Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Tour khách Tây vẫn ế ẩm vì thủ tục phức tạp

(SGTT) - Hiện nay, nhiều doanh nghiệp du lịch thừa nhận, họ vẫn đang trong tình trạng "ế” tour inbound, chưa thể bán các sản phẩm tới du khách quốc tế vì quá trình hướng dẫn mở cửa du lịch từ 15-3 tới vẫn còn chưa nhất quán.

Quy trình xét nghiệm y tế vẫn phức tạp

Mới đây, trong công văn nêu ý kiến về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, Bộ Y tế đưa ra nhiều điều kiện được cho là siết chặt hoạt động du lịch.

Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu với khách du lịch từ 12 tuổi trở lên, khi nhập cảnh Việt Nam bắt buộc có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV bằng phương pháp RT-PCR 72 giờ trước khi nhập cảnh, kèm chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 (ít nhất 14 ngày, không quá 6 tháng) hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh.

Bộ Y tế còn quy định du khách nên ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc. Trường hợp cần thiết di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày. Trường hợp khách ở lại nơi lưu trú 72 giờ, thì chỉ xét nghiệm 2 lần, vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3 từ khi nhập cảnh. Kết quả từ phương pháp test nhanh kháng nguyên được công nhận.

Rất nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, nếu áp dụng những quy định này, việc đón khách quốc tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Golden Smile (Golden Smile Travel), chia sẻ "Chương trình Test And Go của Thái Lan quy định ở khách sạn chỉ 3-6 giờ chờ kết quả xét nghiệm PCR với mong muốn từng bước khôi phục du lịch".

Thái Lan đã nới lỏng quy định nhưng từ ngày 1 đến 21-2, chỉ đón được 1.018 khách Việt Nam và con số tại các quốc gia khác không hơn là bao. Liệu rằng cách ly hoàn toàn 24 giờ tại khách sạn và khuyến cáo không nên đi lại trong 72 giờ từ khi nhập cảnh có đủ hấp dẫn du khách quốc tế?".

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Golden Smile. Ảnh: Golden Smile Travel

Theo ông Phương, việc xét nghiệm PCR là đủ mà không cần thêm bất kỳ quy định nào. Các doanh nghiệp du lịch đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang thoi thóp. Nếu không có chính sách mở cửa một cách hợp lý, chúng ta sẽ bị chậm nhịp trong quá trình phục hồi ngành du lịch.

Còn theo ông Bùi Quốc Đại, Trưởng phòng Điều hành Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam, du khách của các quốc gia trong khu vực thường đến Việt Nam ngắn ngày. Chính vì thế, nếu yêu cầu trong vòng 72 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh, hành khách không nên rời khỏi nơi lưu trú thì họ khó lòng chấp nhận.

Ông Đại đưa ra một phép so sánh, ở Thái Lan, bắt đầu từ tháng 3, du khách đến du lịch quốc gia này theo chương trình Test & Go chỉ phải chờ kết quả xét nghiệm PCR ngày thứ nhất tại khách sạn hoặc tàu biển, tùy theo đường nhập cảnh. Ngoài ra, các nước trong khu vực như Philippines, Campuchia cũng đã rất cởi mở. “Theo tôi, đề xuất của Bộ Y tế đang nâng mức quy định cho du lịch khó hơn cả đợt thí điểm đón khách thứ hai", ông Đại nhận định.

Để đơn giản hóa thủ tục này, một số doanh nghiệp đề xuất là vẫn xét nghiệm PCR và ở khách sạn nhưng ở lại bao lâu thì dựa vào thời gian trả kết quả xét nghiệm. Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương kiến nghị có thể tiến đến chuyển từ xét nghiệm PCR tốn kém sang xét nghiệm nhanh ngay tại sân bay. Đây chưa phải giải pháp tối ưu nhưng có thể dung hòa được nỗi lo của Bộ Y tế.

"Việc mở cửa đón khách vào ngày 15-3 nên toàn diện và có quyết sách phù hợp, còn không được thì không nên làm. Việc đó giúp tiết kiệm chi phí marketing, truyền thông và cũng là cách giữ uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu cứ nửa vời thì khi thật sự mở ra, nhiều du khách vẫn sẽ bán tín bán nghi vào chính sách của chúng ta", Phương nói.

Cần đơn giản hóa thủ tục visa

Thủ tục visa cũng là yếu tố rất quan trọng mà các doanh nghiệp du lịch quan tâm hiện nay. Ông Hà Đức Mạnh, Giám đốc công ty du lịch Amica Travel chia sẻ, nhiều quốc gia giờ đây đã có chính sách mở cửa du lịch rất ổn định, các dịch vụ lưu trú, nhà hàng hoạt động trơn tru, đáp ứng mọi nhu cầu của du khách, điển hình là UAE.

Ngay trong tháng 2 và 3, đã có một số du khách Việt của Amica Travel đặt tour đến Dubai và hoàn toàn hài lòng với những trải nghiệm ở địa điểm du lịch hấp dẫn này khi mà các thủ tục hành chính được thực hiện rất đơn giản.

Thời gian hoàn thiện visa chỉ trong vòng 48 giờ, thủ tục nhập cảnh chỉ khoảng 30 phút, các chính sách bảo hiểm y tế cho du khách cũng tiện lợi. Điều quan trọng nhất là những quy định ở UAE rất ổn định, không thay đổi bất ngờ, làm khó du khách.

Ông Mạnh tiết lộ: “Mới đây, chúng tôi dẫn một đoàn khách đến Dubai, chính quyền sở tại đã không còn yêu cầu kết quả test PCR với Covid-19 nữa mà du khách chỉ cần đưa giấy chứng nhận tiêm đủ vaccine là được nhập cảnh. Các thủ tục ngày càng đơn giản, tiện lợi đối với khách hàng”.

Khách quốc tế đến TPHCM du lịch trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Viettravel

Dưới góc độ chuyên gia, Tiến sĩ Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) - đề xuất cần phục hồi ngay chính sách miễn visa như trước khi có dịch Covid-19. “Ngoài 13 nước được miễn visa cũ, Việt Nam cần mở rộng diện miễn visa cho toàn bộ khối EU, Australia, New Zeland. Với Mỹ, Trung Quốc, nếu không miễn thì đề nghị xem xét visa dài hạn 5 năm, 10 năm… Chính sách visa tốt mới thu hút được khách du lịch đến Việt Nam. Đó là điều kiện tiên quyết”, Tiến sĩ Lương Hoài Nam nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, nhiều nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia và Lào, mặc dù đã nối lại đường bay với Việt Nam nhưng vẫn đang chờ hướng dẫn chính sách visa để triển khai hoạt động du lịch.

Nhìn nhận việc mở cửa trong giai đoạn hiện nay còn nhiều vấn đề cần giải quyết, ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Viettravel nhấn mạnh, trước hết các bộ, ngành cần hướng dẫn địa phương thống nhất một chính sách để doanh nghiệp triển khai tour.

“Mở cửa phải mở toàn bộ, nếu thiết lập sản phẩm du lịch mà các địa phương không đồng bộ thì không thể làm du lịch được”- ông Bảy chia sẻ.

Đinh Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối