(SGTT) - Nhiều tình nguyện viên dù tuổi còn rất nhỏ nhưng không ngại khó khăn, nhiệt tình hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử tại TPHCM. Theo các em, dù vất vả nhưng các em vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng tham gia hỗ trợ bất kì hoạt động phòng, chống dịch nào tiếp theo.
- Ở nhà mùa dịch: Học đàn online, duy trì cảm xúc tích cực mùa dịch
- Tấm lòng vàng nối nhịp cầu yêu thương giữa mùa dịch
- Chi thêm hơn 7.650 tỉ đồng mua 61 triệu liều vắc-xin Covid-19
TPHCM vừa trải qua chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử với hơn 800.000 người dân được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Theo đánh giá từ phía UBND thành phố, chiến dịch lần này đã hoàn tất và có tốc độ nhanh gấp 10 lần so với các đợt tiêm chủng trước đây.
Đó là sự nỗ lựa đáng khâm phục của nhân viên y tế, tất cả các lực lượng tham gia vào đợt tiêm chủng cũng như sự hợp tác của người dân thành phố. Đặc biệt, không thể không thể kể đến sự hỗ trợ nhiệt tình trong việc nhập liệu, điều phối người dân tại điểm tiêm của các đội hình thanh niên tình nguyện.
Thuyết phục gia đình bằng quyết tâm cống hiến sức trẻ
Hơn một tuần qua, tình nguyện viên Phạm Nhật Trường (14 tuổi), học sinh lớp 9 trường THCS Thanh Bình (quận 8) đều đặn đến điểm tiêm tại trường THCS Nguyễn Thị Thập (quận 7) thực hiện các công việc như đo thân nhiệt, kiểm tra giấy tờ, nhập liệu và điều phối người dân.
Trường cho biết lúc đầu ba mẹ em không đồng tình việc em tham gia tình nguyện vì phải tiếp xúc với rất nhiều người, có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. “Em rất muốn đi để góp sức giúp đỡ mọi người nên em cố thuyết phục ba mẹ, còn nhờ thêm các anh chị bên Đoàn phường hỗ trợ xin phép giúp em. Cuối cùng ba mẹ cũng cho phép, còn hỏi han công việc của em mỗi ngày thế nào”, Trường kể.
Tương tự, tình nguyện viên Trần Diệp Anh Kiệt (16 tuổi), học lớp 11 trường THPT Lê Thánh Tôn (Quận 7) không được gia đình cho phép tham gia hỗ trợ chiến dịch tiêm vắc-xin. Theo Kiệt, mẹ em là nhân viên y tế nên hiểu rất rõ dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và không muốn em phải mạo hiểm vì còn nhỏ, chưa đủ tuổi tiêm vắc-xin để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Tuy nhiên với quyết tâm cống hiến sức trẻ của mình và sự hỗ trợ từ anh trai, Kiệt đã thuyết phục được mẹ đồng ý cho mình tham gia hoạt động tình nguyện. Từ khi chiến dịch triển khai chính thức vào trưa 21-6, Kiệt luôn đến điểm tiêm đều đặn, đúng giờ, hoạt động năng nổ và đã thành thạo hầu hết mọi công việc tại đó.
Tiếp tục hỗ trợ công tác phòng, chống dịch
Theo ghi nhận tại trường THCS Nguyễn Thị Thập (quận 7), mỗi ngày điểm tiêm này tiếp nhận khoảng 300-400 lượt người đến tiêm mỗi sáng và 400-500 lượt người mỗi chiều. Con số này sẽ tăng lên bất chợt khi tiếp nhận thêm người chuyển đến từ các điểm tiêm đã quá tải trên địa bàn quận.
Tình nguyện viên Phạm Nhật Trường kể có những ngày lượng người đến tiêm đông và tập trung vào khung giờ tan tầm khiến em gặp khó khăn trong việc điều phối mọi người đứng giãn cách để đảm bảo an toàn. Đôi khi, Trường và các tình nguyện viên vừa tháo bao tay chuẩn bị ra về thì có người đến tiêm, họ phải tiếp tục quay trở lại công việc.
“Vì tất bật cả ngày nên khi về đến nhà em cũng có hơi mệt một chút. Nhưng các anh chị ở đây đều rất yêu thương tụi em, người dân cũng vui vẻ hợp tác khiến em có động lực để hỗ trợ mọi người mỗi ngày. Em nghĩ đến việc giúp được mọi người, bao nhiêu mệt mỏi đều qua nhanh...”, Trường tâm sự.
Còn theo tình nguyện viên Trần Diệp Anh Kiệt, khó khăn lớn nhất Kiệt gặp phải sau hơn một tuần hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng là mặc đồ bảo hộ và hoạt động dưới thời tiết nắng nóng khiến em mất nước, thân nhiệt tăng cao.
“Có những buổi trưa nắng rất gắt, em thấy nóng và mệt lắm. Nhưng nghĩ đến những y bác sĩ còn vất vả hơn mình rất nhiều lần, em lại cố gắng trân mình chịu đựng và tiếp tục công việc”, Kiệt kể.
Mệt mỏi, khó khăn là thế nhưng theo Kiệt, khi chiến dịch tiêm chủng chính thức kết thúc, em sẽ tức tốc chuyển sang hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. “Trong thời gian tới, khi chiến dịch tiêm chủng tiếp theo được khởi động, chắc chắn em cũng sẽ nhiệt tình hỗ trợ hết sức mình”, Kiệt cho biết.
Còn theo tình nguyện viên Phạm Nhật Trường, em sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động tình nguyện ngay cả khi tình hình dịch bệnh đã ổn định hơn bởi em cảm thấy rất hạnh phúc khi được giúp đỡ mọi người. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, Kiệt cho biết em luôn mặc đồ bảo hộ đúng cách, mang theo bên người 2 khẩu trang dự phòng và rửa tay thường xuyên.
Phương Nhi – Lại Hậu