Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Tìm thị trường ngách để cạnh tranh với hàng hiệu

Vũ Yến-

Từ tháng 9-2016 tới nay, một số thương hiệu thời trang giá thấp, được gọi là “hàng hiệu bình dân”, của nước ngoài chen chân vào thị trường Việt Nam. Đi với đó là sự cạnh tranh ở phân khúc này trên thị trường thêm gay gắt, sôi động hơn. Các đơn vị sản xuất trong nước đang phải đối mặt với nhiều thử thách hơn, song nhiều doanh nghiệp vẫn tự tin, cho rằng vẫn có những “ngách” để phát triển.

Hàng ngoại đổ bộ

Ngày 9-6 vừa qua, thương hiệu thời trang Old Navy của Mỹ đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi, quận 1, TPHCM. Đây là thương hiệu thuộc sở hữu của Tập đoàn Gap Inc. với hệ thống hơn 1.000 cửa hàng trên toàn thế giới. Tại cửa hàng ở Việt Nam, Old Navy giới thiệu các sản phẩm chủ đạo từ trang phục và phụ kiện cho cả nam lẫn nữ, từ lớn tuổi đến trẻ em.

Trước đó, ngày 8-9-2016, cũng tại Vincom Đồng Khởi, thương hiệu thời trang nổi tiếng Zara của Tây Ban Nha đã ra mắt người tiêu dùng Việt Nam bằng một cửa hàng có tổng diện tích 2.400 m2. Sự xuất hiện của Zara đã tạo nên một “cơn sốt” với người tiêu dùng Việt Nam, thể hiện qua doanh số bán hàng chỉ trong ngày đầu khai trương là 5,5 tỉ đồng. Được biết, đây cũng là mức doanh số kỷ lục trên toàn thế giới trong ngày đầu khai trương của tập đoàn thời trang này. Từ cửa hàng đó, bắt đầu từ tháng 4-2017 vừa qua, Zara triển khai bán hàng online trên trang web tiếng Việt.

Theo thông tin mới nhất, ngày 7-7 tới đây, thương hiệu thời trang của Thụy Điển là Hennes & Mauritz AB (viết tắt H&M), vốn nổi tiếng thế giới và rất quen thuộc với nhiều tín đồ thời trang trong nước, sẽ có buổi ra mắt bộ sưu tập Thu-Đông 2017 lần đầu tiên tại Việt Nam. Nhiều khả năng đi theo đó sẽ là việc khai trương cửa hàng đầu tiên.

Hình ảnh quảng cáo của H&M cũng đã xuất hiện trên bảng quảng cáo tại mặt tiền của trung tâm thương mại này. Được biết, diện tích cửa hàng H&M sẽ mở tại TPHCM khoảng 2.200 m2 gồm hai tầng, với gần như đầy đủ các dòng thời trang basic (cơ bản) của hãng.

Ngoài ra, theo thông tin trên một trang tin tuyển dụng, nhãn hàng thời trang Nhật Bản Uniqlo đang trong quá trình tuyển dụng nhân lực, chuẩn bị cho việc bước vào thị trường Việt Nam với thương hiệu Forever 21 (F21) trong năm 2017 này.

Đó là chưa kể, từ lâu, nói tới hàng hiệu bình dân thì người tiêu dùng Việt Nam đã biết và không ít người trong số họ chọn các thương hiệu như Gap, Mango, Ralph Lauren, Warehouse, CK, Oasis.

 

Giữ chân khách hàng

Chị Phan Thạch Thứ Lynh, chủ thương hiệu thời trang Miky, cho biết thị trường thời trang tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng vốn cạnh tranh gay gắt trước sự đổ bộ của các thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới nay sẽ khốc liệt hơn. Do đó, nỗi lo lắng của những đơn vị sản xuất, kinh doanh trong nước như chị là không tránh khỏi.

Tuy nhiên, theo chị Lynh, mặc dù nói là thời trang hàng hiệu bình dân nhưng trên thực tế, nếu so với thu nhập của người tiêu dùng bình dân, hay thậm chí giới văn phòng có thu nhập ở mức trung bình khá thì dòng thời trang đó vẫn ở mức cao. Ví dụ, như một chiếc áo, đầm của Zara cũng phải ở mức 1,5-1,8 triệu đồng, áo sơ mi kiểu, áo thun kiểu cũng có giá 700.000-800.000 đồng/áo; hay một cái áo thun trẻ em thương hiệu Old Navy cũng ở mức 700.000 đồng/sản phẩm.

Với mức giá đó, theo chị Lynh, những sản phẩm thời trang của các thương hiệu nước ngoài vẫn dành cho một phân khúc người tiêu dùng nhất định. Nói cách khác, những thương hiệu thời trang trong nước vẫn có đối tượng khách hàng riêng của mình.

Chi Lynh cho biết, khi các thương hiệu nước ngoài đổ bộ ồ ạt, chị cũng khá lo lắng. Nhưng trên thực tế, doanh thu của chị trong những tháng vừa qua không giảm. “Điều này cho thấy, nếu các thương hiệu thời trang trong nước có hướng đi riêng, xây dựng hình ảnh và xây dựng thương hiệu tốt, tất nhiên sản phẩm phải chất lượng, giá cả cạnh tranh thì vẫn tồn tại và phát triển ổn định. Chúng ta có lợi thế là hiểu thị hiếu, hình thể người tiêu dùng, điều mà không hẳn là các thương hiệu nước ngoài có vậy thì chúng ta cứ tự tin phát triển dòng sản phẩm của mình”, chị Lynh nhận định.

Ông Nguyễn Tiệp, phụ trách truyền thông của Tập đoàn Thời trang Nem, cho biết thị trường thời trang trong nước vốn cạnh tranh gay gắt, nay có thêm sự xuất hiện của nhiều thương hiệu thời trang có uy tín, bề dày phát triển của nước ngoài thì ắt hẳn sự cạnh tranh đó càng tăng lên.

Tuy nhiên, ông Tiệp cũng cho rằng, mỗi thương hiệu có đối tượng khách hàng riêng và Nem với đối tượng khách hàng nữ công sở, mức thu nhập trung bình khá và những đường hướng phát triển đã được chuẩn bị sẵn thì sự đổ bộ của các thương hiệu nước ngoài thực tế cũng không quá đáng lo ngại.

“Cho tới nay, Nem đã có 50 cửa hàng trên toàn quốc, và trong năm nay sẽ mở thêm 5-10 cửa hàng nữa. Hiện nay, doanh số bán vẫn tốt, nên chúng tôi tự tin phát triển ở phân khúc khách hàng mà mình hướng tới”, ông Tiệp nói thêm.

Theo đại diện một thương hiệu thời trang không muốn nêu tên, thị trường thời trang Việt Nam chia thành các phân khúc cao cấp, trung bình và bình dân. Trong đó, phân khúc hàng hiệu cao cấp thì các thương hiệu Việt Nam gần như không có chỗ đứng, không thể cạnh tranh với các hãng như CK, Ted Bakaer, Gucci, D&G…

Ở phân khúc trung bình khá, nếu để chọn một cái tên có thể đứng chung, được người tiêu dùng đánh giá tương đương về chất lượng sản phẩm cũng như giá trị thương hiệu như Zara, Mango, Gap, Old Navy, H&M thì hầu như cũng không có. Thực ra cũng có một số tên tuổi như Ninimax, PT 2000, Blue Exchange, Ha Gattini, Việt Thy… một thời cũng rất phát triển, nhưng dường như ít có sự thay đổi cả về mẫu mã lẫn chất lượng. Việc xây dựng phát triển hình ảnh dường như cũng chững lại, nên còn lâu mới tạo thành “đế chế” thời trang như Zara, H&M…

Ở phân khúc hàng bình dân thì doanh nghiệp Việt Nam khá chật vật, thậm chí nhiều doanh nghiệp than thở họ không đấu lại được với hàng giả, hàng nhái, hàng không nhãn mác xuất xứ cả trong nước và Trung Quốc.

Cũng theo vị đại diện này, hiện nay trên thị trường xuất hiện dòng thời trang do các doanh nghiệp, cá nhân trong nước tự thiết kế, giá tương đối bình dân được người tiêu dùng khá chú ý, đón nhận. Tuy nhiên, đó là một thị trường ngách để phát triển, chứ để vươn lên như nhiều thương hiệu nước ngoài khác thì cuộc hành trình còn rất dài.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, cho rằng nếu nói sự đổ bộ của các thương hiệu thời trang nước ngoài vào Việt Nam khiến cho sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt hơn cũng đúng nhưng chưa hoàn toàn đủ. Lý do là hiện nay, phần lớn doanh nghiệp có tên tuổi trong nước quan tâm đầu tư phát triển thị trường xuất khẩu, ít quan tâm đầu tư phát triển, xây dựng thương hiệu thời trang trong nước. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thời trang tiêu thụ trong nước thì lại không nằm ở phân khúc hàng hiệu giá bình dân. Các doanh nghiệp này chủ yếu cạnh tranh với hàng thời trang giá rẻ sản xuất trong nước, hàng nhái, hàng giả thương hiệu xuất xứ Trung Quốc.

“Để tạo được những sản phẩm thời trang mang giá trị, khẳng định được thương hiệu thì doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư xây dựng thương hiệu lâu dài, bền bỉ”, ông Hồng nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối