Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

TPHCM giãn cách thêm 1 tháng để khống chế nguồn lây nhiễm

TPHCM ưu tiên tối đa công tác phòng chống dịch và đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết nên phải quyết định kéo dài giãn cách thêm một tháng để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca mắc Covid-19 về mức thấp nhất. Một trọng tâm khác là ứng dụng hiệu quả các giải pháp điều trị và giảm nhanh số ca tử vong, tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin.

Sáng 15-8, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi tham dự lễ phát động "Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19" và ra mắt trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn do dịch Covid-19".

TPHCM sẽ tiếp tục giãn cách thêm 1 tháng nữa từ ngày 16-8-2021. Ảnh: Lê Vũ

Ông Mãi cho biết, tại TPHCM, số ca nhiễm vẫn còn cao, hệ thống điều trị quá tải, công tác tiếp nhận điều trị có lúc có nơi chưa đáp ứng kịp, tỷ lệ tử vong chưa giảm.

Vì vậy, TPHCM sẽ phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm một tháng nữa để tập trung khống chế nguồn lây nhiễm, từng bước đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.

Trước đó, chiều 14-8, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM mở rộng đánh giá kết quả phòng chống dịch sau 2 tuần thực hiện Chỉ thị 12 của Thành ủy về tăng cường một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy nhận xét sau 3 tuần tăng cường thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (từ ngày 23-7 đến 15-8), thành phố đã đạt kết quả bước đầu trong kiềm chế dịch bệnh, kéo giảm tốc độ lây nhiễm.

Dù vậy, theo ông, biến chủng Delta gây ra sự lây nhiễm hết sức phức tạp. Số ca mắc mới vẫn còn cao, tỷ lệ tử vong chưa giảm. Thực tế này cho thấy, sau nhiều lần giãn cách xã hội và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, chính quyền vẫn chưa chặn đứng được ca mắc mới trong cộng đồng và khu phong tỏa.

Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ ra những khó khăn, thách thức mà thành phố đang đối diện. Đó không chỉ là sự nguy hiểm khó lường của biến chủng Delta mà còn với đặc thù của một thành phố có dân số đông, nhiều khu vực có nhà ở chật hẹp, người ở đông đúc. Đối với biến chủng Delta rất phức tạp, công tác phòng chống dịch có lúc gặp lúng túng... Phân tích rõ như thế là để nhận diện những hạn chế, bất cập và có giải pháp hiệu quả để khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15-9 như Nghị quyết 86 của Chính phủ.

Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ đạo khẩn trương phối hợp và thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế triển khai chiến lược cách ly, chăm sóc, điều trị các ca F0 tại nhà (Homestay Care). Trọng tâm là xét nghiệm tại nhà, điều trị tại nhà và an sinh tại nhà. Do đó, thành phố phải tổ chức xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm tại cộng đồng, tại nhà để kịp thời phát hiện các F0 và hướng dẫn điều trị tại nhà. Đồng thời cấp phát thuốc (theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế) và cung cấp lương thực, thực phẩm cho F0 tại nhà, để không làm lây nhiễm ngoài cộng đồng.

Thành phố không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng phải tập trung ưu tiên giữ vững một số nhóm ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo then chốt. Vì vậy, thành phố phải rút kinh nghiệm, điều chỉnh biện pháp “3 tại chỗ” để tạo sự chủ động cho doanh nghiệp vừa sản xuất kinh doanh vừa phòng chống dịch.

Thành phố cũng chuẩn bị thêm gói hỗ trợ thứ 3 dài hơi hơn để người nghèo, lao động tự do, mất việc làm có đủ sinh hoạt phí cho đến khi thành phố kiểm soát được dịch; tuyệt đối không để ai thiếu đói, khó khăn cùng cực, bế tắc về đời sống.

Nhiều địa phương kéo dài thơi gian thực hiện Chỉ thị 16

Báo Thanh niên cho biết, sáng nay 15-8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng đã ký văn bản về việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Đồng Nai sẽ kéo dài thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh theo chỉ thị 16 từ 0:00 ngày 17-8 đến hết tháng 8, khuyến cáo người dân không ra đường sau 18:00 đến 6:00 hôm sau và doanh nghiệp vẫn tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ”.

Báo điện tử Vnexpress thông tin, chiều ngày 14-8, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế quyết định, thành phố Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa, các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy An sẽ áp dụng tiếp Chỉ thị 16 về phòng chống dịch Covid-19 thêm 10 ngày.

Các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh Phú Yên và thị xã Sông Cầu sẽ áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh. Trước đó, địa phương này áp dụng Chỉ thị 16 từ ngày 23-7 sau khi dịch Covid-19 lan rộng trên 9 huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh.

Tại Bến Tre, lãnh đạo huyện Mỏ Cày Nam và huyện Thạnh Phú đề xuất áp dụng Chỉ thị 15 đối với các “vùng xanh” và “vùng vàng”. Còn lại hầu hết huyện, thành phố trên địa bàn đều kiến nghị tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 thêm một tuần.

Các tỉnh miền Tây khác như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh cũng áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm từ 10 - 15 ngày hoặc đến khi có thông báo mới, từ ngày 15-8.

Cũng theo Vnexpress, lãnh đạo các tỉnh trên cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương kịp thời hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh, duy trì các phiên chợ không đồng, hỗ trợ đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, bảo đảm người dân không bị thiếu đói khi thực hiện giãn cách xã hội.

Tính từ ngày 27-4, 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã ghi nhận 30.943 ca. Trong đó, Long An cao nhất vùng với 13.885 ca, tiếp theo lần lượt là Đồng Tháp 4.739 ca, Tiền Giang 4.087 ca, Cần Thơ 2.493 ca, Vĩnh Long 1.574 ca, Bến Tre 1.274 ca và Trà Vinh 794 ca.

Chính phủ đồng ý mua bổ sung gần 20 triệu liều vaccine Pfizer cho trẻ emChính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 14-8-2021 về mua bổ sung vắc-xin Covid-19 của Pfizer. Đây là số vắc-xin mà Bộ Y tế và Pfizer thỏa thuận dành cho trẻ vị thành niên 12-17 tuổi.Với hai thỏa thuận với nhà sản xuất, Bộ Y tế cho biết sẽ mua được tổng cộng gần 51 triệu liều vắc-xin Pfizer. Trong đó quí 3-2021 vắc-xin sẽ về hàng tuần với số lượng 3 triệu liều. Sang quí 4, số lượng vắc-xin Pfizer về dự kiến lên tới 47 triệu liều, tập trung trong tháng 11 và 12.

Nguyễn Nam tổng hợp

Theo TTBC TPHCM, KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối