Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Tỉnh táo khi mua hàng công nghệ ở nước ngoài

Câu chuyện một du khách Việt Nam bị lừa khi mua iPhone 6 ở khu bán hàng điện tử Sim Lim (Singapore) đã dấy lên làn sóng chia sẻ “kinh nghiệm xương máu” trên mạng khi mua hàng công nghệ ở nước ngoài. Sài Gòn Tiếp Thị ghi nhận một số lưu ý khi mua hàng công nghệ ở nước ngoài nhằm giúp cho người tiêu dùng giảm thiểu thiệt hại không đáng có.

Lưu ý hóa đơn và tổng số tiền

Theo hầu hết những người hay mua sắm hàng công nghệ như máy ảnh, máy tính xách tay, điện thoại di động, máy tính bảng… thì phải cẩn thận khi ký vào hóa đơn tính tiền khi mua sắm ở nước ngoài. Đặc biệt, cần xem thật kỹ tổng số tiền trước khi đặt bút ký.

Ông Lê Duy, Quản trị Diễn đàn Mobile World nhận xét: “Thói quen của phần lớn người Việt Nam khi mua sắm ở nước ngoài là dễ dàng ký tên vào hóa đơn mà không chịu đọc kỹ nội dung. Cần nhớ rằng, khi cửa hàng kêu ký tên, phải đọc kỹ trước khi ký. Đặc biệt, phải hỏi rõ người bán mức giá cuối cùng phải thanh toán là bao nhiêu; để tránh bị tốn thêm tiền”.

Đồng thời, cần cảnh giác với các lời chào mời tặng gói bảo hành, khuyến mãi… của người bán. Nếu đã ký vào hóa đơn xác nhận thì cửa hàng sẽ dựa vào giấy tờ có chữ ký đó để đòi thêm tiền. Ví dụ, cửa hàng bán iPhone ghi thêm dòng chữ “khách hàng đồng ý lấy gói bảo hành quốc tế” trên hóa đơn để thu thêm vài trăm đô la Singapore!

Anh Đức Hải, một du khách từng đến Singapore mua điện thoại iPhone, cho biết có cửa hàng tuy bán đúng giá iPhone nhưng lừa khách hàng ký tên xác nhận đã đồng ý chọn gói bảo hành. Ban đầu, họ nói đây là quà tặng của cửa hàng, không trả thêm tiền (đã trả tiền trước). Nhưng, đến khi lấy máy thì cửa hàng lại đòi thêm 300-400 đô la Singapore cho gói bảo hành, khách đòi trả lại máy thì chỉ được hoàn lại 1/2-2/3 số tiền.

7_New

[box type="download"] Cần lưu ý khi mua hàng ở nước ngoài

- Chỉ trả lời những câu hỏi cần thiết khi mua hàng nhằm đề phòng người bán “gài bẫy”.

- Cẩn thận đọc lại nội dung hóa đơn trước khi ký và chỉ ký vào hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn thanh toán thẻ tín dụng.

- Lưu ý các loại hóa đơn khác kèm theo hóa đơn bán hàng; chỉ ký nếu trên hóa đơn đó có ghi rõ số tiền phải trả.

- Không chấp nhận các loại dịch vụ kèm theo như mở mạng hoặc kích hoạt bảo hành.

- Đọc kỹ phần hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) trên hóa đơn.[/box]

Không phải mua gì cũng được

Khi mua hàng công nghệ ở nước ngoài, không phải mua món gì cũng mang về Việt Nam dùng được. Có một số sản phẩm chỉ có thể dùng ở nước ngoài, không thể đem về Việt Nam để xài do khác tiêu chuẩn kết nối mạng, Việt Nam chưa cung cấp dịch vụ…

Ông Đoàn Hoàng Sơn, nhóm điều hành Diễn đàn Tinh Tế, cho biết: “Khi mua điện thoại di động phải xem trước có bị khóa mạng (lock) hay không hoặc chỉ dùng được mạng di động của nước đó, về Việt Nam không dùng được”. Ví dụ, chiếc điện thoại Sharp Aquos Crystal giá bán tại Mỹ chỉ có 200 đô la Mỹ nhưng về Việt Nam sẽ không sử dụng được vì đây là điện thoại dùng mạng di động CDMA. Hoặc có một số điện thoại di động mua ở Nhật Bản chỉ dùng 3G, không có sóng 3G là không sử dụng được.

Theo chia sẻ kinh nghiệm từ các diễn đàn công nghệ, các sản phẩm công nghệ khi bán ở nước ngoài thường được tích hợp một số dịch vụ “cộng thêm”. Tuy nhiên, khi đem về Việt Nam thì không phải dịch vụ nào cũng sử dụng được do điều kiện hạ tầng mạng di động, Internet, dịch vụ truyền hình… ở các nước có sự khác nhau. Do đó, chỉ nên mua sản phẩm và không quan tâm đến các dịch vụ khác để tránh mất tiền oan.

Tìm đại lý chính thức

Interior_of_Sim_Lim_Square,_Singapore_-_20070127-02

Ông Hoàng Giang, chủ cửa hàng kinh doanh phukiengiare.vn nhận xét: “Nếu muốn đi nước ngoài mua hàng công nghệ như máy tính xách tay, điện thoại di động, máy tính bảng… cần tìm kiếm đại lý chính hãng. Chuyện này cũng khá đơn giản, như trường hợp mua iPhone hoặc iPad ở Singapore, chỉ cần tra cứu trang web Apple Singapore”.

Đồng thời, cần xác định hàng chính hãng bằng cách kiểm tra mã số sản phẩm (serial number), các nhà sản xuất hàng công nghệ đều quản lý sản phẩm thông qua mã số này. Dựa trên mã số này, người mua có thể kiểm tra chất lượng sản phẩm, điều kiện ràng buộc về bảo hành…

Theo ý kiến của các “tín đồ công nghệ” thì không phải chợ điện tử nào ở nước ngoài cũng có tình trạng lừa đảo khách du lịch giống như câu chuyện anh Thoại ở Sim Lim. Có khá nhiều khách du lịch đã từng mua hàng công nghệ ở chợ Guanghua của Đài Loan, hoặc Akihabara ở Nhật Bản… với giá bán tương đối rẻ.

Ngoài ra, do trình độ tiếng Anh của một số khách du lịch Việt Nam cũng còn hạn chế nên có thể bị các cửa hàng “gài bẫy”. Trước khi lừa đảo, họ thường thăm dò xem khách hàng này có phải thuộc dạng ít kinh nghiệm hay không, lừa bao nhiêu tiền thì vừa…

Theo kinh nghiệm của ông Hoàng Sơn thì du khách nên hạn chế trả lời các câu hỏi vu vơ (chỉ để kiểm tra khả năng tiếng Anh) từ người bán hàng. Nếu họ có gặng hỏi về thời gian ở lại địa phương thì cứ nói là đang làm việc hoặc đi học ở đây.

Còn việc mua hàng trực tiếp sẽ rủi ro cao hơn mua qua mạng, một số “tín đồ công nghệ” cho biết mua trực tiếp vẫn thích hơn vì mình được trải nghiệm sản phẩm tại chỗ. Còn mua hàng trực tuyến thì cũng biết cách mua, rồi phải có thẻ tín dụng, tìm chỗ gửi hàng về Việt Nam… Do đó, tùy theo mặt hàng mới có thể quyết định mua hàng trực tuyến hay mua trực tiếp.

Chí Thịnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối