Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Tín hiệu vui cho chuỗi vận tải xanh

Năm 2021 qua đi, đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động vận tải, trong đó có ngành hàng hải. Tuy nhiên, tổng sản lượng hàng hoá qua cảng biển vẫn giữ được đà tăng, trở thành điểm sáng của nền kinh tế.

Chuỗi Vận tải Xanh ra đời là xu hướng tất yếu trong ngành hàng hải, là giải pháp để thay thế những thói quen, phương pháp làm việc và mô hình sản xuất không còn phù hợp với điều kiện “bình thường mới”. ICD Tân Cảng - Quế Võ là mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics xanh khu vực phía Bắc.

Cảng container quốc tế Tân Cảng – Hải Phòng (TC-HICT)

Theo thống kê từ Cục Hàng hải Việt Nam, trong 11 tháng năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt 647 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng xuất khẩu ước đạt gần 168 triệu tấn, tăng 4%; hàng nội địa đạt 278 triệu tấn, tăng 6%; riêng hàng container ước đạt sản lượng thông qua hơn 22 triệu TEU, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước…

Tại miền Bắc, sản lượng hàng container thông qua các cảng khu vực Hải Phòng tăng 14% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng thông qua cảng cửa ngõ container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) trong 10 tháng đầu năm đạt gần 570.000 TEU, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020, đây là thành quả của những nỗ lực không biết mệt mỏi trong công cuộc kết nối lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy của cán bộ, công nhân viên trong ngành khai thác cảng biển. Vai trò của cảng nước sâu tại khu vực Hải Phòng trong chuỗi cung ứng hàng hóa phía Bắc đã được khẳng định, theo đó, nhu cầu cấp thiết đặt ra là cần đa dạng hóa vận tải nội địa trong bối cảnh vận tải đường bộ đang quá tải, đặc biệt khi hoạt động sản xuất của các nhà máy ổn định trở lại trong năm 2022.

Trong thời gian qua, những khó khăn, ách tắc, ùn ứ trong vận tải đường bộ do thực hiện giãn cách phòng, chống dịch Covid-19 đã buộc các doanh nghiệp phải hướng đến việc tìm kiếm giải pháp vận tải thay thế - vận tải thủy nội địa, tận dụng lợi thế tự nhiên từ tuyến sông Cấm - sông Kinh Thầy - sông Đuống. Hiện nay, Công ty Bắc Kỳ đang khai thác sà lan với sức chở 2.000 DWT (tương đương 120 TEUs) lên đến cảng Tri Phương (Tiên Du, Bắc Ninh), hay Công ty Vận tải Thuỷ Tân Cảng (VTT TC) - thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn - đang khai thác sà lan loại 1.500 DWT (tương đương 72 TEUs) lên đến ICD Tân Cảng - Quế Võ (Quế Võ, Bắc Ninh) và cảng Dabaco Tân Chi (Tiên Du, Bắc Ninh). Cũng theo kết quả khảo sát thực tế của ICD Tân Cảng - Quế Võ (thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) thì tuyến luồng từ ICD Tân Cảng - Quế Võ (ICD TCQV) đi các cảng khu vực Hải Phòng có thể vận hành được sà lan lên đến 3.000 DWT, tương đương với sức chở 160 teu quanh năm, không phụ thuộc vào điều kiện thuỷ văn theo mùa.

Ở khía cạnh môi trường, lợi ích của sà lan được thể hiện thông qua lượng nhiên liệu tiêu thụ trên mỗi tấn hàng vận chuyển (cùng 1 lít nhiên liệu để chuyên chở cùng 1 tấn hàng, sà lan có thể đi được 85 km trong khi xe đầu kéo chỉ có thể di chuyển 1 khoảng cách xấp xỉ 10 km). Mặt khác, vận chuyển bằng sà lan thường cách xa các khu vực dân cư đông đúc, giúp giảm thiểu vấn đề tiếng ồn, ô nhiễm môi trường dân cư, phù hợp với quy hoạch đô thị hóa của các tỉnh thành phố.

Phát huy năng lực và lợi thế của nhà khai thác cảng hàng đầu Việt Nam

Tận dụng lợi thế tự nhiên về luồng lạch, lợi thế về kết nối giao thông đường bộ (kết nối trực tiếp với quốc lộ 17 và 18), đón đầu xu hướng chuyển dịch sang sử dụng các giải pháp logistics xanh, từ cuối năm 2018, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCT TCSG) đã cùng với doanh nghiệp địa phương tiến hành đầu tư ICD Tân Cảng - Quế Võ trên địa bàn huyện Quế Võ, Bắc Ninh với quy mô ban đầu gần 10 ha bãi chứa container và 5 bến có thể đón sà lan lên đến 3.000 DWT (tương đương 160 teu), với năng lực thông qua đạt 700.000 TEUs/năm.

ICD Tân Cảng - Quế Võ, mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics xanh khu vực phía Bắc

Ngày 19-8-2021, Cảng cạn Tân Cảng - Quế Võ được Bộ GTVT chính thức công bố. Ngay sau đó, ngày 28/09 Bộ Tài Chính công nhận địa điểm làm thủ tục hải quan tại đây. ICD Tân Cảng - Quế Võ là cảng cạn được trang bị hệ thống trang thiết bị, công nghệ điều hành và khai thác đồng bộ, hiện đại; là địa điểm làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất nhập khẩu với đầy đủ chức năng. Cảng cạn Tân Cảng - Quế Võ hứa hẹn sẽ là điểm tập kết thuận lợi cho container (cả hàng và rỗng), điểm thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh thành trong khu vực, đặc biệt là Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, những tỉnh có chung cục hải quan.

Trong chuyến thăm và làm việc tại ICD Tân Cảng - Quế Võ ngày 5-1-2021, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang biểu dương, đánh giá cao tầm nhìn chiến lược của ban lãnh đạo TCT TCSG trong phát triển ICD khu vực phía Bắc, cũng như nỗ lực xây dựng “chuỗi vận tải xanh” giữa ICD TCQV và Công ty VTT TC. Ông coi đây là “đột phá khẩu” cho định hướng phát triển của phương thức vận tải thủy phía Bắc và đề nghị TCT TCSG tiếp tục đẩy mạnh vận tải đường thủy, vừa tận dụng mạng lưới sông ngòi, vừa chia sẻ áp lực vận tải đường bộ.

Thứ Trưởng Nguyễn Xuân Sang biểu dương, đánh giá cao thành tựu của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và ICD Tân Cảng - Quế Võ

Mang giá trị đến khách hàng và đảm bảo sự phát triển bền vững

Hoạt động của cảng cạn Tân Cảng - Quế Võ và các cảng sông khác như Tri Phương, Dabaco sẽ gắn liền với hoạt động vận chuyển container bằng sà lan trên tuyến đường thủy nội địa sông Cấm - sông Kinh Thầy - sông Đuống. Với lợi thế kết nối giao thông thuận lợi cả đường thuỷ và đường bộ sẽ đảm bảo đem lại cho các doanh nghiệp trong khu vực giải pháp logistics ổn định, bền vững, thân thiện với môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, việc sử dụng dịch vụ sà lan và làm thủ tục thông quan, giao nhận hàng hoá tại cảng sông gần nhà máy sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất, rút ngắn thời gian giao nhận và giảm thiểu rủi ro đối với hàng hóa. Đặc biệt, với năng lực vận tải lớn và những chính sách ưu đãi hợp lý, vận chuyển sà lan sẽ đem lại cho khách hàng lựa chọn hoàn hảo để từng bước cắt giảm chi phí logistic…

Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Phát triển vận tải thủy nội địa cũng là góp phần thúc đẩy phát triển ngành vận tải thủy nói riêng và phát triển kinh tế xanh nói chung để góp phần phát triển nền kinh tế đất nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối