Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Tối ngày 10-7, Việt Nam ghi nhận 461 ca nhiễm Covid-19 trong nước

(SGTT) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 12:00 đến 19:00 ngày 10-7, Việt Nam ghi nhận 461 ca nhiễm mới Covid-19 trong nước.
Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TPHCM bố trí 157 chốt phụ kiểm soát chặt đi lại giữa các quận huyện, người dân không có lý do chính đáng phải quay đầu xe.

Trong đó, tại TPHCM ghi nhận 200 ca, Bình Dương có 140 ca, Long An 33 ca, Đồng Nai 19 ca, Phú Yên 18 ca, Quảng Ngãi 14 ca, Khánh Hòa 13 ca, Đồng Tháp 8 ca, Hà NộI 5 ca, Bình Phước 4 ca, Tây Ninh 3 ca, các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Vĩnh Phúc, Thái Bình mỗi địa phương có 1 ca; trong đó 383 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Đề xuất trợ cấp cho xe ôm truyền thống, xích lô du lịch

Ngày 10-7, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TPHCM đã có đề xuất khẩn với UBND TP xem xét, quyết định hỗ trợ cho người chạy xe ôm 2 bánh truyền thống, xe xích lô chở khách du lịch bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo Sở LĐTBXH TPHCM, đây là nhóm lao động yếu thế, công việc và thu nhập bấp bênh, không ổn định.

Người dân làm hồ sơ hưởng các trợ cấp chính sách xã hội khi bị thất nghiệp do dịch bệnh. Ảnh: baotintuc.vn

Họ không sử dụng công nghệ để tìm kiếm khách, mà chủ yếu hoạt động tại các địa điểm cố định như chợ, bến xe, các dịch vụ lưu trú, chăm sóc sức khỏe; các địa điểm vui chơi, giải trí, các địa điểm du lịch, tham quan, sân khấu ca nhạc, sân khấu kịch, phố đi bộ, chợ đêm, công viên công cộng…

Báo Tin tức thông tin, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhóm lao động này cơ bản bị mất việc làm, thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu và hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, trong năm 2020, nhóm lao động này cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Thống kê sơ bộ, hiện TPCHM có khoảng 34.000 người. Theo đề xuất của Sở LĐTBXH, mỗi lao động sẽ được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày trong thời gian giãn cách xã hội.

Một công ty ở TPHCM được nhập 5 triệu liều vắc-xin Covid-19 Sinopharm

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có quyết định phê duyệt cho phép Công ty TNHH Dược Sài Gòn (Công ty Dược Sài Gòn), có trụ sở tại quận 4, TPHCM nhập khẩu lô vắc-xin Covid-19 Sinopharm của Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng chống dịch.

Theo báo Người lao động, Bộ Y tế đồng ý để TPHCM được quyền phân phối, sử dụng lô vắc-xin này. Vắc-xin được sử dụng phục vụ nhu cầu tiêm chủng, phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND TPHCM và phải đáp ứng các điều kiện đi kèm theo quy định của Bộ Y tế.

Vắc-xin ngừa Covid-19 của Sinopharm. Ảnh: TTXVN

Trước đó, Công ty Dược Sài Gòn được UBND TPHCM giao thực hiện đàm phán, thương thảo, ký kết các hợp đồng mua bán vắc-xin Covid-19 tại TPHCM. Ngày 1-7, công ty này đã có công văn gửi Cục Quản lý Dược về việc nhập khẩu vắc-xin chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam kèm đơn hàng số 272/ĐH-SPC-XNK.

Căn cứ theo các văn bản hiện hành, Cục Quản lý Dược đã đồng ý cho công ty Dược Sài Gòn nhập khẩu 5 triệu liều vắc-xin Sinopharm theo đơn hàng số 272/ĐH-SPC-XNK đề ngày 1-7. Đơn hàng trên có giá trị tới ngày 8-7-2022.

Ấn Độ sẵn sàng hợp tác, cung ứng vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, ngày 10-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Theo đó, hai vị nguyên thủ đã bàn về việc cung ứng vắc-xin của Ấn Độ cho Việt Nam, cũng như tạo thuận lợi kinh tế, đầu tư. Hai lãnh đạo đều khẳng định hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ nhau để sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Tại cuộc điện đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Ấn Độ ưu tiên hỗ trợ Việt Nam trong việc tiếp cận nguồn vắc-xin nhanh nhất, nhiều nhất có thể.

Thủ tướng cũng đề nghị phía Ấn Độ chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cho Việt Nam và tạo điều kiện cho các cơ quan của hai bên trong việc cung ứng vắc-xin của Ấn Độ cho Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Thủ tướng Ấn Độ bày tỏ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục thúc đẩy, phát huy các cơ chế tham vấn, đối thoại, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và phối hợp trong các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, đẩy mạnh hợp tác ứng phó các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Hiện nay Ấn Độ và Việt Nam cùng là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong năm 2021.

Khánh Hòa yêu cầu doanh nghiệp kích hoạt kịch bản ứng phó dịch Covid-19

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, từ 8:00 đến chiều tối ngày 10-7, tỉnh này ghi nhận 66 ca mắc Covid-19 mới. Đây là con số cao nhất từ khi địa phương có dịch bệnh xảy ra cho đến nay.

Lực lượng phòng chống dịch tỉnh Khánh Hòa nỗ lực xét nghiệm truy vết. Ảnh: thanhnien.vn

Theo báo Thanh niên, địa phương đã cho tiến hành phong tỏa hàng chục điểm dân cư có ca nhiễm, trong đó thị xã Ninh Hòa trên 50 điểm, thành phố Nha Trang khoảng 10 điểm.

Để ứng phó với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tỉnh Khánh Hòa đã trưng dụng hàng chục cơ sở y tế, quân đội, trường học, ký túc xá, khách sạn trên địa bàn để cách ly, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục truy vết, xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm.

Đồng thời, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... chủ động, khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp để xử lý, không để dịch bệnh lây lan; kiểm tra, kích hoạt kịch bản ứng phó phòng chống dịch bệnh Covid-19 của từng doanh nghiệp, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.

Nguyễn Nam tổng hợp


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối