ĐỨC TÂM -
Từ nay đến ngày 25-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2015. Sau khi có điểm thi, thí sinh sẽ quyết định nộp hồ sơ vào trường đại học mà mình chọn thay vì nộp trước khi thi. Tuy vậy, theo các nhà giáo và chuyên gia trong ngành, nếu không thận trọng thí sinh có thể sẽ không vào được trường mình mong muốn.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường sẽ xét tuyển nguyện vọng 1 từ ngày 1-8 đến 20-8. Hồ sơ đăng ký xét tuyển bao gồm giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc, phiếu đăng ký xét tuyển và phong bì dán sẵn tem ghi rõ địa chỉ liên lạc. Thí sinh sẽ nhận giấy chứng nhận kết quả thi tại nơi đăng ký dự thi, còn phiếu đăng ký xét tuyển có thể in trực tiếp từ trang web các trường hoặc nhận trực tiếp tại trường.
Không nên vội vàng
“Điều đầu tiên, các thí sinh phải chọn được ngành mình thích. Sau đó tìm hiểu tất cả các trường có đào tạo ngành này. Tiếp đến xem điểm xét tuyển của ngành này các năm trước như thế nào để có cái nhìn tổng quát về cơ hội vào trường”, TS. Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM, gợi ý.
Do tính chất của kỳ thi năm nay vừa nhằm xét tốt nghiệp vừa dùng để xét tuyển đại học nên mặt bằng điểm chung của kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ cao hơn kỳ thi đại học năm ngoái. Vì vậy, việc tham khảo điểm xét tuyển của năm trước rồi so sánh chỉ là yếu tố cần chứ chưa đủ và thí sinh phải cẩn thận khi chọn trường xét tuyển.
Theo ông Hạ, nhờ khoảng thời gian xét tuyển kéo dài đến 20 ngày, các thí sinh không nên vội vàng nộp hồ sơ. “Về quy định của bộ, cứ ba ngày một lần, các trường phải công bố kết quả xét tuyển trên trang web của trường. Từ kết quả này, thí sinh có thể biết sơ khởi về mức điểm của các thí sinh đã nộp vào trường. Cộng với việc xem kỹ chỉ tiêu xét tuyển, phần nào đó thí sinh có thể dự đoán được khả năng thành công của mình”, ông Hạ nói.
Cũng trong kỳ thi năm nay, điểm mới trong quy chế tuyển sinh là bộ cho phép các trường tự chủ trong việc tuyển sinh. Và quyền này được các trường sử dụng để mở rộng thêm tổ hợp xét tuyển mới. Ví dụ, trước đây, để vào trường Đại học Bách khoa TPHCM, thí sinh phải dùng kết quả thi ba môn khối A truyền thống là Toán, Lý, Hóa. Tuy nhiên, năm nay, các thí sinh thi khối D (gồm Toán, Văn, Anh) vẫn có thể ứng tuyển vào một số ngành của trường này, ví dụ như ngành quản lý công nghiệp.
Vậy nếu tổ hợp ba môn khối D cao hơn khối A, thí sinh nên dùng tổ hợp nào để xét tuyển? Theo ThS. Đặng Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp thuộc trường Đại học Nông lâm TPHCM, về nguyên tắc các trường sẽ dành ít nhất 75% chỉ tiêu cho khối truyền thống và nhiều nhất là 25% chỉ tiêu cho các tổ hợp xét tuyển mới. Chỉ tiêu cho mỗi tổ hợp xét tuyển đều được các trường công bố cụ thể trên trang web của trường. Do vậy, thí sinh phải tìm hiểu kỹ, không nên vội vàng dùng tổ hợp xét tuyển mới để ứng tuyển, dù điểm của tổ hợp này cao hơn so với điểm truyền thống.
“Trong trường hợp thí sinh yêu thích và chọn ngành A nhưng không đủ điểm vào trường B thì có thể chọn vào trường C với mức điểm phù hợp hơn”, TS. Phạm Tấn Hạ tư vấn.
[box] Thêm giải pháp xét tuyển qua học bạ
Trong trường hợp thí sinh thi đậu tốt nghiệp nhưng điểm thi quá thấp để xét tuyển vào các trường đại học, một giải pháp khác có thể nghĩ đến đó là xét tuyển qua học bạ. Năm nay có khoảng 200 trường đại học, cao đẳng, đặc biệt các trường ngoài công lập, dành chỉ tiêu xét tuyển qua học bạ, miễn học sinh tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia, và có điểm trung bình học bạ đạt yêu cầu của trường đề ra.[/box]
Còn đường rút hồ sơ
Thêm một điểm thuận lợi trong quy chế tuyển sinh năm nay đó là thí sinh được quyền rút hồ sơ trong thời gian xét tuyển đợt một nếu trượt để chuyển sang trường khác. Do vậy, nếu thấy khả năng mình không đậu vì mức điểm thấp hơn so với các thí sinh khác và nằm ngoài chỉ tiêu của trường thì thí sinh có thể đến trực tiếp các trường để rút hồ sơ.
Thời gian giải quyết cho phép rút hồ sơ nhanh hay chậm tùy thuộc vào từng trường cũng như khối lượng hồ sơ nộp/rút khỏi trường đó. Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, bà Ngô Thị Mỹ Lan, Phó trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Hoa Sen, cho biết trường giải quyết việc rút hồ sơ trong thời gian nhiều nhất là ba ngày, tùy thuộc vào số lượng hồ sơ nộp vào trường, nhưng không muộn hơn ngày cuối của hạn chót nộp hồ sơ để thí sinh có thể nộp trường khác.
Với các trường đại học tại TPHCM, việc đến trực tiếp các trường có thể thuận lợi đối với những thí sinh ở thành phố nhưng sẽ rất khó khăn với thí sinh ở tỉnh. Lý giải việc tại sao thí sinh phải đến tận trường, ông Hạ cho biết việc trả lại hồ sơ cho thí sinh qua đường bưu điện có thể dẫn đến thất lạc, hoặc quá chậm, lúc đó sẽ thiệt thòi cho thí sinh.
[box] Các đợt xét tuyển
Xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1) được tổ chức từ ngày 1 đến 20-8, công bố điểm trúng tuyển chậm nhất ngày 25-8.
Sau đó sẽ có các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Cụ thể, xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt một từ ngày 25-8 đến hết ngày 15-9, công bố điểm trúng tuyển trước ngày 20-9; đợt hai từ ngày 20-9 đến hết ngày 5-10, công bố điểm trúng tuyển trước ngày 10-10; đợt ba từ ngày 10 đến hết ngày 25-10, công bố điểm trúng tuyển trước ngày 31-10; bổ sung đợt bốn từ ngày 31-10 đến hết ngày 15-11, công bố điểm trúng tuyển trước ngày 20-11.[/box]