Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Tòa nhà Đốc Phủ Hải nổi tiếng và chuyện bà vợ lẽ anh hùng Trương Định

(SGTTO) – Tòa nhà Đốc Phủ Hải là một danh thắng nổi tiếng ở đất Gò Công và là điểm đến không thể thiếu của du khách khi tới vùng đất này. Thế nhưng tòa nhà có lối kiến trúc vừa mang dáng dấp hiện đại của người Pháp, vừa cổ kính của thời phong kiến xưa của người Việt lại có liên quan tới đại thần Phạm Đăng Hưng đang yên nghỉ trong lăng mộ Hoàng Gia cách đó vài cây số, tới Hoàng Thái hậu Từ Dũ của triều đình Huế và thủ lĩnh nghĩa quân, anh hùng dân tộc Trương Định.

Xem thêm hai kỳ trước:

Nhà Đốc Phủ Hải, một di tích thu hút du khách ở thị xã Gò Công.

Theo sử liệu, năm 1844, Trương Định 24 tuổi ở Quảng Ngãi theo cha là Lãnh binh Trương Cầm vào đất Gia Định. Trương Định mộ dân khai phá đất hoang vùng Gia Thuận, lập đồn điền, được triều đình phong chức Phó Quản cơ. Khi quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định (1859), ông liền tập hợp dân quân ở đồn điền cùng quân triều đình chống giặc Pháp.

Ngày 7-121860, ông cho quân phục kích tại chùa Khải Tường, giết chết đại úy thủy quân lục chiến Pháp Barbé, gây tiếng vang chấn động bọn thực dân Pháp. Thanh thế Trương Định ngày càng lan rộng, được triều đình phong chức Quản cơ (nhiều tài liệu hay gọi ông là Quản Định), rồi thăng chức Phó Lãnh binh tỉnh Gia Định.

Bà Trần Thị Sanh sinh năm 1820 và mất năm 1882, con gái thứ sáu của Bá hộ Trần Văn Đổ và Phạm Thị Phụng. Bà Phụng là em gái của Đại thần Phạm Đăng Hưng – thân sinh của bà Phạm Thị Hằng (Hoàng Thái hậu Từ Dũ). Tức bà Trần Thị Sanh là em con cô cậu ruột với Hoàng Thái hậu Từ Dũ - mẹ của vua Tự Đức.

Năm 19 tuổi, bà Sanh thành hôn với bá hộ Dương Tấn Bốn. Hai vợ chồng được hưởng của hồi môn của hai gia đình, lại thuộc gia đình “ngoại thích” của hoàng gia, có thế lực, buôn bán lúa gạo, khai khẩn nhiều ruộng đất, giao thương với cả các nước trong vùng, nổi tiếng giàu nhất Gò Công. Hai ông bà sống chung gần 20 năm, bà Sanh sinh 9 lần, có trai có gái nhưng chỉ nuôi được một người con gái là Dương Thị Hương sinh năm 1844 (sau gả cho Huỳnh Đình Ngươn, Ngươn được thăng chức tri huyện nên Dương Thị Hương được gọi là bà Huyện Ngươn). Năm 1860, ông Dương Tấn Bốn qua đời, bà Sanh trở thành góa phụ.

Nội thất bên trong tòa nhà Đốc Phủ Hải.

Có giai thoại cho rằng từ kinh đô Huế, Hoàng Thái hậu Từ Dũ khéo léo sắp xếp cho bà Sanh đang góa chồng, làm vợ lẽ Trương Định với dụng tâm: Qua bà Sanh, ông Định có được nguồn lực nuôi quân đánh Pháp, giữ đất Gò Công, nơi nhau rốn cho bà Hoàng Thái hậu. Bà Sanh vốn giàu lòng yêu nước, có trong tay 500ha đất, giúp Trương Định xây dựng căn cứ Tân Hòa và nhiều đồn lũy rải khắp khu vực, trở thành trung tâm chống giặc Pháp đầu tiên ở Nam kỳ.

Cuộc kháng chiến của nghĩa quân Trương Định gây cho Pháp nhiều khó khăn nhưng trong một trận đánh ông bị thương, không để rơi vào tay giặc nên rút gươm ra tuẫn tiết tại trận vào ngày 20-8-1864, khi mới 44 tuổi.

Trương Định chết, Pháp kéo xác ông về phơi giữa trung tâm huyện lỵ Tân Hòa (nay thuộc phường 1, thị xã Gò Công) để làm nản lòng những người còn tin tưởng vào nghĩa quân. Nhưng bà Sanh đêm đêm cho cháu lén ra thắp hương cho chồng rồi bà làm đơn vận động đưa xác Trương Định về táng ngay trên đất dòng họ.

Mộ của Trương công được làm bằng hồ ô dước và trên bia đá có khắc mấy chữ: "Đại Nam – An Hà lãnh binh kiêm Bình Tây, Trương Công Định chi mộ".

Tấm bia tồn tại được vài năm, vì quân nghĩa dõng ở Gò Công vẫn tiếp tục gây rối, nên chính quyền Pháp cho là dư đảng của Trương Định vẫn còn và đến mộ tra xét dòng chữ trên bia. Người Pháp tức giận gọi bà Sanh đến trách rằng đất này thuộc Pháp, triều đình cớ gì phong tước cho Trương Định. Chúng phạt bà Sanh 10.000 quan tiền vì tội khắc bia trái phép và cho đục bỏ hàng chữ Bình Tây Đại tướng quân.

Mười năm sau (1874), bà lại viết đơn gởi Chánh tham biện Hạt Gò Công xin tu sửa mộ cho chồng. Lá đơn lịch sử này còn lưu giữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (TPHCM) được sao lại dưới đây:

"Tân hòa huyện.

Hòa Lạc tổng. Thuận ngãi thôn.

Trần Thị Sanh.

Cúi đầu lạy quan lớn cho phép tôi làm cái mả lại cho ông quản Định năm Kỷ Dậu. Tôi có làm vợ nhỏ ổng hai năm, bây giờ vợ lớn ổng trốn biệt, con chết hết, mấy năm nay tôi cũng sợ phép nhà nước không biết làm sao, bây giờ tôi liều mình tới nói với ông xin ông giúp cho tôi. Trần Thị Sanh điểm chỉ.

Lá đơn của bà Trần Thị Sanh

Ngôi mộ Trương Định được xây mới bằng đá hoa cương, có 3 bức hoành phi và 6 trụ đá ghi lại thân thế và sự nghiệp của ông. Một lần nữa, các hoành phi và trụ đá lại bị Pháp ra lệnh đục bỏ... Sau năm bà Sanh qua đời, ngôi mộ không người chăm sóc trở nên hoang phế. Tưởng nhớ công ơn bà ngoại, bà Huỳnh Thị Điệu (tức bà Phủ Hải, cháu ngoại bà Trần Thị Sanh) cho sửa chữa lại. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, ngôi mộ lại được trùng tu, tấm bia được khắc lại có nội dung: "Đại Nam Thần Dõng, Đại tướng quân, Truy tặng Ngũ Quân, Ngũ Quận CôngTrương Công Định chi mộ"

Và kế bên phải là dòng chữ nhỏ "Tốt ư Giáp Tý, Thất nguyệt thập bát nhật" (tức chết ngày 20-8-1864), kế bên trái đề "Trần Thị Sanh lập thạch".

Mộ và đền thờ anh Hùng Trương Định.

Lăng mộ và đền thờ Trương Định tại đường Lý Thường Kiệt (thị xã Gò Công) đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia từ ngày 6-12-1989.

Trước khi mất, bà Sanh vào chùa quy y và giao quyền trông nom, quán xuyến ngôi nhà ba gian mình ở cho Dương Thị Hương (con riêng của bà) và con rể là Tri huyện Trường Bình, nên thường gọi là nhà Bà Huyện.

Vào khoảng 1880-1885, Tri huyện Trường Bình chán cảnh quan trường về trí sĩ, nên cho tôn tạo lại ngôi nhà này khang trang, thoáng mát để dưỡng già. Khi ông bà qua đời, ngôi nhà này tiếp tục để cho con gái là Huỳnh Thị Diệu và chồng là Nguyễn Văn Hải làm chức Đốc phủ sứ, nên có tên là nhà Đốc Phủ Hải. Nguyễn Văn Hải đã xây dựng thêm tiền sảnh theo kiểu “roman” và xây hai nhà vuông hai bên để người làm cùng ở. Đến năm 1909-1917, ngôi nhà được tu bổ thêm, xây tường rào sắt tây ba mặt và phần sau xây lẫm lúa to lớn.

Nhà Đốc Phủ Hải đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1994.

Ngày nay, du khách khi tham quan đất Gò Công có thể ghé thăm 3 di tích nổi tiếng liên quan mật thiết nhau là lăng Hoàng Gia, mộ và đền thờ Trương Định cùng tòa nhà Đốc Phủ Hải.

Hồng Ngọc 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối