Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Tính chuyện áp giá trần ở bệnh viện công

Bình An -

Hiện nay, Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo thông tư về khám chữa bệnh theo yêu cầu ở các bệnh viện công, trong đó sẽ đưa ra những điều kiện về cơ sở vật chất và rà soát lại mức giá khám chữa bệnh để đưa ra mức giá trần hợp lý nhất cho dịch vụ này. Tuy nhiên, một số lãnh đạo bệnh viện cho biết, hiện nay các bệnh viện công đã tự chủ về tài chính thì cũng nên để bệnh viện quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Công-tư lẫn lộn

Tại các bệnh viện công ở TPHCM, các dịch vụ khám chữa bệnh được mở ra nhằm tăng thêm nguồn thu cho bệnh viện, quan đó nâng cao đời sống cho nhân viên y tế. Các dịch vụ khám theo yêu cầu, đặt lịch hẹn trước hay khám VIP đang phát triển mạnh ở hầu hết các bệnh viện, một phần là do tình trạng quá tải bệnh viện hiện nay.

Mặt khác, dịch vụ này cũng đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế, những người bệnh sẵn sàng trả tiền khám chữa bệnh cao để được chọn bác sĩ khám, được ngồi phòng máy lạnh với ghế nệm, được chăm sóc chu đáo, khác hoàn toàn với các khu vực khám truyền thống luôn quá tải, nóng bức.

Ghi nhận thực tế cho thấy, giá dịch vụ y tế khám chữa bệnh theo yêu cầu hiện nay khá cao, từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng/lượt khám; giá dịch vụ mổ theo đăng ký một ca bệnh đơn giản cũng từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Một ca bệnh điều trị tại bệnh viện quận Thủ Đức. Ảnh: Bình An

Một bác sĩ đã từng làm việc trong bệnh viện công, nay ra mở phòng khám tư nhân nhận định, Nhà nước cần phải tách bạch trong việc quản lý khu khám bệnh dịch vụ trong bệnh viện công với khu vực do Nhà nước đầu tư. Hiện nay, các hoạt động này đang nhập nhèm công - tư và lợi dụng vốn nhà nước để tăng thu nhập cá nhân.

Hiện nay, nhiều bệnh viện công lớn mở ra dịch vụ khám ngay trong giờ hành chính cũng là không đúng, là sai quy định, bởi thời gian ấy Nhà nước trả lương để thực hiện việc khám bệnh cho bệnh nhân nói chung. Nếu muốn khám dịch vụ thì bệnh viện phải bố trí ngoài giờ.

Tại một bệnh viện chuyên khoa sản ở TPHCM, chi phí giường nằm trong phòng dịch vụ theo yêu cầu cũng có nhiều loại, từ 200.000 đồng/giường/ngày đến 2 triệu đồng/giường/ngày… Điều đáng nói là giá của các phòng dịch vụ đều do bệnh viện đề ra, chứ chưa có văn bản nào của Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể.

Sẽ áp giá trần

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính - Bộ Y tế, đã là bệnh viện công, được ưu đãi về đầu tư đất đai và cơ sở vật chất kỹ thuật thì không thể muốn định giá khám chữa bệnh thế nào thì định giá mà phải có sự quản lý giá của Nhà nước. Do đó, Bộ Y tế sẽ đưa ra các điều kiện về cơ sở vật chất và quy định giá sát với tình hình kinh tế thực tế của từng địa phương. Bộ Y tế hiện đang xây dựng mức giá trần cho các dịch vụ này, nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ tương xứng với chất lượng của đơn vị y tế.

Cụ thể, quy định diện tích phòng dịch vụ phải rộng từ 12m2 (loại đặc biệt với 1 giường bệnh) đến 28 m2 (loại III với 4 giường/phòng). Phòng phải có các thiết bị y tế như giường bệnh cấp cứu, tủ đầu giường, bàn đỡ trên giường bệnh, máy thở, monitor (màn hình), ôxy đầu giường, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, hệ thống báo gọi y tế. Phòng điều trị theo yêu cầu cũng phải kèm theo các thiết bị sinh hoạt như tivi, tủ lạnh, máy lạnh, bình đun nước uống và ấm chén, bàn ghế ngồi cho người nhà, điện thoại - internet, chăn drap nệm, quạt cây (quạt trần). Đặc biệt, tại các phòng bệnh yêu cầu có 1 bác sĩ/4 giường bệnh và 1 điều dưỡng/giường bệnh phục vụ 24/24 giờ.

Giá khám bệnh theo yêu cầu tại các tỉnh/thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM tối đa 300.000 đồng/lần khám; tại các tỉnh thành phố khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ tối đa 250.000 đồng/lần khám. Các các tỉnh, thành còn lại tối đa 200.000 đồng/lần khám. Ở các cơ sở chất lượng cao, mức thu tối đa không quá 2 lần mức nêu trên.

Giá giường bệnh (tính theo đầu giường mỗi ngày) của phòng điều trị theo yêu cầu được quy định ở mức 3 triệu đồng đối với phòng đặc biệt, từ 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng đối với phòng một giường đến loại III và 600.000 đồng đối với phòng 4 giường. Mức giá tương ứng tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ lần lượt là 1,8 triệu đồng, từ 600.000-900.000 đồng, 450.000 đồng, các tỉnh còn lại lần lượt là 1,2 triệu đồng, từ 400.000-600.000 đồng và 300.000 đồng.

Theo lãnh đạo của một số bệnh viện công tại TPHCM, Nhà nước nên quy định giá khám chữa bệnh theo diện bảo hiểm y tế, còn hiện nay giá dịch vụ khám theo yêu cầu nên để cho bệnh viện tự quy định vì “khám theo yêu cầu của bệnh nhân”, bệnh viện cũng đầu tư cơ sở vật chất và kêu gọi xã hội hóa đầu tư nên giá cao là chuyện đương nhiên.

Tuy nhiên, theo ông Nam Liên, nếu không có những quy định chặt chẽ cho loại hình dịch vụ này sẽ khó tránh khỏi tình trạng bệnh viện chỉ tập trung đầu tư cho các dịch vụ theo yêu cầu để tăng nguồn thu một cách nhanh chóng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối