CHÍNH PHONG -
Trong thị trường đồ chơi trẻ em, sản phẩm nhập ngoại hầu như chiếm lĩnh thị trường, cả phân khúc cấp cao với các thương hiệu nổi tiếng, lẫn phân khúc cấp thấp với phổ biến là hàng Trung Quốc. Một vài doanh nghiệp trong nước cũng tham gia vào thị trường này bằng những sản phẩm mang đặc trưng riêng.
Tránh đối đầu trực tiếp
Trẻ em với đồ chơi gỗ tại một cửa hàng Winwintoys của Đức Thành.
Dắt xe ra khỏi một shop đồ chơi trên đường Cộng Hòa, chị Phương Tịnh ở quận Tân Bình (TPHCM) lắc đầu than đồ chơi đắt quá, một bộ búp bê cho bé gái sau khi được giảm 30% cũng có giá hơn 1 triệu đồng. Giá đắt bởi đây là hàng chính hãng Barbie nổi tiếng được nhập khẩu từ nước ngoài. Nếu mua hàng nhái Trung Quốc ở các cửa hàng đồ chơi trên đường Hai Bà Trưng thì giá của bộ búp bê này chỉ trên 100.000 đồng.
Trên thị trường đồ chơi trẻ em, ở phân khúc sản phẩm nhập ngoại đắt tiền hiện có khá nhiều doanh nghiệp là đơn vị phân phối chính thức ở Việt Nam cho các thương hiệu nổi tiếng như Lego, Barbie, Hotwheels, Fisher Price, Vikingtoys… “Trong danh mục phân phối của chúng tôi không có hàng sản xuất trong nước”, ông Phan Hiền, giám đốc bán hàng của nhà phân phối Phương Nga cho biết. Theo ông Hiền, số lượng cửa hàng bán đồ trẻ em, nhà sách xin làm đại lý của Phương Nga vẫn liên tục tăng trên cả nước.
Bên cạnh sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập khẩu chính hãng với giá cao thì ở phân khúc đồ chơi giá thấp lại chủ yếu là sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp trong nước khá chật vật trong nỗ lực chen chân vào thị trường.
Công ty Gỗ Đức Thành lâu nay tham gia thị trường với sản phẩm đồ chơi gỗ mang thương hiệu WinWinToys. Bà Trương Thị Bình, Giám đốc kinh doanh của Đức Thành, cho rằng sản xuất đồ chơi rất phức tạp, đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn về vật lý, hóa học khắt khe, phí kiểm nghiệm cũng cao, vì liên quan đến sức khỏe trẻ em. Mặt khác, khả năng thiết kế mẫu mã mới của các công ty trong nước rất hạn chế. Vì vậy, giá bán đồ chơi trong nước thường bị đội lên cao.
Cũng theo bà Bình, có nhiều món đồ chơi gỗ không thể dùng 100% gỗ được, mà dùng thêm phụ liệu bằng nhựa, vải. Tương tự như vậy, trong món đồ chơi nhựa có cả kim loại. Một công ty gỗ không thể sản xuất phụ liệu nhựa, một công ty nhựa không thể sản xuất phụ liệu kim loại. Muốn có thì phải đặt hàng bên ngoài, mỗi lần đặt sản xuất phụ liệu số lượng nhỏ thì giá thành rất cao.
Vì lẽ đó, nhiều công ty đồ chơi trong nước đã phải từ bỏ khâu sản xuất để chuyên vào phân phối sản phẩm ngoại nhập. Một số công ty đi vào thị trường ngách là sản xuất các đồ chơi cỡ lớn cũng như các thiết bị học tập nhằm cung cấp vào các trường mầm non, mẫu giáo. Còn lại, những công ty đang “thách đấu” với sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập ngoại trên thị trường như Đức Thành hay Chợ Lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Giám đốc một công ty nhựa lớn cho biết số lượng doanh nghiệp sản xuất nhựa gia dụng ở Việt Nam nhiều nhưng “dám” bung sức để lao vào sản xuất đồ chơi chỉ có Công ty Nhựa Chợ Lớn. Một trong những chi phí lớn nhất đối với các công ty sản xuất đồ nhựa là chi phí làm khuôn mẫu. Nếu như một chiếc bình giữ lạnh bằng nhựa chỉ cần khoảng 6-7 khuôn mẫu thì một chiếc ô tô đồ chơi cần đến hàng chục khuôn mẫu.
Khi một bộ đồ chơi nhựa mà bán không chạy, doanh nghiệp chắc chắn sẽ lỗ tiền khuôn mẫu. Để tránh “làm khó” mình, Chợ Lớn chọn sản xuất mặt hàng chủ lực là xe tập đi, xe đạp hai bánh, ba bánh, bốn bánh cho trẻ em. Họ có lợi thế so với các công ty chuyên phân phối xe nhập ở chỗ có gần 400 cửa hàng bán đồ nhựa gia dụng làm đại lý cho họ trên cả nước.
Trong khi đó, gỗ Đức Thành lại chọn phân khúc đồ chơi gỗ, vốn ít bị cạnh tranh bởi hàng nhập. Đến nay riêng đồ chơi gỗ, Đức Thành là doanh nghiệp khá có tiếng trong ngành.
Tập trung vào đồ chơi “sạch”
“Đồ chơi của chúng tôi chỉ được sản xuất theo một quy trình duy nhất, cho cả hàng trong nước lẫn hàng xuất khẩu đi nước ngoài, vì vậy tính an toàn của một món đồ chơi tuân theo các quy định nghiêm ngặt. Khi mọi người đều muốn có thực phẩm sạch trên bàn ăn, thì họ cũng muốn có đồ chơi sạch trên tay con của họ. Và xã hội càng phát triển thì những món đồ chơi trí tuệ, kích thích trí não của trẻ sẽ càng được chào đón”, bà Bình nói.
Về lý do Đức Thành tham gia sản xuất đồ chơi gỗ, bà Bình cho biết đồ chơi gỗ có lợi thế hơn so với đồ chơi nhựa ở chỗ không mất nhiều chi phí cho khâu tạo khuôn mẫu, trong khi nguồn nguyên liệu gỗ cao su (có đặc tính nhẹ, sáng tự nhiên) luôn sẵn, giá thành gỗ thấp vì có thể tận dụng được gỗ vụn thải loại từ quá trình sản xuất những đồ nội thất kích thước lớn.
“Nhưng đổi lại thì tốn nhân công nhiều, vì có nhiều chi tiết trong đồ chơi không thể dùng máy tiện hàng loạt được, mà công nhân phải làm từng cái một, sau đó phải đánh nhẵn góc cạnh từng chi tiết để tránh xước tay trẻ khi chơi. Trước khi sản xuất, gỗ phải qua nung sấy và sau đó là đánh bóng và sơn”, bà Bình nói thêm.
Tuy đứng đầu trong “ngách” sản xuất đồ chơi gỗ nhưng doanh thu đến từ đồ chơi của Đức Thành chỉ đạt 17,3 tỉ đồng, gần 6% trong tổng doanh thu của công ty (năm 2015, doanh thu Đức Thành đạt 295 tỉ đồng); phần chính của doanh thu đến từ các sản phẩm đồ bếp bằng gỗ. Trong doanh thu đồ chơi gỗ thì có 7,3 tỉ đồng từ xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản và châu Âu, chỉ có 10 tỉ đồng từ bán hàng trong nước.
Nhưng công ty này vẫn tự tin mảng đồ chơi gỗ WinWinToys của họ phát triển mạnh trong những năm tới với 600 nhà phân phối ở các nhà sách, siêu thị, cửa hàng đồ chơi, cửa hàng bán đồ cho trẻ em, và sẽ tiến mạnh vào các trường mầm non, mẫu giáo tư thục.