(SGTTO) - Trong các địa danh của Cần Thơ quê tôi, Ô Môn là địa danh mà tôi còn mù mờ, thắc mắc không biết tại sao nơi này lại mang tên như vậy.
- Tháng 9 về miền Tây ăn đặc sản mùa nước nổi
- Trải nghiệm miền Tây sông nước ở Nông trại Hải Vân, sân chim Vàm Hồ
Từ chỗ tò mò, tôi đã hỏi nhiều người ở nhiều nơi nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu, thậm chí tỏ ra khó hiểu tại sao tôi lại thắc mắc về điều này. Nhưng nhờ chuyến đi bất ngờ, tôi đã được giải thích về tên gọi Ô Môn.
Ô Môn là biến âm của từ Umk Mon - một từ cổ của người Khmer xưa đặt riêng cho vùng đất này. Về ý nghĩa, thượng tọa Hoàng Kim Lý Hùng - cố vấn khoa học ngôn ngữ văn hóa Kh’mer, lý giải rằng Umk Mon chỉ vùng đất hoang chó sủa nhưng không thấy bóng người.
Tôi lại nhớ chuyện cách đây chừng 35 năm, vì quê ở Cần Thơ nên tôi từng lon ton đạp xe tới Ô Môn với hai cô bạn thân cùng xóm. Trong trí nhớ của tôi, Ô Môn cũng không có gì đặc biệt, cả đám bạn gặp nhau ăn chè đậu rồi đi về. Có lẽ do hồi còn nhỏ đã quá quen thuộc với vườn cây, ruộng lúa và sông rạch nên không buồn chú ý cảnh vật đẹp hay không.
Rồi Ô Môn “bỗng dưng” nổi tiếng bởi tin đồn khúc sông chỗ vàm Thới An có một cái cồn ẩn hiện. Có một lần, chiếc ghe bầu bị mắc cạn ngay khúc này, mọi người phải nhào xuống đẩy ghe ra. Lúc bấy giờ người ta thấy có một cô gái đẹp đến chung vai đẩy giúp.
Khi ghe hết mắc cạn, mọi người mới sực nhớ đi tìm cô gái thì không thấy đâu. Ngạc nhiên hơn là trước đó có vài người bị bệnh trên ghe bỗng nhiên hết bệnh. Vậy là tin đồn cô tiên hiện xuống giúp dân chữa bệnh lan ra nhanh như chớp.
Chỉ trong vòng một tuần, thiên hạ rùng rùng kéo tới khúc sông này tắm và múc nước về uống với niềm tin, đến cồn Tiên tắm sông sẽ hết bệnh.
Lần này về lại Ô Môn, lòng tôi lại lan man những hồi ức ngày nhỏ, khi từng đọc những tác phẩm đậm chất Nam bộ của nhà văn Hồ Biểu Chánh: Cư Kỉnh, Nợ đời, Con nhà nghèo, Một đời tài sắc… Rồi chợt nhớ, nhà văn này hay viết những chi tiết về xứ Ô Môn nên tôi lần mò dở trang sách xưa mới hay ông từng là chủ quận (quận trưởng) nơi này.
Hèn chi, nhà văn Nam bộ này biết rành rẽ các con rạch như Phê , Ca My, Ba Rích, tắc Ông Thục, vàm Chùa, vàm Ô Môn... Đồng thời ông cũng mô tả lại lối sống, nét văn hóa kiêm các tập tục của bà con người Hoa, Khmer và Việt cùng hòa hợp tại mảnh đất yên lành với bao câu chuyện giản dị nhưng thấm tình người.
Khi xe băng qua cầu Ô Môn để đến đình Thới An nằm ngay đầu vàm, tôi cũng chợt nhớ ra sử xưa ghi rằng, Chưởng cơ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã từng đặt bước đến vàm sông này để khảo sát. Ông đã đặt một đồn binh nhằm bảo vệ dân chúng trên cả tuyến đường bộ và đường thủy.
Sau khi Nguyễn Hữu Cảnh mất, nhằm ghi nhớ công đức cao dầy mà ông đã tạo lập cho đất và người miền Tây, cư dân đã lập đình thờ cúng, tôn ông là thượng đẳng thần với các nghi thức cúng tế đậm sắc màu văn hóa vùng miền. Năm 1852, vua Tự Đức chính thức ban sắc tứ Thần hoàng bổn cảnh cho đình Thới An và ghi tên vào sử sách.
Đứng tại đầu vàm trong cái nắng chói chang buổi trưa, tôi dõi mắt nhìn những con tàu ngược xuôi sông nước, ngẫu hứng ngửa mặt ngắm những bông điệp vàng rụng lả tả như mưa khi như cơn gió lồng lộng thổi giúp giải nhiệt cái nóng mùa hè.
Thấp thoáng trong tầm mắt, khu cồn Tiên nay đã nổi cao, tạo nên một vệt dài trên sông đậm đầy những mảng xanh pha trộn vào nhau. Lần trở lại Ô Môn này đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc bâng khuâng, mến nhớ.
Dương Thuỷ