Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Tìm lối đi cho sân khấu du lịch

LTS: Trong số báo phát hành vào ngày 25-7, Sài Gòn Tiếp Thị đã có bài viết giới thiệu toàn cảnh về các sân khấu du lịch tại TPHCM với tựa “Sân khấu du lịch: Đánh cược với nghệ thuật”. Trong bài viết này, Sài Gòn Tiếp Thị hy vọng có thể cung cấp đến độc giả một góc nhìn nhiều chiều về hoạt động của loại hình kinh doanh nghệ thuật này.

Hiện tại, Sài Gòn có bốn sân khấu phục vụ du khách quốc tế gồm À Ố Show, Nhà hát Rối nước Rồng Vàng, Hồn Việt và Nhà hát Nón Lá. Trong đó, Nhà hát Rối nước Rồng Vàng và À Ố Show vẫn đang sáng đèn đều đặn và có lượng khách xem đông đảo. Sân khấu Hồn Việt sống trong tình trạng cầm chừng và Nhà hát Nón Lá thì tạm ngưng hoạt động.

Lạ và khác biệt là yếu tố sống còn

Theo phân tích của những người trong giới nghệ thuật, có nhiều nguyên nhân để Nhà hát Rồng Vàng thành công. Rối nước là loại hình chỉ có tại Việt Nam, riêng tại TPHCM thì Nhà hát Rồng Vàng là địa điểm duy nhất biểu diễn loại hình này. Du khách quốc tế thích thú vì được khám phá một loại hình nghệ thuật không được phổ biến rộng rãi.

Sức hấp dẫn của À Ố Show đến từ sự độc đáo và riêng biệt không tìm thấy ở nơi khác. Ảnh: Nguyễn Huy
Sức hấp dẫn của À Ố Show đến từ sự độc đáo và riêng biệt không tìm thấy ở nơi khác. Ảnh: Nguyễn Huy

Theo bà Việt Hương, đại diện của Công ty Du lịch Vietravel, sức hút của Nhà hát Rồng Vàng là tiết mục biểu diễn thú vị và lạ lẫm đối với người xem. Nhà hát nằm tại vị trí khu trung tâm thành phố (Cung Văn hóa Lao động TPHCM) nên việc đi lại của khách được thuận tiện. Đặc biệt, giá vé khá hợp lý so với nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ du lịch khác.

Hoặc, đạo diễn chương trình Tuấn Lê và ê kíp thực hiện À Ố Show là những Việt kiều từng được đào tạo chuyên môn về xiếc và múa tại Đức và Pháp. Nhờ có nền tảng văn hóa truyền thống Việt Nam và học hỏi được những nét đẹp của văn hóa thế giới nên họ có thể kết hợp để tạo ra một chương trình biểu diễn đặc biệt. Họ sử dụng 17 loại nhạc cụ truyền thống Việt Nam kết hợp với xiếc và múa là những gì thuộc về giá trị phương Tây. Không chỉ vậy, các diễn viên còn biết cách tạo ra tiếng cười hóm hỉnh và duyên dáng khiến khán giả phải bật cười sảng khoái. Liên tục những tràng vỗ tay tán thưởng trong suốt buổi diễn là minh chứng cho điều đó.

Nỗ lực tự thân để hoạt động

Theo một số vị đại diện của các công ty lữ hành ở TPHCM, việc khám phá nét văn hóa đặc thù của người Việt là một nhu cầu rất lớn của du khách khi đặt chân đến đất nước này. Nhiều quốc gia trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc và Ấn Độ… đã rất thành công trong việc sử dụng nghệ thuật sân khấu để giới thiệu lịch sử văn hóa đất nước đến du khách. Tất cả chương trình này điều được sự bảo trợ của Nhà nước, nên những người thực hiện chương trình không phải lo nghĩ đến việc kiếm tiền mà chỉ tập trung vào hoạt động chuyên môn. Có lẽ đây là một trong những động lực thúc đẩy những người làm chương trình ở những quốc gia kể trên càng thêm yêu nghề, gắn bó với nghề và có điều kiện phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo trong công việc.

Ở Việt Nam, trên thực tế, các nhà kinh doanh sân khấu du lịch đang trong tình trạng “tự thân vận động”. Họ đang phải ngụp lặn với những cơn sóng lớn từ vấn đề tài chính, tổ chức nhân sự, xây dựng cơ sở hạ tầng…. Ban điều hành của các đơn vị này vừa phải suy tư để tạo ra những chương trình hấp dẫn vừa phải chạy đôn chạy đáo tìm mặt bằng cho việc biểu diễn, và thu hút khán giả đến rạp… Cùng một lúc phải lo lắng nhiều thứ, trong khi nguồn vốn lại có giới hạn nên nhiều trường hợp các nhà đầu tư đã bị hụt hơi, không thể chi tiêu kinh phí đúng với ý tưởng sáng tạo hoặc để sản xuất ra một chương trình đạt chất lượng.

Vì vậy, có những chương trình đã rơi vào tình trạng dở dang... Cụ thể, sau khi Hồn Việt vận hành được một năm, bà bầu Linh Huyền đã kêu gọi Quỹ đầu tư tài chính Dragon Capital tiếp sức.Tuy nhiên, do không kham nổi chi phí thuê mặt bằng và tiền thù lao diễn viên, trong khi lượng vé bán ra lại không đạt chỉ tiêu nên chị đã quyết định rút về sân khấu IDECAF. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cũng không thể chịu đựng thua lỗ thêm nữa, đành tạm đóng cửa Nhà hát Nón Lá và chỉ tập trung vào nhà hát Rồng Vàng.

Ở góc nhìn của một người đam mê và gắn bó cuộc đời với sân khấu nghệ thuật, ông Huỳnh Anh Tuấn không khỏi ngậm ngùi khi nói rằng: “Trong hành trình giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống đến du khách quốc tế, chúng tôi thực sự cảm thấy đơn độc vì thiếu sự tiếp sức từ phía cơ quan nhà nước. Nếu như có sự hỗ trợ này, chúng tôi có thể an tâm tập trung cho hoạt động nghệ thuật. Tiếc là chúng tôi đang ở trong tình trạng lực bất tòng tâm”.

Lê Ngô Bảo Việt, ông bầu sân khấu du lịch Nét Việt nhận định: “Theo tôi tại Việt Nam hiện nay quá thiếu địa điểm du lịch văn hóa nên du khách chỉ biết giải trí ở quán bar. Nhiều người muốn đầu tư vào sân khấu du lịch như là cách kinh doanh phối hợp với việc tạo ra địa điểm du lịch văn hóa nhưng gặp nhiều khó khăn từ khâu cấp phép, kinh phí đầu tư và nhiều thứ khác. Trong khi đó Việt Nam có những vùng miền với những nét văn hóa đặc thù riêng biệt. Đây là một yếu tố khiến cho sân khấu du lịch rất hấp dẫn nhưng ít người có thể triển khai thành công. Tôi nghĩ Nhà nước nên quan tâm và có những kế hoạch cụ thể để hỗ trợ nhằm thúc đẩy loại hình này”.

Nguyễn Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối