(SGTT) – Sáng 12-7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TPHCM đã quyết định đưa vào sử dụng một bệnh viện 1.000 giường hồi sức. Đến nay, hệ thống các cơ sở chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 tại thành phố thực hiện theo mô hình tháp 4 tầng, thay vì 3 tầng như trước đây.
- TPHCM cách ly, xét nghiệm, điều trị Covid-19 thế nào khi đang giãn cách?
- Xét nghiệm Covid-19 tại TPHCM ở đâu, chi phí thế nào?
Theo thông báo từ trang thông tin điện tử của Sở Y tế TPHCM, khu vực điều trị nội trú của Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 sẽ được tạm chuyển đổi công năng trở thành Trung tâm Hồi sức Covid-19, với quy mô 1.000 giường.
Điểm thuận lợi nhất của Trung tâm Hồi sức Covid-19 chính là hạ tầng sẵn có của một bệnh viện có cấu trúc hạ tầng hiện đại có thể hỗ trợ hô hấp một lúc lên đến 1.000 bệnh nhân (bao gồm thở ô-xy, thở máy không xâm lấn HFNC, thở máy xâm lấn).
Cụ thể, tất cả giường bệnh đều có hệ thống ô-xy trung tâm và hút trung tâm, trong đó, có 100 giường chăm sóc đặc biệt có hệ thống khí nén trung tâm bên cạnh ô-xy và hút trung tâm - một yêu cầu hạ tầng không thể thiếu để triển khai thở máy cho những bệnh nhân nguy kịch.
Như vậy, ngoài Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và Bệnh viện Chợ Rẫy được Bộ Y tế phân công là tuyến cuối về điều trị Covid-19, thành phố còn có thêm Trung tâm Hồi sức Covid-19 với quy mô 1.000 giường với sự tham gia của các y, bác sĩ chuyên khoa Hồi sức Cấp cứu của Bệnh viện Nhân Dân 115, Nhân dân Gia Định và các y, bác sĩ được chuyên khoa được luân phiên đến công tác từ các bệnh viện đa khoa hạng 1 của thành phố và các tỉnh, thành do Bộ Y tế điều động.
Về trang thiết bị y tế chuyên dùng như máy thở, máy lọc máu, ECMO, máy theo dõi bệnh nhân… sẽ được ngành y tế huy động nguồn lực sẵn có từ các bệnh viện thành phố và sẽ sử dụng các trang thiết bị hiện đại được trang bị cho khoa Hồi sức của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2. Bên cạnh đó, sẽ ưu tiên phân bổ các trang thiết bị do Mặt trận Tổ quốc thành phố chuyển đến từ các nhà tài trợ, cũng như các thiết bị y tế được Bộ Y tế chi viện.
Minh Hoàng tổng hợp