Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

TPHCM cân nhắc các biện pháp phòng, chống dịch mạnh hơn ở khu vực nguy cơ cao

TPHCM đang ở những ngày cuối chu kỳ giãn cách xã hội lần thứ 2 (từ ngày 15-6 đến 30-6) và thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19-6-2021 của UBND Thành phố về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tuy nhiên, số ca mắc ở TPHCM vẫn tăng lên. Trong những ngày gần đây, TPHCM liên tục ghi nhận số ca nhiễm ở mức 3 con số, đặc biệt từ 6:00 ngày 24-6 đến 6:00 ngày 25-6 ghi nhận tới 667 ca nhiễm mới, cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, việc kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Do đó, thành phố cần cân nhắc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch mạnh hơn tại các khu vực nguy cơ cao và giám sát việc thực hiện các bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch.

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM, chiều 25-6.

TTXVN dẫn lời Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, cho biết trong đợt dịch thứ 4, thành phố xuất hiện các chuỗi lây nhiễm có số ca mắc lớn. Việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19-6-2021 của UBND Thành phố những ngày qua đã có một số kết quả nhất định nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu khoanh vùng toàn bộ các chuỗi lây nhiễm do liên tục xuất hiện thêm các trường hợp nhiễm ngoài cộng đồng, chưa rõ nguồn lây.

Đáng chú ý, trong những ngày gần đây, Thành phố liên tục ghi nhận số ca nhiễm ở mức 3 con số, đặc biệt từ 6:00 ngày 24-6 đến 6:00 ngày 25-6 ghi nhận tới 667 ca nhiễm mới, cao nhất từ trước đến nay.

Hiện nay, dịch đã xuất hiện trong các khu công nghiệp, các chợ đầu mối nên khả năng lây lan là rất lớn. Nếu không kiểm soát sớm, dịch sẽ lan nhanh sang các địa phương khác bùng phát trên diện rộng, càng khó khoanh vùng, dập dịch hơn.

Chính vì vậy, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố nên xem xét việc áp dụng các biệt pháp phòng chống dịch mạnh hơn, có thể tính đến việc tạm dừng hoạt động một số chợ nếu cần thiết để có thể khoanh vùng, chặt đứt các chuỗi lây nhiễm.

Thành phố đã xây dựng các bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch nhưng phải cập nhật bổ sung và giám sát thực hiện. Tăng cường kiểm soát việc chấp hành phòng chống dịch trong các khu công nghiệp, khu cách ly, không để lây lan thành các chuỗi lớn. Mỗi người dân phải có tinh thần tự giác, người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp phải đảm bảo việc tuân thủ phòng chống dịch tại nơi làm việc, doanh nghiệp, hay đơn vị nào không đảm bảo yêu cầu phòng dịch phải bị xử lý, cho dừng hoạt động.

Đối với chiến dịch tiêm 800.000 liều vắc-xin, Phó Thủ tướng yêu cầu TPHCM tổ chức tiêm đúng tiến độ, có phương án đảm bảo an toàn và xử lý kịp thời các trường hợp có phản ứng phụ.

“TPHCM sẽ còn tiếp nhận thêm các đợt vắc-xin mới, do đó cần tính toán đến các phương án tổ chức tiêm phù hợp. Phải chú ý việc phân luồng theo thời gian, địa điểm tiêm để kiểm soát dòng người. Không được để tái diễn tình trạng tập trung quá đông người cùng một lúc như hai ngày qua tại Nhà thi đấu Phú Thọ. Trong lúc chưa kiểm soát được mầm bệnh trong cộng đồng, chỉ cần một trường hợp F0 chưa được phát hiện có mặt tại điểm tiêm thì hậu quả sẽ khó lường,” Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng lo ngại lớn nhất của TPHCM hiện nay là các chuỗi lây nhiễm tại khu công nghiệp Tân Phú Trung, Củ Chi, chợ đầu mối Hóc Môn, chợ Sơn Kỳ vẫn tiếp tục gia tăng ca nhiễm, dù đã được khoanh vùng, cách ly. Thành phố chỉ còn 5 ngày nữa là kết thúc kỳ giãn cách thứ 2 và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị số 10/CT-UBND gần như tương đương với Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch kể từ ngày 19-6 nhưng số ca mắc vẫn tăng lên liên tục.

Chính vì vậy, UBND, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố yêu cầu các sở, ngành, ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện, thành phố Thủ Đức phải đánh giá lại việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch những ngày qua, mức độ kiểm soát và đề ra các biện pháp quyết liệt hơn cho những ngày tới.

Chủ tịch UBND Thành phố cũng lưu ý các đơn vị về việc vận hành các khu cách ly tập trung, đặc biệt nhanh chóng xử lý các vấn đề tại khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM, không để nhân viên y tế phải ôm đồm nhiều việc ngoài chuyên môn, dẫn đến kiệt sức.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đánh giá ngoài các chuỗi lây nhiễm đã được xác định, trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều mầm bệnh âm thầm lây lan trong cộng đồng và chỉ được phát hiện qua khám sàng lọc hoặc tầm soát bệnh nhân tại các cơ sở y tế.

Ngành y tế TPHCM đang triển khai phương án điều trị cho 5.000 trường hợp nhiễm và chuẩn bị phương án để có thể tiếp nhận điều trị trong trường hợp có 9.000-10.000 người nhiễm.

Một số bệnh viện tuyến quận/huyện sẽ được tổ chức để tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 có triệu chứng nhẹ nhằm giảm tải cho các bệnh viện điều trị Covid-19 tuyến cuối như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi, Bệnh viện Dã chiến Cần Giờ.

Theo KTSG Online, TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối