Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

‘Tìm lại dấu xưa’ với ‘bao điều thú vị’ tại Gò Vấp và Tân Bình

(SGTT) - 'Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa' và 'Tân Bình - Biết bao điều thú vị' là hai trong số những sản phẩm du lịch mới được TPHCM giới thiệu đến du khách trong thời gian tới.

Đây là hai trong số hàng chục tour du lịch mới đã và đang được ngành du lịch phối hợp cùng các quận, huyện trên địa bàn TPHCM tích cực triển khai, thu hút khách đến dịp lễ Quốc khánh năm nay.

“Gò Vấp – Trăm năm tìm lại dấu xưa”

Tại quận Gò Vấp, du khách sẽ được tham quan trải nghiệm các điểm đến như Miếu nổi Phù Châu - ngôi miếu có tuổi đời gần 300 năm trên dòng sông Vàm Thuật, đình Thông Tây Hội - ngôi đình cổ nhất của vùng đất Gia Định xưa và của miệt đất phương Nam còn tồn tại đến ngày nay... Nơi đây còn có nhà thờ Hạnh Thông Tây, do ông Denis Lê Phát An (cậu ruột của Hoàng hậu Nam Phương) xây dựng theo phong cách kiến trúc Byzantine của châu Âu rất độc đáo.

Điểm đến đầu tiên của đoàn khảo sát tại quận Gò Vấp là Miếu nổi Phù Châu, ngôi miếu có tuổi đời gần 300 năm trên dòng sông Vàm Thuật. Ảnh: Sở Du lịch TPHCM

Theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM, phần lớn các điểm đến quận Gò Vấp đều có công trình kiến trúc, làng nghề lịch sử trên 100 năm, thậm chí có những nơi gắn liền với quá trình hình thành vùng đất Sài Gòn - Gia Định năm xưa hơn 300 năm như Đình Thông Tây hội, Miếu nổi Phù Châu...

Là đơn vị phối hợp với UBND quận Gò Vấp triển khai tour “Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa”, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist, cho biết đơn vị kỳ vọng du khách sẽ thích thú tour du lịch này khi tham quan những điểm đến văn hóa mang tính chất lịch sử đặc trưng ở quận Gò Vấp.

"Chúng tôi mong muốn kết nối những kiến trúc cổ xưa với những yếu tố mới của điểm đến để thu hút du khách trong và ngoài nước, từ đó tạo nên điểm nhấn hấp dẫn và mới lạ cho du lịch Thành phố trong dịp 2-9 tới", ông Mẫn chia sẻ.

Biểu diễn văn nghệ chào mừng đoàn khảo sát tại quận Gò Vấp. Ảnh: Sở Du lịch TPHCM

Theo bà Đào Thị My Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, quận có nhiều điểm đến văn hóa, lịch sử lâu đời gắn bó với quê hương Sài Gòn – Gia Định – TPHCM nhưng không phải người dân và du khách nào cũng biết đến. Vì vậy, quận đang tập trung phối hợp cùng các công ty lữ hành để hoàn thiện những sản phẩm du lịch mới để quảng bá rộng rãi đến với du khách trong nước cũng như quốc tế, làm sao để các điểm đến đều mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử của quận nhiều hơn.

"Tài nguyên du lịch chỉ mãi là tài nguyên nếu như chúng ta không đầu tư, khai thác, trùng tu, quản lý và kết nối thành các tour tuyến, sản phẩm du lịch. Trên cơ sở 366 tài nguyên du lịch đã được công bố, trong giai đoạn phục hồi du lịch theo thống kê đến nay, TPHCM có hơn 30 chương trình, sản phẩm du lịch nội đô đang được các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đưa vào khai thác kích cầu và gần 20 chương trình du lịch mới đang khảo sát.

Bên cạnh đó, hàng chục điểm tham quan, sản phẩm du lịch về đêm đang được ngành du lịch và các đơn vị, sở, ngành liên quan tập trung đầu tư, tôn tạo, hoàn chỉnh đề án xây dựng kết nối tour, tuyến. Đây cũng là hoạt động triển khai chiến lược xây dựng mỗi, quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng của TPHCM để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước trong giai đoạn bình thường mới", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, chia sẻ.

“Quận Tân Bình - Biết bao điều thú vị”

Trong khi đó, đến với tour du lịch tại quận Tân Bình, du khách sẽ được tham quan Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, một trong những địa điểm gìn giữ rất nhiều hiện vật có giá trị lịch sử về lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ. Đặc biệt, tại Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, du khách còn cơ hội giao lưu với những cựu chiến binh, phóng viên chiến trường, nghe kể chuyện về thời đấu tranh oai hùng của dân tộc...

Trong hành trình tour, du khách còn được vãn cảnh chùa Viên Giác có lối kiến trúc và trang trí Á Đông đẹp mắt với ngôi tháp bằng ngói lưu ly cao nhất Việt Nam, những bức tượng Phật sinh động đầy chất thiền vô cùng tinh xảo và đẹp mắt cùng những lời giáo huấn làm người, tu tâm được khắc và đính trang trọng, tạo nên nét thẩm mỹ hài hòa, tôn nghiêm và cổ kính. Du khách sẽ có dịp tham quan Chùa Giác Lâm, ngôi chùa cổ nhất Nam Bộ với tuổi đời gần 300 năm - di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1988...

Tại quận Tân Bình, du khách được nghe ông Minh Trí, phóng viên chiến trường, dũng sĩ diệt Mỹ kể chuyện thời chiến tại Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ. Ảnh: Sở Du lịch TPHCM

Theo ông Lê Hoàng Hà, Bí thư Quận ủy quận Tân Bình, thực hiện chương trình phát triển kinh tế xã hội trong năm 2022 và tận dụng lợi thế đặc thù gần sân bay Tân Sơn Nhất, quận đã cùng các quận lân cận như Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú… hình thành không gian du lịch chung, kết nối các điểm đến để thu hút thêm nhiều du khách đến với quận Tân Bình nói riêng và TPHCM nói chung.

"Đối với quận Tân Bình, điểm khác biệt là có công viên Hoàng Văn Thụ, đây được ví như cửa vào TPHCM. Vì vậy, chúng tôi đã tập trung nhiều giải pháp để thiết kế nhiều sản phẩm du lịch mới. Ngoài điểm đến này, chúng tôi xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch trải nghiệm, du lịch kết hợp môn thể thao đánh golf và thưởng thức các món ẩm thực chay... nhằm tạo ra nhiều cơ hội cho du khách tìm hiểu về những nét độc đáo trong văn hóa, sinh hoạt của người dân Tân Bình", ông Hà phát biểu.

Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, du lịch TPHCM còn rất nhiều điều mới lạ, hấp dẫn. Tính đến nay, có 50% số quận, huyện đã công bố những sản phẩm du lịch cho riêng mình. Tuy vậy, việc quảng bá du lịch ở các quận, huyện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

“Sắp tới việc quảng bá và phát triển các sản phẩm mới tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức sẽ được triển khai đồng bộ, bài bản hơn để giúp ngành du lịch TPHCM luôn mới lạ, hấp dẫn trong lòng du khách trong và ngoài nước”, bà Thắng chia sẻ.

Đinh Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối