Trung Chánh
Nông dân nuôi tôm tại ĐBSCL lại có nguy cơ đối diện với một vụ mùa đầy khó khăn do thời gian gần đây nhiều lô hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ bị trả lại vì tôm nhiễm kháng sinh vượt mức cho phép.
Hàng bị trả về tăng
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu tôm năm 2014 của cả nước đạt kim ngạch cao kỷ lục, khoảng 3,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 26,9% so với năm 2013. Trong đó, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 27% với kim ngạch đạt trên một tỉ đô la Mỹ, tăng 28% so với năm 2013.
Tuy nhiên, bước sang tháng đầu tiên của năm 2015, lượng tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ sụt giảm đến 53,8% so với cùng kỳ. Điều đáng chú ý là số lô hàng bị thị trường này trả về tăng mạnh trong hai tháng đầu năm 2015.
Không tiết lộ chi tiết về số lô hàng bị Mỹ trả về nhưng ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP, cho biết bên cạnh Malaysia, Indonesia và Trung Quốc, Việt Nam là thị trường có số lô tôm bị Mỹ trả về tăng rất mạnh trong hai tháng qua.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết đến nay đơn vị này vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức về số lô tôm của doanh nghiệp trong nước bị Mỹ trả về. “Chúng tôi chỉ mới có được số liệu chung của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) thống kê số lô tôm của các nước bị Mỹ trả về khi bán vào thị trường này thôi”, ông cho biết.
Cụ thể, theo FDA, hai tháng đầu năm 2015, đơn vị này đã từ chối nhập khẩu khoảng 100 lô tôm vào Mỹ, chiếm đến 1/3 tổng số lô tôm bị Mỹ từ chối trong năm 2014. Có đến 75% số lô bị trả về là do phát hiện còn tồn dư chất nitrofuran và dư lượng thuốc thú y. “Hiện nay, quốc gia nhập khẩu (Mỹ) tăng cường kiểm tra kỹ lưỡng hơn, chỉ số kiểm tra dư lượng ngày càng thấp xuống (khắt khe hơn), nên việc phát hiện cũng dễ hơn, dẫn đến số lô tôm bị trả về cũng nhiều hơn”, ông Hải lý giải nguyên nhân khiến tôm của doanh nghiệp bị trả về tăng mạnh.
Theo ông Hòe, tôm bị trả về nhiều chắc chắn sẽ gây khó khăn đối với xuất khẩu tôm nói chung và xuất khẩu vào thị trường Mỹ nói riêng trong năm nay. “Trong bối cảnh tiêu thụ tôm đã sụt giảm như hiện nay, (xuất khẩu tôm tháng 1-2015 đạt trên 206 triệu đô la Mỹ, giảm 20,3% so với năm ngoái – PV), thì việc bị Mỹ trả về sẽ khiến các thị trường nhập khẩu khác càng e dè hơn”, ông Hòe nhận định.
Chủ động ứng phó
Ông Võ Hồng Ngoãn, người được mệnh danh là vua nuôi tôm ở ĐBSCL, ngụ tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, cho rằng việc tôm nhiễm kháng sinh tăng là do khâu quản lý của ngành chuyên môn còn lỏng lẻo. “Người nuôi thì mạnh ai nấy làm, ngừa bệnh theo kiểu mù quáng, lạm dụng kháng sinh. Trong khi theo các nhà khoa học thì kháng sinh chỉ dùng để trị bệnh, chứ không dùng để ngừa bệnh. Vì sử dụng như vậy sẽ làm mất tác dụng chữa trị khi xảy ra dịch bệnh tôm”, ông Ngoãn cho biết.
Theo ông Ngoãn, với cách làm ăn như hiện nay, không chỉ nông dân và doanh nghiệp lao đao, mà cả ngành tôm cũng “chết”. “Tôm không xuất không được, doanh nghiệp sẽ quay sang mua ép giá xuống thấp, lúc đó sẽ “chết chùm”, mà nông dân là người bị trước tiên”, ông nói.
Để giải quyết vấn nạn lạm dụng kháng sinh, theo ông Ngoãn, nếu khâu chế biến xuất khẩu không mua tôm nhiễm kháng sinh thì sẽ không có hộ nông dân nào dám lạm dụng kháng sinh cả. “Cái gốc để giải quyết vấn đề là từ các doanh nghiệp, nếu họ đồng loạt không mua tôm nhiễm kháng sinh và tạp chất thì đố ai dám sản xuất”, ông Ngoãn nhận định.
Trong khi đó, ông Hải của VASEP, cho rằng sẽ rất khó để giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng kháng sinh vì nguy cơ dịch bệnh tấn công trên tôm nuôi là rất cao, mà khi bị bệnh thì phải sử dụng thuốc. Theo ông, bên cạnh nghiên cứu để tìm ra các chất xử lý dịch bệnh không bị nước nhập khẩu cấm, người nuôi nên chủ động tuân thủ nghiêm việc cách ly, ngưng sử dụng kháng sinh đúng thời gian quy định trước khi thu hoạch.
Ông Hòe cho rằng, việc tôm nhiễm kháng sinh phải được quan tâm đúng mức, không chỉ ở doanh nghiệp chế biến mà ngay cả khâu nuôi. “Doanh nghiệp cần tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc, đặc biệt trong bối cảnh nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng phát triển rất mạnh như thời gian gần đây, nhằm bảo đảm các lô tôm khi xuất khẩu không ảnh hưởng do bị trả về, dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh của ngành này”, ông Hòe khuyến cáo.
Ngoài ra, cũng theo ông Hòe, chương trình kiểm soát dư lượng kháng sinh của các cơ quan có thẩm quyền cũng nên được tăng cường để trên cơ sở đó bảo đảm các lô hàng xuất đi được an toàn trong bối cảnh thị trường tiêu thụ đang yếu như hiện nay.