Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Tình dân tộc trong nghệ thuật

NGUYỄN HUY -

Chương trình Bầu Trời Xanh với bốn trích đoạn cải lương lịch sử do các nghệ sĩ tên tuổi và các cháu thiếu nhi trình diễn đã ra mắt tại rạp Công Nhân (30 Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM). Sự sống động của các tiết mục thực sự trở thành bài học lịch sử hấp dẫn đối với công chúng trong tình cảnh mà môn sử học đang ít hấp dẫn với học sinh và cộng đồng lên tiếng than phiền khô khan lâu nay.

Chương trình này do nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) đạo diễn Hoa Hạ giữ vai trò chủ đạo, còn soạn giả Hoàng Song Việt và đạo diễn Lê Trung Thảo giữ vai trò hỗ trợ. Diễn viên chính của nhóm là các em thiếu nhi, con cháu của những nghệ sĩ tên tuổi. Mục đích của dự án này là dạy cải lương cho thế hệ trẻ theo lối truyền nghề mà các đoàn cải lương ngày xưa từng làm, hay sau này nhóm Đồng Ấu Bạch Long từng thành công.

Đau đáu với lịch sử nước nhà

Tuy mục tiêu chính mà ban tổ chức nhắm đến là muốn tạo ra một thế hệ tiếp nối cho cải lương, nhưng phương cách thực hiện lại đạt được mục đích kép. Đó là dùng cải lương để khơi gợi lòng kính trọng của khán giả đối với tiền nhân và yêu quý những trang sử hào hùng của dân tộc. Trong ngày diễn ra mắt (27-6-2015), trong bốn tiết mục thì đã có ba trích đoạn lịch sử gồm Bến Bình Than, tôn vinh tinh thần yêu nước của anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản; trích đoạn Gió lộng cờ lau nhắc lại sự dũng mãnh phi thường của Đinh Bộ Lĩnh; và trích đoạn Tự Đức dâng roi cho khán giả biết thêm về lòng hiếu thảo của một vị vua.

Cảnh trong vở Gió hoàng cung được đầu tư và dàn dựng tại sân khấu Nụ Cười Mới.
Cảnh trong vở Gió hoàng cung được đầu tư và dàn dựng tại sân khấu Nụ Cười Mới.

Tài năng của các ngôi sao cải lương như Tú Sương, Lê Hồng Thắm, Điền Trung, Lê Trung Thảo phối hợp với các diễn viên nhí tạo nên sự sống động cho từng tiết mục. Điều này giúp cho người xem cảm nhận tốt thông điệp mà đạo diễn muốn chuyển tải. “Lịch sử Việt Nam quá đẹp nhưng nghệ thuật ít đề cập đến nên chúng tôi muốn sử dụng cải lương làm kênh chuyển tải các bài học lịch sử đến với khán giả trẻ, nhất là trẻ em. Bằng cách này, chúng tôi muốn góp sức tạo nên động lực giúp cho thế hệ tiếp nối trân trọng lịch sử của dân tộc”, đạo diễn Hoa Hạ cho hay.

Được biết Bầu Trời Xanh sẽ diễn định kỳ vào lúc 9 giờ sáng ngày Chủ nhật tại rạp Công Nhân. Sau khi nhà hát 5B Võ Văn Tần xây dựng xong thì chương trình sẽ dời về đây. Bên cạnh đó, nhà tổ chức muốn phối hợp với ngành giáo dục TPHCM để đưa các vở diễn vào trường học.

Gần như ngay cùng thời điểm, diễn viên trẻ Phan Công Triển đã dựng vở kịch tốt nghiệp Gió hoàng cung của tác giả Huỳnh Tuấn Anh tại trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM. Vở diễn này được danh hài Hoài Linh xem xét để dàn dựng phục vụ tại sân khấu Nụ Cười Mới vào thời gian tới.

Lý do Hoài Linh muốn làm kịch lịch sử là vì thể loại này còn quá thiếu trong môi trường nghệ thuật Việt Nam, ngược lại, trên các kênh truyền hình chiếu quá nhiều phim lịch sử Hàn Quốc và Trung Quốc. Điều này vô tình góp phần giúp cho khán giả trẻ biết sử nước ngoài nhiều hơn sử Việt.

Vượt qua thử thách

Nghệ sỹ Tú Sương và con gái Hồng Quyên trong trích đoạn Bến Bình Than.
Nghệ sỹ Tú Sương và con gái Hồng Quyên trong trích đoạn Bến Bình Than.

Theo nhiều người trong nghề, lý do mà các đơn vị nghệ thuật không mặn mà với đề tài lịch sử bởi đây là thể loại khó làm, rất tốn công sức, tiền bạc nhưng lại khó hấp dẫn người xem. Soạn giả Huỳnh Tuấn Anh cho biết: “Để hoàn thành một kịch bản lịch sử có khi tôi phải đọc hơn 10 quyển sách sử để đảm bảo tính chính xác. Sau đó là thời gian chiêm nghiệm để xác định được tính cách nhân vật, xây dựng cốt truyện và mất nhiều thời gian để viết. Trong khi đó, viết kịch bản xã hội hiện đại thì thời gian hoàn thành kịch bản ít hơn 1/10 so với kịch bản lịch sử, nhưng tiền công được trả ngang nhau. Đó là lý do vì sao mà ít nhà biên kịch, soạn giả cải lương dám dấn thân vào mảng đề tài này”.

Không chỉ tác giả ngại viết đề tài lịch sử mà nhà đầu tư cũng không mặn mà với thể loại này. Lý do là làm vở kịch hay cải lương lịch sử tốn kém phục trang, đạo cụ cảnh trí nhiều hơn thể loại hiện đại. Diễn viên tập tuồng lịch sử cũng khó nhọc hơn, từ lời thoại đến hành động. Điều quan trọng là làm đề tài lịch sử rất dễ sai sót mà nếu điều này xảy ra sẽ bị “ném đá” nặng nề.

Thế nhưng vượt qua trở ngại đó, nhiều tấm lòng của người trong nghề yêu lịch sử quyết làm đến cùng. Bên cạnh chương trình Bầu Trời Xanh, sân khấu Idecaf có hẳn một mảng kịch lịch sử dành cho thiếu nhi được diễn thường xuyên tại sân khấu số 7 Trần Cao Vân. Thậm chí ông bầu Huỳnh Anh Tuấn còn vận động để các trường học tiếp nhận các vở diễn tại trường để học sinh vừa thưởng thức nghệ thuật vừa hiểu rõ sử Việt.

Ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết: “Làm kịch lịch sử thường bị lỗ vốn nhưng chúng tôi không nhụt chí. Lý do, người nghệ sĩ bên cạnh việc giúp khán giả giải trí, còn có trách nhiệm làm đẹp thêm cho văn hóa nước nhà. Giúp cho thế hệ trẻ thêm yêu trang sử hào hùng của dân tộc là một cách mà người nghệ sĩ tri ân tổ nghiệp vậy”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối