(SGTT) - "Mình đã đón nhận tuổi mới theo một cách rất riêng và đặc biệt. Sinh nhật dù không bánh kem, không tiệc tùng, không có người thân và bạn bè bên cạnh những vẫn cảm thấy hạnh phúc ngập tràn", đó là những chia sẻ trên mạng xã hội facebook của chị Trương Thị Thanh Mai, tình nguyện viên tham gia công việc chống dịch ở TPHCM. Ngoài chị Mai, tại TPHCM có nhiều bạn trẻ đã lên đường tham gia hỗ trợ chống dịch cùng lực lượng y tế không ngại khó khăn, nguy hiểm.
- Những cuốc xe vào tâm dịch: Nhiếp ảnh gia trở thành tài xế
- Tình nguyện viên nhỏ tuổi nhiệt tình hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử
Sinh nhật khó quên của tuổi trẻ
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, chị Trương Thị Thanh Mai, một tình nguyện viên sinh năm 1995, làm nghề tự do ở Thủ Đức tham gia công tác chống dịch ở TPHCM cho biết qua thông tin báo đài, chị Mai thấy các y bác sĩ, tình nguyện viên tại Bắc Giang không ngại khó khăn, nguy hiểm để tham gia đẩy lùi dịch. Từ đó, chị đã có suy nghĩ sẽ tham gia vào công việc này nếu có cơ hội.
Sau đó, dịch bùng phát ở TPHCM vào tháng 6 với số lượng ca nhiễm tăng cao, tình hình dịch trở nên căng thẳng. Nhận thấy lực lượng y tế ngày đêm dốc sức chống dịch, chị Mai đã nhanh chóng đăng ký tham gia để trở thành một tình nguyện viên. Đến nay, chị Mai đã tham gia công việc này được gần một tháng.
“Trước khi đăng ký tham gia mình đã nói nguyện vọng cho mẹ nghe, mẹ mình hoàn toàn ủng hộ. Đồng thời, mình cũng chuẩn bị tâm lý sẵn sàng vì biết là sẽ gặp nhiều nguy hiểm, nhưng mình luôn mong muốn góp một phần nhỏ sức trẻ khi đất nước cần và mình thấy vui và hạnh phúc khi tham gia công việc này”, chị chia sẻ.
Chị cho biết các công việc của chị là hỗ trợ lực lượng chức năng điều phối lấy mẫu xét nghiệm, nhập dữ liệu, hỗ trợ dọn dẹp ký túc xá thành khu cách ly, hỗ trợ điều phối tiêm vắc-xin cùng các y bác sĩ tại những khu vực được phân công. Dù nhiều điểm làm việc cách nhà chị Mai gần 20km, các hoạt động xét nghiệm thường kết thúc trễ, có khi đến khuya, nhưng chưa bao giờ chị Mai có suy nghĩ sẽ bỏ cuộc giữa chừng.
Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc chị Mai và mọi người cùng động viên nhau rằng mệt chỉ là cảm giác, rồi mọi thứ sẽ ổn thôi, những hành động nhỏ này sẽ góp phần giúp thành phố, con người nơi đây dần trở về cuộc sống như bao lâu nay.
Kỷ niệm khó quên nhất đối với chị Mai có lẽ là đón sinh nhật trong khu phong tỏa tạm thời khi đang cũng lực lượng y tế hỗ trợ người dân xét nghiệm Covid-19. Mặc dù, sinh nhật không bánh kem, không tiệc tùng, không có người thân, bạn bè bên cạnh, nhưng chị Mai vẫn thấy hạnh phúc vì đã giúp được nhiều người dân cảm thấy an tâm hơn trong dịch bệnh. Chị nhận thấy bản thân hạnh phúc nhất là khi giúp đỡ được nhiều người xung quanh mình.
“Mẹ mình là một người rất tâm lý, nên thường xuyên động viên, nhắc nhở mình cẩn thận. Ngày sinh nhật mình, mẹ có gọi điện thoại và nói tự hào về mình, những lời đó đã tiếp thêm sức mạnh tiếp tục công việc này”, chị Mai chia sẻ.
Trở lại TPHCM trong đêm để tham gia chống dịch
Cũng là một tình nguyện viên làm việc tại các khu vực phong tỏa tại TPHCM, anh Lý Hải Đăng, sinh năm 1995 hiện đang là học viên cao học của trường Đại học Kinh tế TPHCM, lại có một câu chuyện khác. Anh Đăng cho biết trước đây anh cũng đã từng nhiều lần tham gia các công tác tình nguyện cũng như thiện nguyện ở nhiều địa phương khi còn là sinh viên.
Do đó, khi hay tin dịch đang bùng phát trở lại tại TPHCM, anh Đăng tự tìm hiểu trên các trang thông tin của Thành Đoàn TPHCM, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM để đăng ký tham gia công việc tình nguyện viên. Anh cho biết đây cũng là lần đầu tiên anh Đăng tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19.
“Nhận được tin mình được chọn làm tình nguyện viên chống dịch thì mình đang ở Sóc Trăng, ngay lập tức mình quay trở lại TPHCM trong đêm và thực hiện nhiệm vụ ngay sáng hôm sau”, anh Đăng nói.
Khi biết tin anh Đăng tham gia công việc hỗ trợ lực lượng y tế chống dịch Covid-19, lúc đó anh không nhận được sự ủng hộ của nhiều người trong gia đình. Nhưng sau khi nói ra những suy nghĩ của bản thân, gia đình anh đã chấp thuận và dành cho anh những lời động viên, cổ vũ tinh thần. Từ đó, giúp anh có thêm nhiệt huyết, tinh thần vững vàng hơn để tham gia công tác phòng chống dịch.
Anh Đăng cho biết công việc chính của anh khi tham gia công việc tình nguyện viên là hỗ trợ trực tại khu cách ly, hướng dẫn người dân giao nhận thức ăn, hàng hoá vào khu cách ly...
“Ngày đầu khi mới tham gia công tác phòng chống dịch mình có chút bỡ ngỡ vì phải tập làm quen với mọi thứ và thời tiết TPHCM mùa này thì khá nóng. Nhưng những ngày sau thì mình đã quen dần với điều đó, qua đó anh mới thấu hiểu nỗi vất vả của những y bác sĩ đang lăn xả trên tuyến đầu, cố gắng giành lại sự sống cho những bệnh nhân từ tay thần chết”, anh Đăng nói.
Công việc tại khu cách ly với mình cũng không quá vất vả nhưng nó đòi hỏi sự tập trung và tính cẩn thận cao và đây cũng là dịp để anh rèn luyện thêm tính kiên trì và cẩn trọng hơn khi làm bất cứ công việc gì sau này.
Là một người tham gia trực tiếp tại tuyến đầu chống dịch, cảm nhận được từng nỗ lực của các y bác sĩ, anh Đăng cũng muốn nhắn nhủ mọi người nên có ý thức trong việc chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, để lực lượng y tế sẽ đỡ vất vả hơn trong công tác y tế.
“Với mình, được đóng góp một phần công sức của mình vào cuộc chiến chống dịch là trách nhiệm, là niềm vinh hạnh của bản thân và mình vẫn luôn trong tình trạng sẵn sàng tham gia công tác chống dịch nếu nơi nào cần tình nguyện viên”, anh Đăng nói.
Minh Hoàng