(SGTT) - Bộ Y tế tối 6-8 cho biết, từ 6:00 đến 18:30 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.315 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 4.311 ca ghi nhận trong nước, trong đó TPHCM vẫn cao nhất với gần 1.500 ca.
- Đường sắt Việt Nam tạm ‘buông tay’ vận tải hành khách để chở hàng
- Lô thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 đầu tiên do Vingroup nhập khẩu đã về Việt Nam
- Cả nước đã tiêm hơn 8 triệu mũi vắc-xin Covid-19, thêm nhóm được tiêm chủng
Cả nước ghi nhận 8.324 ca nhiễm mới
Các ca ghi nhận trong nước tại TPHCM (1.497), Bình Dương (847), Long An (573), Đồng Nai (347), Khánh Hòa (269), Hà Nội (115), Tây Ninh (102), Cần Thơ (94), Đồng Tháp (88), Bình Thuận (66), Đà Nẵng (61), Bến Tre (52), Trà Vinh (28), Ninh Thuận (25), Nghệ An (21), Đắk Lắk (17), Phú Yên (16), Hậu Giang (12), Quảng Nam (11), Gia Lai (10), Lào Cai (9), Thái Bình (8 ), Hà Tĩnh (8 ), Ninh Bình (8 ), Thanh Hóa (5), Bình Phước (5), Quảng Ngãi (5), Hải Dương (4), Quảng Bình (3), Vĩnh Phúc (2), Thừa Thiên Huế (2), Hà Giang (1); trong đó có 663 ca trong cộng đồng.
Như vậy, trong ngày 6-8 cả nước ghi nhận 8.324 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 8.320 ca ghi nhận trong nước. TPHCM tiếp tục dẫn đầu với 4.060 ca, tiếp theo là Bình Dương 1.169, Long An 859, Đồng Nai 554.
Tính đến chiều ngày 6-8, Việt Nam đã có 193.381 ca nhiễm trong đó có 2.338 ca nhập cảnh và 191.043 ca mắc trong nước. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27-4 đến nay là 189.473 ca, trong đó có 59.558 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong hôm nay có thêm 4.292 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 62.332 ca. Hiện có 518 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU và 18 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.
Chiều 6-8 Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận thêm 296 ca tử vong.
Bộ Y tế sẽ dừng cấp vắc-xin với các đơn vị triển khai tiêm chậm
Theo Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký văn bản khẩn gửi sở y tế các tỉnh, thành trực thuộc trung ương; Cục Y tế, Bộ Công an; Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được giao nhiệm vụ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 về việc khẩn trương tiếp nhận vắc-xin phòng Covid-19.
Theo Bộ Y tế, báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ cho thấy đến nay vẫn còn nhiều đơn vị chưa đến nhận vắc-xin tại kho của viện. Vì vậy, Bộ Y tế quyết định nếu sau ngày 8-8, nếu không đến nhận, số vắc-xin sẽ được điều chuyển cho đơn vị khác. Ngoài ra, cơ quan này cũng xem xét không phân bổ trong các đợt tiếp theo.
Đối với các vắc-xin có yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo hướng dẫn của nhà sản xuất mà đơn vị chưa bố trí ngay được trang thiết bị phù hợp, phải phối hợp Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để nhận vắc-xin đúng thời điểm, không để phải hủy vắc-xin do bảo quản không đúng.
Sau khi tiếp nhận vắc-xin phải khẩn trương tổ chức tiêm chủng cho tất cả trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn theo nghị quyết 21 ngày 26-2 của Chính phủ và quyết định 3355 ngày 8-7 của Bộ Y tế về việc ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin.
Bộ Y tế yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur phải thông báo ngay cho các đơn vị biết để đến nhận vắc-xin trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định phân bổ của Bộ Y tế.
Hà Nội giãn cách xã hội thêm 15 ngày
Sau hai tuần áp dụng Chỉ thị 16, Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố đến 6:00 ngày 23-8.
Theo Vnexpress, chiều 6-8, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh ra công điện về nội dung trên, yêu cầu thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; triển khai chặt chẽ hơn việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình; người dân "ai ở đâu ở đó" để đảm bảo khống chế sự lây lan dịch bệnh.
Điểm mới của công điện lần này thành phố đưa ra các khái niệm "vùng xanh; vùng da cam và vùng đỏ" kèm theo các biện pháp tương ứng.
Theo đó, tại các khu vực không có dịch, tức "vùng xanh", mỗi người dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Người dân được khuyến khích cùng tham gia thành lập các khu vực tự quản, thành lập "Chốt bảo vệ vùng xanh" do chính khu dân cư, tổ dân phố lập nên; chủ động phòng ngừa dịch ngay khi dịch bệnh chưa xảy ra, giữ gìn an toàn cho khu dân cư.
Tại các khu vực có nguy cơ, "vùng da cam", gồm các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh..., chính quyền cơ sở phê duyệt phương án phòng chống dịch, chỉ cho hoạt động khi đảm bảo các quy định liên quan. Mỗi cán bộ, công chức, người lao động, người dân nghiêm túc chấp hành việc khai báo y tế bằng mã QR Code khi đến làm việc, lao động hoặc mua sắm.
Đối với khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly, "vùng đỏ", chính quyền cơ sở quyết định các biện pháp phong tỏa hoặc cách ly y tế với diện tích phù hợp; chủ động quyết định các biện pháp cao hơn đảm bảo khống chế dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất.
Hiệp Trần tổng hợp