Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Tìm thị trường mới cho thịt heo

Lâu nay, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thịt heo của Việt Nam chỉ tập trung vào xuất khẩu ngắn hạn và thị trường chủ lực vẫn là Trung Quốc. Hiện một số công ty đang tìm cách mở rộng thị trường, nhất là thị trường có tiềm năng lớn như Nga.

Tiềm năng và cơ hội từ Nga

Cách đây hơn 15 năm, Nga là một trong những thị trường xuất khẩu thịt heo chủ lực của Việt Nam. Một trong những công ty xuất khẩu số lượng lớn mặt hàng này sang Nga là Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam. Thịt heo do công ty này xuất sang Nga luôn chiếm 1/3 tổng giá trị xuất khẩu các loại nông sản của họ. Tuy vậy, lượng thịt heo xuất khẩu vào thị trường này cứ giảm dần vì nhiều lý do. Nhưng giờ đây, do những biến động về chính trị, Nga ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt heo từ các nước châu Âu, các nhà xuất khẩu đã tìm cách quay lại thị trường này.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tỉnh có đàn heo lớn nhất cả nước, với những biến động về chính trị tại châu Âu nên Nga đã có lệnh cấm nhập thịt heo ở một số nước thuộc châu Âu, vì thế, để bù đắp sự thiếu hụt, quốc gia này sẽ tìm kiếm nguồn cung từ các nước khác. “Việt Nam cần tận dụng cơ hội để có thể trở lại thị trường Nga trong thời gian tới”, ông Công nói.

Còn khá nhiều thị trường tiềm năng cho ngành chăn nuôi heo của Việt Nam. Ảnh: Ngọc Hùng
Còn khá nhiều thị trường tiềm năng cho ngành chăn nuôi heo của Việt Nam. Ảnh: Ngọc Hùng

Không chỉ có thị trường Nga, một số công ty cũng đã tìm kiếm được thị trường mới nhờ nguồn cung thịt heo sạch, giá thấp. Theo đại diện Công ty Việt Hoa (Hà Nội), hiện công ty đang xuất khẩu heo sữa đông lạnh sang một số thị trường trong khu vực như Hồng Kông, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Indonesia. Hay như mới đây, Công ty Agropark trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) đang tìm hiểu thị trường Nhật Bản để xuất khẩu thịt heo qua thị trường này. Nguồn thịt heo được lấy từ nhà máy D&F, một công ty con của Dofico.

[box type="download"] Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, năm 2013, Việt Nam xuất khẩu được 25.700 tấn thịt heo. Trong đó, thịt heo xẻ là 16.700 tấn, tương đương 205.000 con và heo sữa là 2.200 tấn, tương đương 553.000 con. Tính theo số liệu của Cục Chăn nuôi với tổng đàn heo của cả nước là 27 triệu con thì như vậy, lượng thịt heo xuất khẩu của Việt Nam còn khá nhỏ và còn có thể tăng lên trong thời gian tới.[/box]

Mục tiêu triệu tấn

Để xuất khẩu thịt heo sang những thị trường mới nói trên thì điều đầu tiên là phải giảm giá thành, cách tối ưu nhất theo ông Công là phải chăn nuôi theo hướng công nghiệp và đảm bảo an toàn dịch bệnh. Muốn xuất khẩu thịt heo với số lượng lớn thì bắt buộc ngành chăn nuôi phải có vùng an toàn dịch bệnh, vì như vậy, mới đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt được yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu. Còn hiện nay, năm nào Việt Nam cũng có vài lần dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, vì thế không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đã nhận ra điều này nên mới đây, song song với đề án tái cơ cấu chăn nuôi thì bộ cũng đưa ra đề án thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gia súc và gia cầm giai đoạn 2014-2018. Mục đích là lập ra những khu vực có diện tích rộng lớn được bảo vệ an toàn trước dịch bệnh. Ở đây, người nuôi không phải lo đàn gia súc, gia cầm bị những dịch bệnh cúm, tai xanh, lở mồm long móng như hiện nay. Theo đó, bảy tỉnh phải xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là Nam Định, Thái Bình, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh. Đây là những tỉnh có tổng đàn gia cầm, gia súc lớn nhất nước và là nguồn cung thịt, trứng cho hai thị trường lớn là Hà Nội và TPHCM, đồng thời về lâu dài sẽ hướng đến xuất khẩu.

Cũng theo đề án này, đến năm 2020, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu một triệu tấn heo hơi, tương đương 700.000 tấn heo thịt. Tuy nhiên, mục tiêu này có đạt được không hay chỉ là những con số thì còn phụ thuộc vào việc ngành chăn nuôi có hạ được giá thành. “Hiện giá thành heo hơi của những nước như Canada, Mỹ chỉ khoảng 35.000 đồng/kg, trong khi của Việt Nam cao hơn 7.000-10.000 đồng/kg. Khi giá thành cao thì chúng ta khó nói đến chuyện xuất khẩu”, ông Công nói.

Ngọc Hùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối