Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Tình nguyện để trẻ em nghèo biết tiếng Anh

Tường Vi

Vào một buổi chiều sau giờ làm, ông Mauro Trentin, Giám đốc nghiệp vụ người Úc của Công ty NCI Packaging Vietnam đến với lớp dạy tiếng Anh cho những trẻ em nghèo khó ở một căn nhà nhỏ trên đường Phan Ngữ, quận 1. Lớp học mà ông Trentin được mời đến dạy nằm trong dự án Volunteer House Vietnam, do cô gái 26 tuổi Võ Thị Mỹ Linh khởi xướng.

Mỹ Linh đã trở thành gương mặt xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện truyền thông trong nước sau chuyến du lịch Nepal và sống sót trở về từ cơn bão tuyết tử thần trên dãy Himalaya vào tháng 10 năm ngoái.

Ban đầu ông Trentin chỉ biết rằng đây là lớp học dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và không biết gì nhiều hơn thế. “Giữa học sinh và những người nước ngoài chúng tôi còn có sự giới hạn về giao tiếp. Và khi mới đến, chúng tôi nhận thấy những đứa trẻ ở đây rất e dè và ngay cả bản thân chúng tôi cũng vậy, vì chúng tôi chưa bao giờ làm những công việc như thế này trước đây. Tuy nhiên, khi nghe chúng tôi chơi nhạc và dạy chúng hát những bài hát tiếng Anh thì các em bắt đầu cởi mở hơn. Tôi nghĩ rằng âm nhạc là cách tốt nhất để kết nối mọi người. Ngày hôm đó các em đã có một buổi học tuyệt vời và chúng tôi cũng có những khoảnh khắc tuyệt vời giống vậy”, ông Trentin tâm sự.

Cũng giống như Mauro Trentin, những du khách nước ngoài khác đến Việt Nam như Jo, Rick, Peter hay Elise… cũng sẵn lòng tham gia cùng dự án tình nguyện Volunteer House Vietnam (VHV).

Các trẻ em ở Volunteer House Vietnam trong một buổi sinh hoạt dã ngoại với một tình nguyện viên nước ngoài.
Các trẻ em ở Volunteer House Vietnam trong một buổi sinh hoạt dã ngoại với một tình nguyện viên nước ngoài.

Từ câu chuyện ở Nepal

Võ Thị Mỹ Linh kể ở Nepal, người dân hay mời du khách nước ngoài về ở trong nhà mình mà họ chỉ cần bỏ ra một khoản chi phí rất thấp, bù lại, những du khách này sẽ đến trường dạy miễn phí cho học sinh hoặc cùng nông dân địa phương làm công việc đồng áng. “Tôi đã gặp một nhóm bạn trẻ người Nga lưu lại Nepal trong 2-3 năm và họ đã thiết kế, xây dựng trường học cho trẻ em bản địa. Ở Nepal, thường cách làm này là tự phát. Tôi chợt nghĩ nếu như Việt Nam có một mô hình như thế, kết nối các tỉnh, thành lại với nhau thì sẽ rất hữu ích”, Linh nói.

Khi ở Nepal, cô đã ở trong một ngôi làng nghèo để làm tình nguyện viên. “Đấy là một ngôi làng hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài, bao bọc xung quanh chỉ có núi. Nhiều bạn trẻ bây giờ hay đổ lỗi cho hoàn cảnh sống và kinh tế gia đình còn khó khăn để học tiếng Anh, nhưng những đứa trẻ ở Nepal ấy hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của điện thoại hay Internet nhưng vẫn chăm chỉ theo học tiếng Anh. Các em đánh vần từng chữ theo thầy giáo của mình và học thuộc lòng các từ ấy. Thậm chí, họ còn không có tập vở ghi chép lại”, Linh hồi tưởng.

Từ đó, những người dân địa phương đã tổ chức cuộc thi đánh vần (Spelling Contest) mà Linh đã có dịp tận mắt chứng kiến. Các em phải đi bộ vượt qua ba ngọn đèo cao đến trường để tham gia cuộc thi. Một ông thầy đứng đọc các từ và các thí sinh phải đánh vần đúng và nhanh những từ ấy mới thắng cuộc. “Nhưng hình ảnh mà có lẽ tôi không bao giờ quên là ông thầy hiệu trưởng của trường thắng cuộc bước lên bục nhận giải và phần thưởng là một quyển từ điển, vốn là thứ mà nhiều người Việt Nam đã không sử dụng đến từ lâu. Nhưng đối với người dân nơi đây, quyển từ điển giấy là một phần thưởng quý giá biết bao. Dù còn lắm khó khăn nhưng tiếng Anh của các em rất tốt, không phải họ mơ ước sẽ đi làm ở công ty nước ngoài hay đi du lịch. Ước mơ đơn giản của những trẻ em nghèo nơi đây là học tiếng Anh để biết về thế giới, để đọc quyển sách tiếng Anh và giới thiệu về đất nước của mình cho bạn bè quốc tế”, Linh chia sẻ.

Tình nguyện viên nước ngoài đang dạy trẻ em Việt học tiếng Anh.
Tình nguyện viên nước ngoài đang dạy trẻ em Việt học tiếng Anh.

Đến dự án ở Việt Nam

Từ những trải nghiệm trong chuyến đi Nepal và từ những thiệt thòi của bản thân mà Linh quyết tâm cho ra đời dự án VHV. Mô hình dự án này là lời nhắn gửi đến các bạn nhỏ Việt Nam về việc nên học tiếng Anh và là lời kêu gọi người dân trên cả nước hãy góp những căn nhà trống lại để dành cho khách du lịch ở miễn phí và đổi lại chính những vị khách này sẽ đến trường dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ trong điều kiện khó khăn.

Tháng 2-2015, dự án VHV bắt đầu khởi động thu hút hơn 500 tình nguyện viên trên cả nước tham gia, cùng hơn 80 căn nhà trống được đóng góp. Có ba lớp học tiếng Anh miễn phí tại TPHCM và hai cơ sở tương tự ở Hà Nội. Linh cho biết sau lần sống sót trong cơn bão tuyết và trở về Việt Nam, rất nhiều bạn trẻ đã ngưỡng mộ cô. Thế là cô nghĩ, mình nên tập hợp họ lại, dùng tình cảm mà họ dành cho mình để cùng nhau làm một việc có ích hơn. Và, chính những người hâm mộ Linh đã cùng cô góp sức cho dự án VHV này.

VHV, với phương châm “House for travelers, English for kids”, là dự án phi lợi nhuận được thành lập với mục đích dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em, đặc biệt ưu tiên cho những trẻ em nghèo không có cơ hội tiếp xúc với tiếng Anh. Đây cũng là ngôi nhà dành cho các tình nguyện viên hoặc những người yêu thích du lịch “bụi” (có trình độ tiếng Anh, không phân biệt người Việt hay người nước ngoài) có thể ở lại miễn phí tuy nhiên phải trả tiền ăn (dự kiến 60.000 đồng/ngày) và đổi lại là dạy tiếng Anh cho trẻ em, hoặc cùng làm việc với người dân địa phương.

Ông Mauro Trentin dạy tiếng Anh cho trẻ em trong dự án Volunteer House Vietnam.
Ông Mauro Trentin dạy tiếng Anh cho trẻ em trong dự án Volunteer House Vietnam.

Ví dụ, Gia Hân, một học sinh của dự án, trong buổi phỏng vấn được thực hiện ngày 1-2 chỉ rụt rè nói được vỏn vẹn bốn câu tiếng Anh, nhưng chỉ sau hai tuần học với những tình nguyện viên của dự án, cô bé đã tự tin lưu loát giới thiệu về bản thân, các thành viên gia đình của mình.

Cô Lan, một phụ huynh gửi con học tiếng Anh tại đây biểu lộ: “Những người thu nhập trung bình như chúng tôi thì không đủ khả năng để đóng tiền cho con học ở các trung tâm Anh ngữ. Nếu dự án này được duy trì và nhân rộng hơn nữa thì những học sinh sẽ có một môi trường học tập miễn phí rất tốt”.

Song, khi bắt tay vào làm dự án, Linh gặp không ít khó khăn, từ việc các tình nguyện viên không hoàn thành công việc được giao, các trẻ em nghèo đến học các lớp không nghe lời, đến việc chưa có đủ lớp để các tình nguyện viên nước ngoài đến dạy hay việc xin giấy phép cho du khách nước ngoài đến làm tình nguyện tại Việt Nam; bởi họ chỉ lưu lại đây trong một khoảng thời gian ngắn… nhưng cô không bỏ cuộc.

Hiện Linh và các bạn tình nguyện viên tự bỏ tiền túi để tổ chức dự án, tự soạn giáo trình để giảng dạy. Sắp tới, VHV sẽ tiến hành ký kết với tổ chức AIESEC (một trong những tổ chức sinh viên lớn nhất thế giới) tại TPHCM nhằm trao đổi, đưa sinh viên nước ngoài về Việt Nam thực tập và làm tình nguyện. Mỗi sinh viên nước ngoài sẽ làm tình nguyện tại Việt Nam 4-6 tuần và làm việc toàn thời gian.

Dự án cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, tất cả các tỉnh, thành trên cả nước đều có ít nhất một lớp học tiếng Anh miễn phí cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo 6-12 tuổi do các tình nguyện viên và khách du lịch giảng dạy.

“Có một số người hỏi tôi rằng sẽ ra sao nếu dự án này thất bại? Tôi bảo rằng, nếu thất bại thì ít ra nó cũng chứng tỏ là chúng tôi đã cố gắng hết sức để mang lại nhiều điều tốt đẹp cho xã hội, thay vì chỉ ngồi một chỗ và không làm gì cả”, Linh nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối