Trúc Diễm -
Sự cố môi trường biển do Formosa ảnh hưởng mạnh đến đội ngũ lao động bốn tỉnh miền Trung, đặc biệt tại Hà Tĩnh và Quảng Bình, nơi phụ thuộc lớn vào nguồn lợi biển. Để hỗ trợ cho người dân chuyển đổi nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã có chương trình riêng hỗ trợ lao động tại bốn tỉnh này, trong đó chủ yếu là xuất khẩu lao động và chuyển đổi nghề ngắn hạn.
Thất nghiệp tăng
Người lao động được học về văn hóa Hàn Quốc trước khi sang nước này làm việc. Ảnh: Hồng Kiều
Tại buổi tọa đàm về giải pháp hỗ trợ chuyển đổi nghề cho lao động bị ảnh hưởng bởi Formosa diễn ra tại Hà Nội ngày 30-11, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục Việc làm thuộc Bộ LĐTB&XH, cho biết sau sự cố môi trường biển, bộ đã làm việc với UBND bốn tỉnh miền Trung, tổ chức các hội thảo và bàn về biện pháp hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng và thực hiện khảo sát về tình hình lao động, việc làm tại bốn địa phương này.
Kết quả cho thấy, sự cố môi trường biển do Formosa gây ra đã ảnh hưởng nặng nề tới việc làm và thu nhập của người dân ở đây. Cụ thể, sự việc đã làm cho trên 39.000 lao động bị mất việc làm, đặc biệt là hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình là hai tỉnh có số lao động bị mất việc làm nhiều nhất.
“So với trước khi xảy ra sự cố môi trường thì tỷ lệ thất nghiệp của các địa bàn bị ảnh hưởng có sự gia tăng lớn. Như Thừa Thiên-Huế có tỷ lệ tăng 1,6 lần, Quảng Trị tăng 2,8 lần, Quảng Bình là 7,9 lần, Hà Tĩnh là 15,7 lần”, bà Vân cho biết. Các ngành bị thiệt hại nhiều nhất là khai thác, đánh bắt thuỷ sản giảm hơn 24.000 người; bán buôn, bán lẻ thuỷ sản giảm gần 14.000 người.
Khảo sát trên cũng cho thấy, có khoảng 22.400 người có nhu cầu học nghề, chủ yếu là học nghề ngắn hạn, chiếm 70% số người có nhu cầu học nghề; gần 40.000 người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu là thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Từ những thiệt hại nêu trên và xuất phát từ nhu cầu của người dân về học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm, bà Vân cho biết bộ đã nghiên cứu và đề xuất chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho người dân vùng chịu ảnh hưởng.
Theo bà Vân, thời gian qua, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo các tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề theo địa chỉ, theo nhu cầu của người sử dụng lao động, tạo thuận lợi cho người lao động thích ứng với môi trường sản xuất mới. Đồng thời, tiếp tục đào tạo nghề ngư nghiệp, đánh bắt xa bờ, đào tạo nghề đi làm việc ở nước ngoài, ví dụ như nghề thuyền viên tàu cá, nuôi trồng thủy hải sản.
Chỉ là một giải pháp
Cũng có ý kiến cho rằng, số lượng người chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển là rất lớn và giải pháp đưa toàn bộ lao động này đi xuất khẩu là không khả thi. Bởi lẽ, với thị trường thu nhập cao, khó tính Hàn Quốc và Nhật Bản, hàng năm số lượng đi không nhiều và người lao động cũng phải đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn và ngoại ngữ tương đối khó.
Bên cạnh đó, đối với nghề thuyền viên, đây là công việc nặng nhọc, thu nhập thấp. Hơn nữa, tỷ lệ bỏ trốn với nghề thuyền viên là vấn đề nan giải. Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS), cho hay bốn tỉnh bị ảnh hưởng hiện nay cũng là các tỉnh trọng điểm trong việc cung cấp nguồn lao động thuyền viên tàu cá. Thống kê những nằm gần đây cho thấy, trung bình mỗi năm các doanh nghiệp cung ứng trên 4.000 lao động dạng này đi nước ngoài, chủ yếu sang Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. “Nhưng không phải cứ có nhu cầu cao và nguồn cung lớn là có thể gia tăng ngay quy mô lao động thuyền viên tàu cá đi làm việc ở nước ngoài vì đây là lĩnh vực đặc thù, yêu cầu cao về kỷ luật lao động và không ít rủi ro”, ông Tân nói.
Ông Đặng Sĩ Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH, cho biết bộ đã trao đổi với phía Hàn Quốc để tăng chỉ tiêu ngành ngư nghiệp từ 1.000 lên 1.300 người và thống nhất với phía Hàn Quốc để một số địa phương thuộc hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh tuy có tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng (tại Hàn Quốc) cao nhưng vẫn được tham gia kỳ thi tiếng Hàn.
Theo Bộ LĐTB&XH, trong đợt thi tiếng Hàn đối với nghề ngư nghiệp vừa qua cho thấy nhu cầu của người lao động của bốn tỉnh đi làm thuyền viên là rất lớn, nhiều người đáp ứng được khả năng của đối tác. Theo đó, trong tổng số 2.880 lao động của cả nước tham gia kỳ thi tiếng Hàn, có tới 2.466 người lao động của bốn tỉnh trên, và có 1.887 người đã vượt qua kỳ thi tiếng Hàn.
Với những người không đủ điều kiện đi lao động ở nước ngoài mà có nhu cầu học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp hoặc nhu cầu vay vốn tạo việc làm trong nước thì cũng được hỗ trợ với mức lãi suất thấp. Những người này sẽ được ưu tiên lựa chọn tham gia các dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công về khôi phục, tái tạo môi trường biển, các nguồn lợi thuỷ sản và ổn định, khôi phục, phát triển du lịch tại địa phương.
Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB&XH), cho hay bộ đã có chương trình dạy nghề dành riêng cho lao động bốn tỉnh miền Trung. Các chương trình bao gồm hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp dưới ba tháng, hỗ trợ học phí một khóa học đối với những người đang và sẽ học trình độ trung cấp, cao đẳng.
Với những người có nhu cầu vay vốn thì được hỗ trợ cho vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên theo Quyết định 157 của Thủ tướng như với những trường hợp thuộc diện hộ nghèo. Các chương trình học là theo nhu cầu đã đăng ký của ngư dân, ngư dân đăng ký học nghề gì thì sẽ tổ chức hỗ trợ, đào tạo nghề đó gắn với việc tổ chức việc làm sau đào tạo.