Bùi Tâm An -
- Kể ra thì có vẻ kỳ cục, nhưng thú thật là tôi đã ganh tị với… những con bò sữa được nuôi tại nông trang của gia đình ông bà Richard Fitzgerald mà tôi có dịp ghé thăm trong chuyến đi tới đất nước Ireland. Ở cái xứ mà ăn cái gì vào miệng cũng lo, tôi thấy kiếp bò sao mà sướng! Thức ăn chính là cỏ tươi gần như quanh năm nhờ lượng mưa và độ ẩm cao tại đất nước này. Hơn nữa chúng còn có cả một ông tiến sĩ làm việc toàn thời gian ở trang trại chăm lo. Chúng chỉ lo tung tăng hết từ đồng cỏ này sang đồng cỏ khác rồi cho sữa. Đã vậy, khi bị vắt sữa cũng chừng mực, tầm 10 lít/ngày, chỉ bằng phân nửa so với bò nuôi ở Đà Lạt. Ông bà chủ của chúng quan niệm, bò “hạnh phúc” sẽ cho sữa tốt nhất, ngon nhất! Chắc vì vậy mà người Ireland đặt ra tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng cho tất cả thực phẩm sản xuất tại nước họ rất cao. Cao đến mức mà anh chàng ở Ban Thực phẩm Ireland (Bord Bia) mà tôi gặp ở thủ đô Dublin khẳng định chắc nịch, rằng hàng hóa đã đạt được chứng nhận về chất lượng, chứng nhận xanh do chương trình bền vững quốc gia cấp và chứng nhận về an toàn thực phẩm là thoải mái vào châu Âu hay Mỹ. Và thịt bò, thịt heo, sữa, phô mai người Ireland làm ra, trước hết là phục vụ tiêu dùng trong nước, sau đó là xuất khẩu. Ireland có khoảng 4,5 triệu dân, chưa bằng một nửa TPHCM. Khoảng 80% thịt bò, một trong hai niềm tự hào của dân Ireland về thực phẩm, đã xuất khẩu vào Mỹ và châu Âu nhiều năm qua. Sữa thì đi khắp thế giới và cũng như thịt bò, luôn đứng đầu bảng về giá, kiểu “đắt xắt ra miếng”!
Những con bò sữa được nuôi tại nông trang của gia đình ông bà Richard Fitzgerald mà tôi có dịp ghé thăm trong chuyến đi tới đất nước Ireland.
- Hồi còn ghiền xem phim Hàn Quốc, tôi cứ thắc mắc hoài về chuyện ăn uống của mấy cô nhân vật nữ chính con nhà nghèo. Cô con gái đi làm mới nhận lương hoặc có chuyện gì đó vui vẻ thường mua về nhà ký sườn bò, thịt bò làm món nướng. Rồi thì khi ăn, ai cũng cho cả miếng thịt gói trong lá rau to đùng vào miệng, vừa nhai vừa nói cười không ngừng. Bà mẹ vui ra mặt, nhưng thế nào cũng quay sang trách cô con gái là sao mua thịt bò cho tốn tiền. Chả nhẽ thịt bò ở xứ kim chi này lại là món hàng xa xỉ đến vậy? Sau này, đem thắc mắc hỏi ông anh họ đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc mới biết, thịt bò nội địa (tức do nông dân Hàn nuôi) khá đắt, cao gấp mấy lần thịt bò nhập khẩu từ Ấn Độ. Dân Hàn Quốc thì chỉ thích ăn thịt bò nội địa. Đó là lý do nhà nào ít tiền (như trong phim) thì lâu lâu mới dám ăn. Còn dân mình sang đó làm thuê, tha hồ ăn thịt bò, nhưng chỉ dám mua hàng Ấn Độ! Chuyện thịt bò này làm tôi nhớ chuyện từng nghe về nước Nhật. Nguyên tắc của người Nhật cũng như vậy, hàng sản xuất trong nước, từ hàng điện tử đến thực phẩm phải là tốt nhất, tốt hơn cả hàng xuất khẩu. Chả thế mà dân Việt Nam một thời thích mua hàng “bãi” của Nhật (tức hàng đã dùng rồi của người dân Nhật, được mấy tàu buôn đưa về).
- Nói chuyện Đông chuyện Tây, trở về thực tại nhà mình mà buồn ghê gớm. Đồ ngon, đồ tốt, các doanh nghiệp đem xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, châu Âu, Trung Đông. Xuất được thì tự hào, sung sướng bởi mình đã xâm nhập được những thị trường khó tính nhất. Thôi thì cũng mừng, vì xuất hàng đi là mang đô la Mỹ, đồng yen về. Nhờ vậy mà trái cây, cá, tôm Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến. Song, đó chỉ là một phần của câu chuyện. Trên thực tế cũng đã có không ít lô tôm, cá tra, thanh long, xoài xuất khẩu bị nước bạn trả về vì dư lượng thuốc kháng sinh, tạp chất. Không ít người đặt câu hỏi: Hàng trả về thì đi đâu? Đem đi tiêu hủy hay xả ra bán cho người dùng trong nước? Và rồi ai, công cụ nào sẽ phát hiện ra dư lượng thuốc trừ sâu hay kháng sinh kia. Nó cũng tương tự như việc dân mình bao nhiêu năm tháng qua ăn thịt heo siêu nạc, cá trê nhuộm vàng da bằng thuốc Trung Quốc hay trái cây vượt ngưỡng nitrat thôi. Dù đã có đủ quy định này, tiêu chuẩn nọ nhưng vẫn có hàng tỉ lý do để trang trại này hôm nay đạt chứng nhận VietGAP, ngày mai thiếu chỉ số kia mà vẫn không sao… Chuyện xuất khẩu đồ ngon, bị trả về thì bán cho dân mình cũng giống chuyện các bác nông dân đều có một khoảnh vườn nho nhỏ, trồng riêng rau cho nhà ăn vì không dám ăn chung với rau bán ra, hoặc đánh dấu vài gốc xoài, gốc sơ ri không phun thuốc dành riêng cho người nhà.
- Đầu tháng 11-2016 vừa qua, Tổng thống Ireland sang thăm Việt Nam nhân 20 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngồi ở khách sạn Caravelle Sài Gòn nghe ông nói chuyện tôi hiểu vì sao người nuôi bò, trồng rau ở xứ của ông lại “hiền” như vậy. Ông tổng thống kiêm nhà thơ, nhà văn và xuất thân từ một giảng viên đại học của họ nhắc đi nhắc lại nguyên tắc rằng phát triển, tăng trưởng kinh tế phải đảm bảo sự bền vững của môi trường. Các nhà quản trị đất nước cũng như doanh nghiệp cần cân nhắc, suy nghĩ kỹ càng trước mỗi sự lựa chọn, mỗi hợp đồng, trước những chính sách, việc cần làm… Và, sự cân bằng trong tất cả mọi thứ sẽ gắn kết, lôi kéo mọi người với nhau. Họ hiểu và họ hành động với tất cả những sự tự nguyện, tự giác khi được truyền cảm hứng từ người đứng đầu và tuân theo các tiêu chuẩn cùng bộ công cụ giám sát nhất quán và minh bạch.
- Nhìn quanh mình thấy mọi thứ còn ngổn ngang. Nếu được mơ, tôi chỉ xin mơ các bác nông dân, các chủ trang trại và các nhà sản xuất thực phẩm yêu và thương người mình, ít nhất cũng bằng những nông dân Hàn Quốc, Nhật Bản hay Ireland thương người dân của họ. Làm sao để rau nhà ăn cũng như rau cho hàng xóm ăn, hàng xuất khẩu cũng như hàng bán trong nước đều ngon, lành như nhau. Lỡ có bị trả về thì đem tiêu hủy, đừng tìm cách tuồn ra ngoài. Tình yêu, lòng thương – thứ không thể đo đếm và nghe có vẻ vô chừng này – sẽ giúp những người trồng lúa, nuôi tôm đạt được những thứ rất cụ thể khác như tỷ lệ dư lượng thuốc kháng sinh, số ngày thu hoạch sau bón phân… mà không cần phải có một cán bộ quản lý nào kè kè bên cạnh kiểm soát. Tình yêu, lòng thương để mọi người bền bỉ, kiên trì theo đuổi những giá trị xanh, sạch mà mình hướng đến, dù hành trình đấy có mồ hôi, nước mắt và cả máu.
Mơ vậy để tôi bay bổng trong niềm hân hoan rằng, những người mẹ có con nhỏ như tôi bớt đau đầu và lo lắng chuyện tiền nong mỗi ngày đi mua đồ ăn thời con bắt đầu ăn dặm; lâu lâu còn được “giải phóng” khỏi bếp núc vì con thoải mái ăn tiệm; cũng chẳng bị cái cảm giác kỳ cục là ước mình được như con bò ở xứ họ; cũng chẳng phải thèm thuồng những thịt bò Kobe, nho Mỹ… Có lẽ, tôi nên bắt đầu… mơ!