để hàng hóa được vào siêu thị nhanh hơn, để hàng hóa được vào gói quà tết của siêu thị. Song ông cũng nhìn nhận, đây thực chất chỉ là cách làm của một số nhà sản xuất chứ không phải nạn dịch. Theo ông, cách làm này diễn ra ở nhiều ngành chứ chẳng riêng gì ngành bán lẻ.
“Cũng phải nhìn nhận rằng, để xảy ra tình trạng này là lỗi của doanh nghiệp sản xuất. Mình muốn gì đó, mình đã làm gì mà phải làm như vậy”, ông Liêng nói.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, đơn vị chuyên cung ứng thịt gia cầm, cũng cùng quan điểm với ông Liêng, cho rằng thông thường chỉ nhà sản xuất không tự tin với chất lượng sản phẩm, giá cả sản phẩm thì mới phải chi lót tay, phải đưa phong bì cho người của siêu thị. Theo bà, nếu sản phẩm tốt, đạt chất lượng, giá cả hợp lý thì cứ đi đường thẳng, gặp gỡ, làm việc, ký kết hợp tác và thực hiện đúng những điều khoản đã ghi rõ ràng trên hợp đồng.
“Với hợp đồng, theo tôi doanh nghiệp phải đọc thật kỹ, chọn lựa cho mình những thỏa thuận hợp lý nhất, phải tự lượng sức mình, không chấp nhận điều khoản bằng mọi giá. Doanh nghiệp cũng phải có và đưa ra những quy định của mình để thỏa thuận với siêu thị. Thẳng thắn, trao đổi với siêu thị để đưa ra giải pháp tốt nhất, bởi trên thực tế siêu thị cũng cần có hàng hóa, cũng cần phải có doanh nghiệp”, bà Hà cho biết thêm.
Về điểm này, ông Nguyễn Vũ Thuận, Giám đốc thu mua thực phẩm của Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam (tiền thân là Metro Cash & Carry), cho biết trên thực tế, không ai có thể nói hệ thống bán lẻ của mình kiểm soát 100% vấn đề khá nhạy cảm này. Tuy nhiên, nếu nhà sản xuất nào bị một ai đó ở Mega Market Việt Nam làm khó thì có thể gọi trực tiếp tới đường dây nóng để phản ánh.
“Chúng tôi không dám chắc kiểm soát được 100% nhưng sẽ cố gắng kiểm soát tối đa vấn đề này và xử lý ngay những cá nhân vi phạm”, ông Thuận nhấn mạnh.
Về chính sách mua hàng, điều kiện để hàng hóa vào được hệ thống bán lẻ, ông Thuận cho biết, các nhà bán lẻ khác nhau sẽ có chiến lược khác nhau, sẽ có chính sách thu mua, chính sách giá, quy định về chất lượng sản phẩm khác nhau. Theo đó, một trong những điều quan trọng nhà sản xuất cần phải biết đó là khi muốn đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị nào thì cần phải hiểu khách hàng của siêu thị đó là ai, chiến lược kinh doanh của siêu thị đó là gì.
Theo ông Thuận, ngoài chất lượng hàng hóa là điều vô cùng quan trọng, điều đầu tiên và cốt yếu để nhà sản xuất và nhà bán lẻ có thể hợp tác không chỉ nằm ở điều khoản thương mại mà còn nằm ở việc hai bên có thể ngồi lại để cùng thấy giá trị của nhau. Nếu việc tạo dựng mối quan hệ tốt, thì việc hợp tác, ký kết thỏa thuận thương mại sẽ dễ dàng hơn.
Ông Thuận cũng nêu rõ, MM Mega Market luôn có những chương trình tư vấn, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại sản xuất để từ đó tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đạt các tiêu chuẩn, quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc… Trong đó, những doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn có những chính sách ưu tiên. Tuy nhiên, nếu hàng vào siêu thị nhưng không đảm bảo chất lượng, bị người tiêu dùng phản ánh một vài lần, hệ thống siêu thị cũng đã nhắc nhở, cảnh cáo nhưng không thay đổi thì sẽ bị đưa ra khỏi quầy kệ ngay.
Bà Thy Phan, đại diện của Công ty cổ phần Seven System Viet Nam, cho biết một trong những cách người sản xuất có thể liên hệ với công ty để đưa hàng vào hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven là có thể liên hệ qua kênh Facebook. Công ty này sẽ có bộ phận chuyên trách tiếp nhận thông tin.
[box] Chỉ nhà sản xuất không tự tin với chất lượng sản phẩm, giá cả sản phẩm thì mới phải chi lót tay, phải đưa phong bì cho người của siêu thị... Nếu sản phẩm tốt, đạt chất lượng, giá cả hợp lý thì cứ đi đường thẳng, gặp gỡ, làm việc, ký kết hợp tác và thực hiện đúng những điều khoản đã ghi rõ ràng trên hợp đồng.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà [/box]