(SGTT) - Câu lạc bộ Liên thế hệ Cồn Sơn (còn gọi là khu du lịch Cồn Sơn), Cần Thơ sẽ phục dựng, tái hiện lại nếp sống xưa, đưa du khách tìm về ký ức để phục vụ khách du lịch.
- Thầy giáo trẻ và lớp học tiếng Anh cho bà con làm du lịch ở Cồn Sơn
- Về Cồn Sơn, “nhấm nháp” chín món bánh miền Tây dân dã
- Về Cồn Sơn thưởng thức bánh trái nhà vườn
Chị Phan Kim Ngân, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết, hành trình này sẽ có 5 trải nghiệm gắn với phong tục tập quán xưa, đan xen là câu chuyện của những người Cồn Sơn đã và đang sinh sống tại đây.
Theo chị Ngân, du khách khi đến với Cồn Sơn sẽ được trải nghiệm nhiều hơn trước. “Một trong những nét mới của sản phẩm chính là du khách sẽ tự tay chế biến những loại bánh dân gian để thưởng thức”, chị Ngân chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị.
Cũng theo chị Ngân, trước đây, du khách tới Cồn Sơn ít khi phải tự tay làm bánh. Nay, Câu lạc bộ Liên thế hệ Cồn Sơn sẽ thay đổi, để du khách được tự tay làm dưới sự hướng dẫn của người dân nơi đây.
“Chúng tôi hy vọng rằng, sau chuyến du lịch từ Cồn Sơn trở về, du khách ít nhiều cũng sẽ biết cách làm một vài loại bánh dân gian Nam bộ”, chị Ngân nói.
Hay như tại bè cá Bảy Bon, sau khi nghe ông Lý Văn Bon, chủ bè cá chia sẻ về tập tính, vòng đời sinh trưởng của từng loài cá, du khách sẽ được tự tay thả những con cá con (cá nhỏ) trở về sông như một cách góp phần gìn giữ và bảo tồn môi trường sống tự nhiên.
Hành động thả cá con về môi trường tự nhiên trước đây khu du lịch chưa đưa vào phục vụ khách. Nay, như là một trong những hoạt động khơi gợi ý thức và đáp ứng tiêu chí hoạt động du lịch gắn với trách nhiệm môi trường của bà con Cồn Sơn.
Bên cạnh đó, du khách còn được chứng kiến và có thể trải nghiệm đan võng hay học cách đan giỏ từ những sợi dây chuối cùng vợ chồng chủ nhà Lê Văn Tám để một lần thử nghiệm cuộc sống thôn quê Nam bộ thời xưa.
Theo chú Tám, những chiếc võng được làm từ sợi dây chuối thường tốn rất nhiều thời gian dù chắc chắn và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên khá kỳ công nên ngày nay cũng không mấy người làm, nhiều người vì thế cũng không biết đến vật dụng này, cũng có người từng biết nhưng quên mất.
Tiếp dòng câu chuyện tìm về ký ức ở Cồn Sơn, du khách sẽ được sử dụng các nông cụ như nơm, lờ, lọp… để trải nghiệm làm nông dân và tát mương bắt cá khi đến nhà vườn Thành Tâm.
Theo chị Lê Thị Bé Bảy, người khởi xướng thành lập câu lạc bộ, khép lại hành trình tìm về ký ức ở Cồn Sơn là bữa cơm quây quần ấm cúng với những món ăn dân dã và nghe đờn ca tài tử tại nhà vườn Song Khánh.
“Mong muốn đưa nghệ thuật truyền thống Nam bộ đến gần với du khách, phần trình diễn đờn ca tài tử có sự tham gia của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ với chương trình được xây dựng phù hợp với không gian miệt vườn, gần gũi du khách”, chị Bé Bảy chia sẻ.
Với chủ đề tour “Cồn Sơn hồi đó”, sản phẩm không phải mới hoàn toàn. Tuy nhiên, dựa trên nền tảng của những điều cũ, người dân ở Cồn Sơn đang làm mới, nâng chất, trau chuốt và tạo nên nét riêng bằng những câu chuyện. Ðó chính sự thích ứng nhằm nâng giá trị sản phẩm du lịch địa phương, thể hiện sự năng động của người làm du lịch trong bối cảnh mới.
Nguyễn Nam